(Thethaovanhoa.vn) - Kỳ tích mà thầy trò HLV Mai Đức Chung giành được ở Ấn Độ mới đây đem về niềm vui và tự hào cho người hâm mộ Việt Nam. Tuy nhiên, để hành trình đến ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh World Cup trở thành bền vững, đòi hỏi thêm nhiều đầu tư và chăm bẵm cho cầu thủ nữ.
1. Ngoài mức thưởng đáng kể hơn chục tỷ đồng sau thành tích lần đầu tiên đến World Cup, bóng đá nữ Việt Nam cần được hưởng những điều thực chất hơn để như HLV Mai Đức Chung đau đáu, giúp các cầu thủ sống tốt với đam mê của họ.
Có thể lấy minh hoạ là CLB TP.HCM 1 làm điển hình cho chế độ các cầu thủ nữ cần được hưởng tối thiểu. Huỳnh Như cùng các đồng đội từ vài năm qua chí ít cũng được hưởng 7 triệu đồng/tháng và con số này sẽ tăng thêm đáng kể nếu họ có thành tích ở giải quốc nội cũng như lên tuyển để thi đấu SEA Games, Asian Cup…
Huỳnh Như, Chương Thị Kiều, Bích Thuỳ… cũng thực sự đã đổi đời nhờ bóng đá. Nếu không dấn thân đeo đuổi môn thể thao vua, một cơ hội để thoát khỏi vùng quê nghèo khó, họ sẽ chẳng bao giờ trở thành thần tượng của không ít người hâm mộ. Họ ngoài giúp đỡ cho gia đình nhỏ ở quê nhà, còn có thể góp vốn tự kinh doanh riêng. Danh tiếng của họ vài năm qua đã được nhiều nhãn hàng tìm đến và khoản lợi tức đó đáng kể còn hơn mức lương tháng họ kiếm được nhờ bóng đá.
Nền bóng đá cần những ngôi sao để làm cú hích nhằm duy trì sự bền vững. Bóng đá Việt Nam có may mắn khi luôn sở hữu những tài năng, dù nguồn cung ai cũng thấy rất eo hẹp. Chỉ nhìn về giải VĐQG 2021 với 5 đội bóng đủ điều kiện tham dự so với 8 CLB ở mùa bóng 2020, càng thấy chiến công vừa qua của thầy trò ông Chung “xe ca” lớn đến mức nào.
Đa số cầu thủ nữ không có may mắn như các ngôi sao hạng A ở đội tuyển Việt Nam đã đề cập phía trên. Những CLB như Thái Nguyên T&T tưởng chừng đã bên bờ giải thể trước khi may mắn có được bản hợp đồng với T&T, hay như Sơn La đã chính thức giã từ giải đấu chỉ sau 5 mùa tham gia. Mức thu nhập ít ỏi của các cầu thủ nữ đa số không bằng một đôi giày thi đấu mới của các hãng thể thao danh tiếng Nike, Adidas và đa phần chỉ dám mua hàng đại hạ giá của các hãng này vốn đã tồn dư từ 3-4 thậm chí 5-6 năm trước. Việc các cầu thủ nữ phải làm thêm nhiều nghề phụ và chỉ xem bóng đá là thu nhập chính khi tập trung chuẩn bị cho giải VĐQG, Cúp quốc gia từ lâu cũng đã quá bình thường.
Cuộc sống vật chất dẫu vậy không thể đánh đổ đam mê của họ. Bằng chứng là giải đấu quốc nội vẫn được duy trì đều đặn hàng năm để làm tiền đề cho HLV Mai Đức Chung viết nên kỳ tích trên đất Ấn Độ tháng 2 này.
2. Đội tuyển nữ Việt Nam xứng đáng nhận những lời tung hô, bên cạnh cơn mưa tiền thưởng để tôn vinh họ. Và trong niềm vui đó, sẽ càng thiết thực hơn nếu người làm bóng đá nước nhà xem đây là cơ hội để chấn hưng nền bóng đá theo hướng chuyên nghiệp hơn.
Nền móng giải VĐQG với chỉ 5 CLB gồm TP.HCM, Hà Nội, Than khoáng sản Việt Nam, Phong Phú Hà Nam, Thái Nguyên T&T không phải là mô hình lý tưởng để duy trì một đội tuyển mạnh bền vững. Nếu nhìn sang sự trỗi dậy của bóng đá nữ Philippines nhờ một đội hình toàn cầu thủ nhập tịch mới mẻ, Myanmar đá rất bốc lửa và Thái Lan đã có 2 hạng đấu ở giải VĐQG (thi đấu lên xuống hạng), bóng đá nữ Việt Nam sẽ tụt hậu nếu chỉ thấy phần ngọn.
