Tưởng nhớ NSƯT Lê Cung Bắc: Nỗi niềm của cố đạo diễn tài hoa

Thứ Tư, 14/06/2023 08:43 GMT+7

Google News

Sáng 13/6 tại M.Plex Studios & Theatre (62 Trần Quang Khải, Q.1, TP.HCM), gia đình và bạn bè đã tổ chức lễ đại tường, tưởng nhớ 2 năm ngày mất của đạo diễn - NSƯT Lê Cung Bắc (11/6/1946-13/6/2021). Tại đây cũng ra mắt cuốn hồi ký Bụi cát chân mây, ghi lại hành trình từ ấu thơ đến những ngày cuối đời của Lê Cung Bắc.

Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ Hồ Sĩ Bình, người biên tập cuốn hồi ký này.

Một nhà báo rẽ vào điện ảnh - kịch trường

Đây là cuốn hồi ký mà Lê Cung Bắc đã đọc cho hai diễn viên Võ Sông Hương và Hồng Ánh ghi, khi anh đang vật vã với những cơn đau đến kiệt sức trên giường bệnh. Trong suốt thời gian đó, những buổi kể chuyện nhiều lần phải dừng lại nửa chừng vì sức khỏe của anh không cho phép, nhưng có lúc anh lại gắng gượng để kể tiếp, vì anh sợ thời gian không còn kịp nữa.

Tưởng nhớ NSƯT Lê Cung Bắc: Nỗi niềm của cố đạo diễn tài hoa - Ảnh 1.

Cố đạo diễn Lê Cung Bắc

Lê Cung Bắc vốn không qua trường lớp kịch nghệ hoặc phim ảnh, bằng đam mê cháy bỏng mà trở thành một đạo diễn tài hoa. Anh sinh ra ở ngôi làng nhỏ Xuân Thành, bên sông Thạch Hãn, Quảng Trị, trong một dòng họ có truyền thống khoa bảng, nhưng lại mồ côi cha rất sớm, nhà nghèo, nên thuở nhỏ đi học có lúc phải nương nhờ cậu và chị gái.

Anh từng học ở trường Nguyễn Hoàng và Quốc học, hai ngôi trường danh giá của miền Trung. Trường Nguyễn Hoàng là nơi cho anh những kiến thức cơ bản, trường Quốc học lại giúp định hình được quan niệm về cuộc đời, bao gồm lẽ sống và lý tưởng.

Anh kể, có lẽ truyền thống gia đình và học đường thời tuổi trẻ đã góp phần hình thành nên phong cách và nhân cách. Ngày đó, anh chỉ muốn theo đuổi giấc mơ đèn sách đến cùng. Sau khi đỗ tú tài 2, anh lên Đà Lạt học đại học, tốt nghiệp cử nhân thì ghi danh học cao học ở Sài Gòn. Thời ở Sài Gòn, anh đã từng tham gia viết cho các báo. Sau 1975, anh từng làm biên tập viên cho báo Tin sáng và báo Tuổi trẻ.

Tưởng nhớ NSƯT Lê Cung Bắc: Nỗi niềm của cố đạo diễn tài hoa - Ảnh 2.

Cuối hồi ký “Bụi cát chân mây”. Ảnh: Lục Diệp

Cứ tưởng sẽ theo mãi con đường học vấn để vinh danh cho dòng họ, có chỗ đứng của một trí thức để giúp ích cho đời. Nhưng cuộc đời có những cái duyên không ai ngờ tới. Bụi cát chân mây ghi lại những dấu ấn, mối duyên kỳ ngộ mà tác giả đã đến với nghệ thuật sân khấu - điện ảnh. Thời học ở Đà Lạt, anh đã cùng bạn bè thành lập ban kịch sinh viên Thụ Nhân, được nhà viết kịch Vũ Khắc Khoan hết sức động viên. Thế rồi, khi về Sài Gòn học cao học, anh lại gặp Vũ Đức Duy, đã mời anh tham gia ban kịch cùng tên của ông. Những vai diễn của Lê Cung Bắc được giới hoạt động nghệ thuật và khán giả chú ý, được xem là "ngôi sao lạ" trên bầu trời sân khấu kịch nghệ thời đó.

