Kể từ khi Trung Quốc mở cửa trở lại, lượng rau quả Việt Nam xuất sang nước này đã tăng mạnh, đẩy giá thu mua nhiều loại nông sản tăng vọt. Điển hình, giá thanh long Việt Nam hiện tăng gấp 2-3 lần so với năm ngoái.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh - Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An - cho biết, từ đầu tháng 1 đến nay, giá thanh long đã tăng gấp ba lần so với trước đó. Có thời điểm giá thanh long ruột đỏ được thu mua ở mức 45.000 đồng/kg, loại 2 là 40.000 đồng/kg, loại 3 là 35.000 đồng/kg.
Theo ông Trịnh, 90% thanh long của Việt Nam xuất sang Trung Quốc. Sở dĩ giá thanh long tăng mạnh, bên cạnh yếu tố nhu cầu từ thị trường nhập khẩu còn do nguồn cung thanh long trên thị trường hiện khá khan hiếm.
"Mấy năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, xuất khẩu thanh long bế tắc dẫn tới giá rớt sâu, nhiều nhà vườn đã chặt bỏ khiến sản lượng thanh long có lúc tụt giảm khoảng 50%. Nay Trung Quốc mở cửa trở lại, giá bán tăng vọt giúp thu nhập người tăng nhiều lần so với trước", ông Trịnh nói.
Thanh long - trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam
Trang tin Baijiahao (Trung Quốc) nhận định, so với các loại trái cây nhiệt đới như nhãn, sầu riêng, chuối… đang được trồng tại Việt Nam, thanh long có ưu thế xuất khẩu lớn nhất. Mặc dù Nam Mỹ mới là quê hương của thanh long, và loại trái cây này mới chỉ du nhập vào Việt Nam khoảng 100 năm trước, nhưng Việt Nam hiện là nhà cung cấp thanh long số một thế giới, sản lượng gần 1,4 tấn/năm.
Thanh long được yêu thích đặc biệt tại thị trường tỷ dân Trung Quốc. Mỗi năm nước này nhập khẩu 88.000 tấn thanh long; trong đó, 90% lượng thanh long nhập khẩu của Trung Quốc có xuất xứ từ Việt Nam, chỉ một ít là nhập của Đài Loan (Trung Quốc) và một số nước khác. Ngược lại, 85% sản lượng thanh long của Việt Nam được xuất khẩu và Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất.
Vì sao Trung Quốc không trồng thanh long đại trà?
Thanh long là loại cây không cần nhiều nước, chịu hạn rất tốt; tuy nhiên lại có nhu cầu nhiệt độ cao. Nhiệt độ tối ưu cho sự phát triển của cây thanh long là 25-35 độ C. Nhiệt độ dưới 10 độ C sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây, để quả chín thuận lợi thì ít nhất phải đạt 25 độ C. Điều này cho thấy, cây thanh long chịu lạnh rất kém, không thích hợp để trồng ở những nơi có nhiệt độ quá thấp.
Bởi vậy, những địa phương ở Trung Quốc phù hợp để trồng thanh long không nhiều, có thể kể đến các tỉnh miền nam như Quảng Tây, Quảng Đông, Hải Nam, Vân Nam, Phúc Kiến và Quý Châu. Hơn thế nữa, diện tích trồng thanh long ở những tỉnh này cũng rất nhỏ. Diện tích trồng thanh long của Quảng Tây chiếm 40% diện tích trồng thanh long toàn Trung Quốc, nhưng sản lượng chỉ đạt 2,5 triệu tấn/năm. Còn ở Quý Châu, một số nơi cũng trồng được thanh long nhưng sản lượng chỉ đạt 700.000 tấn/năm.
Ở miền bắc Trung Quốc, thanh long cũng được trồng trong nhà kính, sản lượng không thấp, nhưng vấn đề lớn nhất là chi phí rất đắt. Vì thanh long là một loại cây rất ưa nắng, trong nhà kính ở phía bắc Trung Quốc phải thắp đèn chiếu sáng cho cây, nên rất tốn tiền điện. Trang tin Baijiahao nhận định, số thanh long này có thể trồng để ngắm và thu hoạch với số lượng ít, nhưng nếu trồng đại trà thì không thực tế.
Chi phí trồng thanh long ở Việt Nam tương đối thấp
Theo trang tin Baijiahao, sản lượng thanh long ở Việt Nam là gần 1,4 tấn/năm, và chi phí sản xuất cũng thấp hơn nhiều so với việc trồng thanh long ở Trung Quốc, đó là do diện tích trồng thanh long ở Trung Quốc ít hơn, thời tiết cũng không quá phù hợp, nên giá cả cũng cao hơn.
Ngoài ra, mặc dù trên thế giới có rất nhiều nơi thích hợp để trồng thanh long, nhưng Việt Nam là nơi gần Trung Quốc nhất; cũng như việc bảo quản và vận chuyển thanh long không quá phức tạp, chi phí vận chuyển cũng không cao, nên không có sự chênh lệch giá quá lớn giữa việc vận chuyển thanh long từ Việt Nam sang miền bắc Trung Quốc với việc vận chuyển thanh long từ Quảng Tây sang miền bắc Trung Quốc.
Bởi vậy, với môi trường trồng trọt tốt của Việt Nam và mức tiêu thụ trái cây khổng lồ của thị trường Trung Quốc, thanh long đã trở thành một loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.