Năm 2023, bên cạnh việc sớm ban hành quy chế tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu, hoàn thiện quy trình kỹ thuật theo hướng đơn giản hóa, gọn nhẹ hơn.
Tỷ lệ “ảo” giảm nhưng vẫn cao
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng chỉ tiêu các trường Đại học, Cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non là hơn 585.000 thí sinh. Trong đợt 1 xét tuyển, có hơn 567.000 thí sinh trúng tuyển; số thí sinh xác nhận nhập học trên hệ thống là gần 464.000 (gần 82% số thí sinh trúng tuyển). Như vậy, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển “ảo” đã giảm nhiều so với những năm trước. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng mà quy chế tuyển sinh năm nay hướng tới.
Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, ở góc độ kỹ thuật và triển khai thực tế, Quy chế tuyển sinh năm nay vẫn còn rất nhiều điều cần hoàn thiện nếu tiếp tục triển khai trong những năm tới. Một trong những mục tiêu chính của việc điều chỉnh quy trình kỹ thuật tuyển sinh năm nay là để lọc “ảo” cho tất cả các phương thức tuyển sinh. Thực tế cho thấy, vẫn có khoảng 100.000 thí sinh được xét trúng tuyển nhưng không làm thủ tục xác nhận nhập học trên hệ thống. Như vậy, tỷ lệ “ảo” vẫn còn khá cao. Chưa kể, số thí sinh nhập học thực tế tại trường có thể còn thấp hơn số thí sinh xác nhận nhập học trên hệ thống. Hệ quả tất yếu là các trường Đại học vẫn phải xét bổ sung, thậm chí phải công bố xét tuyển bổ sung ngay sau khi kết thúc xét tuyển đợt 1. Cụ thể, sau đợt 1 xét tuyển, có đến gần 150 trường Đại học phải thông báo xét bổ sung hơn 100.000 chỉ tiêu.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng, về bản chất thì việc xét tuyển lọc “ảo” chung không liên quan nhiều đến việc các trường có tuyển đủ chỉ tiêu hay không. Bởi vì, thực tế vẫn còn hiện tượng thí sinh đổ dồn về xét tuyển ở một số trường, ngành hoặc dồn về một phương thức xét tuyển nào đó.
Cùng quan điểm, Tiến sỹ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: So với những năm trước, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển “ảo” có giảm đáng kể nhưng vẫn khá nhiều (khoảng 20%). Tuy nhiên, việc xử lý tình trạng này trong tuyển sinh Đại học là điều không thể vì đó là quyền lựa chọn của thí sinh. Các em có quyền đăng ký xét tuyển vào ngành, trường theo nguyện vọng bản thân.
Dù trúng tuyển, các em cũng có quyền lựa chọn không nhập học vì nhiều lý do khác nhau nên các trường cần dự đoán được tỷ lệ “ảo” ở từng ngành để gọi thí sinh trúng tuyển sát với chỉ tiêu. Những điều chỉnh trong quy định tuyển sinh năm nay khiến các trường khó dự đoán được tỷ lệ "ảo", vì thế nhiều trường phải xét tuyển bổ sung. Mặt khác, năm nay thời gian thực hiện quy trình lọc “ảo” kéo dài gần 2 tháng đã ảnh hưởng không ít tới tâm lý thí sinh cũng như kế hoạch đào tạo của nhà trường với khóa mới.
Đơn giản hóa quy trình kỹ thuật
Theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, dù có nhiều điểm thay đổi so với những năm trước nhưng Quy chế tuyển sinh và các hướng dẫn thực hiện năm nay được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khá muộn. Trong khi đó, các phương thức xét tuyển sớm đã được các trường Đại học triển khai từ rất sớm. Việc điều chỉnh quy trình xét tuyển khiến các trường Đại học và thí sinh không khỏi lúng túng. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã nhiều lần điều chỉnh thời gian thực hiện các khâu xét tuyển để thí sinh có thể thực hiện, điều chỉnh thông tin đúng yêu cầu.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng, các thao tác để đăng ký xét tuyển năm nay phức tạp. Thí sinh phải đăng ký xét tuyển Đại học đến 4 lần. Lần một là đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông để nhận mã đăng ký xét tuyển; lần hai là đăng ký xét tuyển tại trường Đại học với các phương thức xét tuyển sớm; sau đó thí sinh phải đăng ký nguyện vọng lại trên hệ thống chung của Bộ; cuối cùng là nộp lệ phí xét tuyển cũng là một lần gián tiếp thí sinh xác nhận đăng ký nguyện vọng.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa đề xuất: Theo quy định trong Quy chế tuyển sinh năm 2022, từ năm 2023, ngoài việc phải công bố đề án tuyển sinh như mọi năm, các trường Đại học còn phải ban hành Quy chế tuyển sinh riêng. Vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm công bố quy chế tuyển sinh năm 2023 để trên cơ sở đó, các trường xây dựng, điều chỉnh quy chế tuyển sinh phù hợp với quy định chung. Cùng với đó, quy trình tuyển sinh cần được đơn giản hóa hơn, không nên quá phức tạp, để tạo thuận lợi cho thí sinh.
Đánh giá về Kỳ tuyển sinh năm nay, Thạc sỹ Trịnh Hữu Chung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định cho rằng, việc ứng dụng công nghệ vào quy trình xét tuyển Đại học, Cao đẳng giúp thí sinh có thể thao tác trực tuyến thay vì phải trực tiếp đến trường.
Quy định cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển sau khi thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và không giới hạn nguyện vọng giúp các em có nhiều cơ hội vào ngành, trường học theo mong muốn. Song, việc ban hành Quy chế tuyển sinh quá chậm đã tác động lớn đến các chủ trương, chiến lược tuyển sinh của trường.
- Tuyển sinh đại học 2022: Nhiều trường thông báo xét tuyển bổ sung
- Tuyển sinh đại học 2022: Nhiều trường đã tuyển đủ chỉ tiêu
- Tuyển sinh đại học năm 2022: Điểm chuẩn tuyển sinh biến động tăng giảm tuỳ ngành
Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung đề xuất, Bộ Giáo dục Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh năm 2003 sớm hơn để các trường Đại học, Trung học Phổ thông chủ động trong việc tư vấn, định hướng nghề nghiệp sớm cho học sinh. Mặt khác, để thuận lợi hơn cho cả thí sinh và nhà trường, Bộ cũng nên xem xét chỉ áp dụng quy trình lọc “ảo” cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông như mọi năm. Còn các phương thức xét tuyển khác thì để các trường Đại học chủ động thực hiện. Điều này tránh kéo dài thời gian thực hiện lọc "ảo" như năm nay.
Các chuyên gia cho rằng, việc các trường áp dụng nhiều phương thức xét tuyển được thực hiện theo tinh thần tự chủ tuyển sinh. Dù vậy, việc có quá nhiều phương thức xét tuyển với nhiều thông tin, dữ liệu đã tác động không nhỏ đến việc vận hành phần mềm tuyển sinh chung của Bộ.
Vì thế, để vừa đảm bảo quyền tự chủ tuyển sinh của các trường, vừa đảm bảo hệ thống chung được vận hành tốt, các trường nên lựa chọn phương thức xét tuyển đơn giản hơn. Đồng thời, Bộ cần tiếp tục hoàn thiện phần mềm xét tuyển chung để có thể vận hành được hệ thống thuận lợi, an toàn.
Thu Hoài/TTXVN
Tags