Sau năm 1975, Lê Cung Bắc tham gia Đoàn kịch Bông Hồng và viết báo. Từ năm 1982 - 1992, anh chuyển hẳn qua điện ảnh. Giai đoạn này, anh đã có trên 200 vai diễn điện ảnh và truyền hình.

Đánh giá về những vai diễn của Lê Cung Bắc thời đó, NSƯT Thành Lộc nói: "Tôi rất mến mộ, thích nét diễn biến hóa của đàn anh trong những vai phụ có tính cách gai góc, phức tạp".

Tưởng nhớ NSƯT Lê Cung Bắc: Nỗi niềm của cố đạo diễn tài hoa - Ảnh 3.

Học trò, đồng nghiệp và bạn bè của đạo diễn Lê Cung Bắc đến dự lễ đại tường. Ảnh: Minh Khuê

Một cơ duyên khác lại đến với nghề đạo diễn phim. Ấy là năm 1992, Lê Cung Bắc được mời vào một vai diễn trong phim Đêm săn tiền, sau khi quay xong, anh ngồi lại với đạo diễn Bùi Sơn Duân, kiểm tra lại hình ảnh trên monitor. Đạo diễn phim nghe anh phân tích về diễn xuất, ánh sáng, bố cục, khung hình, đã nói: "… Với tư duy điện ảnh này thì Bắc phải làm đạo diễn thôi".

Từ lời động viên này đã tạo ra một bước ngoặt giúp Lê Cung Bắc mạnh dạn bước hẳn vào lĩnh vực làm đạo diễn phim. Kể từ khi làm đạo diễn phim đầu tiên Trên cả hận thù năm 1993 đến khi rời cõi tạm, đạo diễn Lê Cung Bắc đã làm đạo diễn trên 30 phim, rất nhiều bộ phim dài tập như Dòng đời (52 tập), Ngược sóng (32 tập), Vó ngựa trời Nam (37 tập), Đóa hoa tình yêu (32 tập), Nơi trái tim ở lại (24 tập), Người đẹp Tây đô (15 tập)…

Tưởng nhớ NSƯT Lê Cung Bắc: Nỗi niềm của cố đạo diễn tài hoa - Ảnh 4.

Ngoài gia đình, vài chục đồng nghiệp, thì có hàng trăm khán giả đến dự lễ đại tường, sáng 13/6

Không thể làm phim một cách cẩu thả

Lê Cung Bắc làm đạo diễn phim bằng niềm mê đắm, hết lòng với điện ảnh cùng những suy nghĩ về nghề nghiệp. Anh là người rất khó tính khi làm phim, luôn đặt ra cho mình những yêu cầu cao trong khâu chọn diễn viên, nghiên cứu nguyên mẫu để tìm diễn viên tương thích. Khi chọn diễn viên, anh vừa quyết đoán, vừa gần gũi trao đổi, kể cả lời khuyên nhủ diễn viên, các đồng nghiệp trẻ…

Anh quan niệm rất rõ ràng, đạo diễn phải nắm được kiến thức kỹ thuật, có khả năng diễn đạt tâm lý nhân vật để lựa chọn diễn viên cho phù hợp. Theo anh, đạo diễn phải "để diễn viên tự do thăng hoa cảm xúc", "có những diễn viên được đào tạo bài bản nhưng diễn không có hồn" mà cần phải "diễn bằng sự xúc động", "họ phải từ bỏ bản thân để sống với nhân vật"…

Một số diễn viên được anh chọn đã để lại những vai diễn ấn tượng, "để đời" như Việt Trinh, Hồng Ánh trong phim Người đẹp Tây đô, Võ Sông Hương trong Ngược dòng, Ngọc Hiệp trong Cõi… Đặc biệt là Huỳnh Đông vai Huỳnh Văn Nghệ trong Vó ngựa trời Nam, từ một vai phụ, sau khi thử vai được "đôn lên" thành vai chính, được nhận giải thưởng Nam diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim Truyền hình toàn quốc 2010 và tại giải Cánh diều 2010…

Tưởng nhớ NSƯT Lê Cung Bắc: Nỗi niềm của cố đạo diễn tài hoa - Ảnh 5.