Tại Asian Cup 2022, nếu Đài Bắc Trung Hoa (sở hữu giải VĐQG mạnh với các CLB có ngoại binh) không bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khi nhiều cầu thủ bị nhiễm bệnh không thể thi đấu ngay trong giải, hoặc đội tuyển mạnh hàng đầu châu Á CHDCND Triều Tiên không tham gia, và FIFA trước đó không nâng số đội tuyển tham dự World Cup từ 24 lên 32, công bằng mà nói cơ hội để thầy trò HLV Mai Đức Chung đến ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh là không cao như đã thấy nhiều năm trước. Và ngoài nỗ lực, may mắn, Huỳnh Như cùng các đồng đội cho thấy sự quyết tâm của họ lớn đến mức nào để hoàn thành giấc mơ cho bản thân cũng như nền bóng đá nước nhà.
Cựu tiền đạo số 1 đội tuyển Việt Nam Minh Nguyệt từng cám cảnh về việc cô cùng đồng đội cũng từng được tung hô như hiện tại, nhưng rồi đâu lại vào đấy suốt hơn chục năm qua. Điều này cũng là một cơ sở để người làm bóng đá nước nhà tham khảo.
Bóng đá nữ như viện dẫn ít được quan tâm và tài trợ hơn bóng đá nam, đơn cử như tiền thưởng từ chức vô địch quốc gia và Cúp quốc gia của CLB TP.HCM 1 trong cả năm 2021 không bằng một trận thắng ở các CLB V-League, hay suốt 10 năm qua giải VĐQG nữ chỉ có một nhà tài trợ chính Thái Sơn Bắc và mức tiền thưởng cho nhà vô địch không quá 300 triệu đồng… thì vài năm qua, Tập đoàn Hưng Thịnh đã trao mức tài trợ 100 tỷ đồng giúp bóng đá nữ.
Thủ tướng Chính phủ vừa qua cũng đã kêu gọi tiền thưởng vận động xã hội hoá cho thầy trò HLV Mai Đức Chung. Bản thân đội tuyển nữ đến World Cup 2023 cũng được FIFA trao khoản tiền hỗ trợ 750 nghìn USD để tập huấn và sinh hoạt khi dự giải đấu lớn ở Australia và New Zealand sang năm. Tổ chức bóng đá lớn nhất thế giới hàng năm cũng có những khoản chi để giúp các Liên đoàn thành viên đầu tư cho bóng đá nữ.
Làm sao để thu hút các nguồn lực để khai thác tiềm năng vốn có thừa của bóng đá nữ Việt Nam không phải chỉ được đặt ra sau mỗi thành công.
Hy vọng bóng đá nữ được quan tâm đúng mực HLV Mai Đức Chung nói sau khi giành được tấm vé chính thức đến World Cup 2023: “Sau khi đội giành vé dự World Cup, tôi gần như thức trắng cả đêm, vừa vì vui mừng vừa để suy nghĩ kế hoạch tiếp theo. Trước mắt chúng ta có SEA Games 31, sau đó là AFF Cup nữ vào tháng 7 và tương lai xa hơn chính là sân chơi World Cup. Ngay lúc này, tôi đã nghĩ tới một số cầu thủ trẻ tiềm năng có thể bổ sung lực lượng cho đội tuyển. Chúng tôi cũng sớm đề xuất kế hoạch tập huấn nước ngoài để cọ xát. Vấn đề lực lượng kế cận cũng quan trọng. Đội nữ hiện tại chỉ tuyển chọn cầu thủ từ 6 đội bóng. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam có 2 lớp tại Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ Việt Nam, nhưng chỉ vậy là chưa đủ. Bóng đá nữ sẽ xã hội hóa mạnh mẽ hơn, từ đó tuyển chọn được nhiều lớp VĐV trẻ tài năng. Qua giải đấu lần này, tôi hy vọng sẽ có thêm người hâm mộ và cả nhà tài trợ mới. Tuy nhiên, chúng tôi không dám nghĩ nhiều tới chuyện đó”. |
Việt Hà
Tags