Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee.
- MXH Trung Quốc bùng nổ vì một đại tiệc của Hàn Quốc có cái tên "huyền thoại"
- Tròn 9 năm sau thảm họa chìm phà Sewol tồi tệ nhất lịch sử Hàn Quốc, người ở lại vẫn đau đáu chưa thể chấp nhận sự thật đau lòng
- Người phụ nữ Việt bán xôi khúc ở Hàn Quốc: Có ngày kiếm hơn chục triệu, từ bán dạo đến mở được quán ăn đông khách
- Du khách Hàn Quốc bị hương thơm của đặc sản Việt Nam "dẫn dụ": Đi hết từ ngỡ ngàng này tới ngỡ ngàng khác
Đệ nhất phu nhân Hàn Quốc Kim Keon Hee phải đối mặt với sự chỉ trích từ một nhóm đại diện cho các chủ trang trại nuôi chó lấy thịt vì những phát biểu gần đây của bà kêu gọi chấm dứt văn hóa ăn thịt chó gây tranh cãi của Hàn.
Lý do phản ứng của những chủ nuôi chó lấy thịt
Nhóm này cho rằng, bà Kim nên duy trì sự trung lập vì vai trò của đệ nhất phu nhân là hỗ trợ tổng thống.
"Việc đứng về phía các nhóm bảo vệ động vật và kêu gọi cấm ăn thịt chó rõ ràng là hoạt động chính trị vượt quá thẩm quyền", nhóm này cho biết trong tuyên bố.
Trước đó, bà Kim Keon Hee tuyên bố sẽ làm việc để cấm việc ăn thịt chó trong nhiệm kỳ của chính phủ Tổng thống Yoon Suk Yeol.
"Tôi sẽ cố gắng chấm dứt việc ăn thịt chó trước khi nhiệm kỳ của chính phủ này kết thúc. Tôi nghĩ đó là nhiệm vụ của mình", bà nói trong bữa tiệc trưa với các quan chức từ các nhóm bảo vệ động vật hôm 12/4.
Cả đảng cầm quyền và đảng đối lập đều ủng hộ Đệ nhất phu nhân.
Hạ nghị sĩ Tae Yong-ho của Đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền đã đề xuất dự luật cấm giết mổ và bán thịt chó mèo vào ngày 14/4. Trước đó một ngày, Hạ nghị sĩ Kim Min-seok, nhà hoạch định chính sách chính của Đảng Dân chủ đối lập, cũng cho biết đảng của ông sẽ thúc đẩy ban hành luật đặc biệt cấm ăn thịt chó.
Trong khi đó, các chủ sở hữu trại nuôi chó lấy thịt cho biết các đảng đối thủ cũng như đệ nhất phu nhân đang bỏ qua những người làm việc trong ngành công nghiệp thịt chó, thường là người lớn tuổi.
Nhóm này cho rằng việc cấm ăn thịt chó chỉ vì ngày càng có nhiều người phản đối là phi logic.
Đệ nhất phu nhân đã công khai ủng hộ lệnh cấm tất cả các hình thức tiêu thụ thịt chó.
Trong cuộc phỏng vấn với một tờ báo bản ngữ vào tháng 6 năm ngoái, cô cho biết Hàn Quốc và Trung Quốc là những quốc gia duy nhất trong số các nền kinh tế lớn mà người dân ăn thịt chó.
Vào thời điểm đó, bà cho biết vấn đề có thể được giải quyết thông qua các chính sách, chẳng hạn như hỗ trợ những người làm việc trong ngành thịt chó chuyển việc.
Tranh cãi chưa có hồi kết
Theo truyền thống Hàn Quốc, mùa phổ biến nhất để ăn thịt chó là mùa hè, đặc biệt là vào ngày boknal, những ngày đánh dấu đầu, cao điểm và cuối mùa hè. Thịt chó được cho là có tác dụng tăng cường thể chất trong cái nóng của mùa hè Hàn Quốc. Nó cũng được đồn đại là tốt cho khả năng sinh lực của nam giới - mặc dù điều này chưa được chứng minh.
Trước đây, khi đất nước chủ yếu là nông nghiệp với nguồn thịt khan hiếm, thịt chó là nguồn protein rẻ hơn so với thịt lợn hoặc thịt bò (mặc dù ngày nay, thịt chó không còn rẻ nữa, và đôi khi đắt hơn thịt lợn và thịt bò).
Vào năm 2017, gần 1/5 người Hàn Quốc sở hữu một con mèo hoặc một con chó làm thú cưng. Cùng với sự gia tăng của việc sở hữu thú cưng, nhiều người Hàn Quốc ngày nay - đặc biệt nhưng không chỉ giới trẻ - nhận thấy văn hóa ăn thịt chó là đáng lên án.
Khoảng cách thế hệ thể hiện rõ ràng khi nói đến việc ăn thịt chó ở Hàn Quốc. Những người ở độ tuổi thiếu niên đến 30 tuổi hầu hết coi chó là bạn đồng hành, đương nhiên không tán thành việc ăn thịt chó. Thế hệ cũ, ở độ tuổi 50 trở lên, nhìn chung cảm thấy quen thuộc hơn với nền văn hóa đã tồn tại hàng thế kỷ trong khu vực.
Trước đây, các cuộc tranh luận về việc ăn thịt chó xoay quanh vấn đề vệ sinh kém của ngành và điều kiện vô nhân đạo tại các trang trại nuôi chó - mặc dù điều kiện chăn nuôi của các vật nuôi khác không nhất thiết tốt hơn.
Hầu hết các quán thịt chó hiện nay đều nằm khuất trong ngõ hẻm, không có biển hiệu rõ ràng. Trước đây, người ta thường thấy các quán ăn quảng cáo "bosintang", nghĩa đen là súp bổ dưỡng, nhưng được hiểu là súp thịt chó. Nhiều nhà hàng sử dụng những từ ngữ ít phổ biến hơn như yeongyangtang (súp bổ dưỡng) hoặc sacheoltang (súp bốn mùa), bao gồm súp làm từ các loại thịt khác như thịt gà.