Chân dung Lê Cung Bắc do họa sĩ Trần Thế Vĩnh vẽ, được chọn làm bìa sách

Trong quá trình làm việc, có nhiều cảnh phải quay đi quay lại, dù chỉ vì sơ suất một chi tiết nhỏ. Lê Cung Bắc tự cho mình là người khó tính, nguyên tắc, thẳng thắn, nghiêm túc, đôi lúc quyết đoán, bởi vì "tôi luôn là người hướng đến sự hoàn hảo", luôn làm việc bằng tinh thần trách nhiệm, vì trách nhiệm là thứ "được giáo dục từ nhỏ" nên không thể làm phim một cách cẩu thả.

Có lần, một địa phương mời về làm đạo diễn phim, đọc kịch bản thấy nội dung thiếu chân thực, anh đã từ chối, dù trước đó đã mất công nghiên cứu thực địa. Một đạo diễn cần phải biết dũng cảm từ chối, thay vì cố chấp làm, dù biết trước phim sẽ dở.

Anh làm phim với khuynh hướng luôn thể hiện tính nhân văn. Một đạo diễn phải có lòng nhân ái, sự bao dung đối với con người, hướng đến cái đẹp, cái thiện.

Làm nghệ thuật, làm phim, theo tác giả là một bước đường lập ngôn chứ không phải làm chơi. Anh thích làm những phim nói về khát vọng của những phụ nữ gặp nhiều tai ương nghịch cảnh, gợi niềm thương cảm sâu xa…

Từng là một đạo diễn của nhiều phim lịch sử hoành tráng, Lê Cung Bắc nói rằng so với các thể loại khác, làm phim lịch sử rất mất thời gian, kinh phí lại eo hẹp, nên đoàn làm phim phải tiết kiệm bằng cách tiết giảm mọi thứ. Thu nhập của ê-kíp làm phim thấp, từ trang phục, kiểu tóc cho đến hình ảnh, việc phục dựng bối cảnh lại muôn vàn khó khăn.

Dù vậy với một trái tim luôn nặng lòng với lịch sử, với văn hóa dân tộc, anh lại rất thích làm phim lịch sử, vì "tôi quan niệm phim lịch sử thể hiện lịch sử, văn hóa của dân tộc, điều đó rất quan trọng" và "làm phim lịch sử là để hướng tới tương lai, chứ không phải kể chuyện quá khứ, nên nhìn lịch sử qua lăng kính nghệ thuật chứ không phải minh họa lịch sử". Chưa kể, nếu làm phim lịch sử khéo léo, chỉn chu, sẽ trở thành một bài học bổ ích, nhắc nhở thế hệ trẻ về những anh hùng, những hi sinh xương máu của những người đã ngã xuống vì đất nước.

Bằng một ngôn ngữ tự sự, trữ tình, chân thực, Bụi cát chân mây đã thể hiện những nỗi niềm của một đạo diễn phim tài hoa, đã sống trọn đời cho nghệ thuật, đã cống hiến cho đất nước những bộ phim giá trị. Nói như đạo diễn - NSND Đào Bá Sơn: "Sự đóng góp của anh là rất đáng trân trọng trong sự nghiệp điện ảnh và truyền hình Việt Nam".

Chưa biết khi nào phim cuối cùng phát hành

Bộ phim cuối cùng là Giã từ cô đơn, đã dựng thô và bước vào giai đoạn hậu kỳ thì Lê Cung Bắc qua đời do bạo bệnh. Phó đạo diễn Trọng Hải, gia đình và nhiều đồng nghiệp nói sẽ sớm hoàn chỉnh. Thế nhưng, khi nào sẽ ra rạp và công chiếu thì chưa biết, vì những phim nặng về tự sự và nghệ thuật thì thường khó kiếm nhà phát hành.

Hồ Sĩ Bình

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›