Ngoại trừ các trường Trung học Phổ thông chuyên biệt, những trường Trung học Phổ thông khác tại tỉnh Đắk Lắk đều tổ chức tuyển sinh lớp 10 theo hình thức xét tuyển, phân tuyến. Điều này khiến không ít phụ huynh lo lắng, bởi hình thức tổ chức tuyển sinh này đang bộc lộ những bất cập. Việc lựa chọn hướng đi phù hợp đang là nỗi băn khoăn lớn của nhiều phụ huynh, học sinh.
Bất cập trong tuyển sinh
Ngay khi nhận được kết quả con trai không trúng tuyển lớp 10 vào Trường Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn (thành phố Buôn Ma Thuột), bà Lê Thị Hơn, phường Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) thấy lo lắng khi gánh nặng “cơm áo gạo tiền” thêm đè nặng bởi phải lo hai người con ăn học. Dự tuyển đúng tuyến theo quy định, bà cứ ngỡ dựa trên kết quả học tập, con có thể đỗ vào trường công lập như mong muốn. Tuy nhiên năm nay, trường lấy điểm đầu vào cao hơn các năm trước. Khi biết điểm, bà Hơn đã rút hồ sơ để nộp sang trường công lập khác nhưng không được, nên đành phải xin học trường tư. Bà tâm sự: “Học phí trường tư 1,5 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản chi phí khác là quá khả năng của tôi. Mỗi tháng, công việc thời vụ của tôi chỉ từ 3-4 triệu đồng, phải lo tiền trọ, nuôi hai con ăn học…".
Cũng có con gái tham gia tuyển sinh vào lớp 10, ông Phan Văn Cường tại phường Tân Hòa cho rằng, tuyển sinh theo hình thức xét tuyển, phân tuyến rất bất cập. Theo hình thức này, mỗi học sinh chỉ được dự tuyển một trường, đúng tuyến, nếu không trúng tuyển, thì việc tìm trường khác cho con cũng rất khó khăn. Con gái ông Cường có 4 năm đạt học sinh tiên tiến với tổng 36 điểm nhưng vẫn không đủ điểm vào lớp 10 theo trường đúng tuyến. Trong khi tại địa phương nhiều trường hợp khác thấp điểm hơn vẫn đỗ vào trường công lập. Ông Cường mong muốn, cần thay đổi cơ chế tuyển sinh để học sinh có nhiều lựa chọn phù hợp với từng năng lực, hoàn cảnh.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2023-2024, Đắk Lắk có 29.702 học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở. Số học sinh trúng tuyển vào lớp 10 Trung học Phổ thông (công lập và tư thục) là 23.087, đạt 75,7%. Ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết, công tác tuyển sinh lớp 10 Trung học Phổ thông được thực hiện theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025". Theo đó, 70% học sinh sau tốt nghiệp Trung học Cơ sở sẽ vào Trung học Phổ thông, còn lại học chương trình vừa học nghề, vừa học văn hóa.
Về việc tuyển sinh lớp 10 theo hình thức xét tuyển, phân tuyến theo địa bàn, khiến học sinh chỉ được lựa chọn một trường, ông Hiệp thừa nhận có bất cập. Khoảng 10 năm trở lại đây, tỉnh tổ chức thi tuyển cho những trường chuyên biệt; những trường khác xét tuyển theo địa bàn, phân tuyến tuyển sinh. Việc phân tuyến tuyển sinh trên là bài toán giải quyết nhiều vấn đề tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh lựa chọn học tập trên chính địa phương, khu vực gần. Tuy nhiên cũng bộc lộ nhiều hạn chế khi số lượng học sinh tăng lên so với những năm học trước. Học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở không được lựa chọn trường theo nguyện vọng vì đã được phân tuyến theo địa bàn; kết quả kiểm tra, đánh giá học lực, hạnh kiểm giữa các trường Trung học Cơ sở không đồng đều…
Sở Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần đề xuất UBND tỉnh cho tổ chức tuyển sinh bằng hình thức thi tuyển trên toàn tỉnh hoặc thí điểm thực hiện nhưng đến nay chưa được xem xét triển khai. Ngoài ra, Sở cũng kiến nghị củng cố, tăng cường mạng lưới trường, lớp, biên chế giáo viên; tăng cường xã hội hóa giáo dục để tăng cơ hội, tạo điều kiện cho học sinh vào học Trung học Phổ thông…
Lựa chọn hướng đi phù hợp
Theo khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện Đắk Lắk có 6.615 học sinh chưa trúng tuyển vào lớp 10 Trung học Phổ thông. Số chỉ tiêu và khả năng tuyển sinh vào lớp 10 hệ Giáo dục thường xuyên của các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên, trường Trung cấp, Cao đẳng nghề trên địa bàn khoảng hơn 4.045 học viên.
Theo ông Đỗ Tường Hiệp, tùy năng lực học sinh có thể học tập theo các hình thức khác nhau. Tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, trường nghề cũng có chương trình sau Trung học Cơ sở là vừa học nghề, vừa học văn hóa. Các em khi tốt nghiệp vừa có nghề và cũng tốt nghiệp Trung học Phổ thông.
Tiến sỹ Hoàng Minh Cương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đắk Lắk cho biết, đối với học sinh có bằng Trung học Cơ sở khi nhập học sẽ học chương trình trung cấp và 4 môn văn hóa phổ thông hoặc chương trình 9+ (trung cấp và 7 môn văn hóa giáo dục thường xuyên, sau này được dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông). Những em không đỗ tốt nghiệp Trung học Phổ thông hoặc học chương trình trung cấp và 4 môn văn hóa, đều được cấp giấy chứng nhận đã học xong chương trình văn hóa phổ thông và được học liên thông lên Cao đẳng.
Nhà trường đang đào tạo 18 ngành nghề trình độ cao đẳng, 20 trung cấp, 21 sơ cấp, với những nghề được giới trẻ lựa chọn như Công nghệ ô tô, Công nghệ kỹ thuật điện tử…Là trường công lập nên tất cả học viên đều được đảm bảo chế độ chính sách theo quy định (nội trú, miễn giảm học phí, chính sách học bổng…), nhất là đối tượng con em hộ nghèo, gia đình chính sách, người dân tộc thiểu số.
Hiện nay việc thu hút học sinh vào các trường nghề còn gặp nhiều khó khăn. Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Đỗ Tường Hiệp, nguyên nhân là do công tác đào tạo nghề chưa gắn với việc sử dụng nghề, tại địa phương không có nhiều khu công nghiệp lớn nên địa chỉ đầu ra sau học nghề còn hạn chế… Thời gian tới, tỉnh cần nâng cao năng lực các trường Trung cấp, Cao đẳng nghề trên địa bàn nhằm thu hút học sinh sau tốt nghiệp Trung học Cơ sở, tạo cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Nếu thực hiện tốt, hiệu quả công tác phân luồng sẽ cao hơn.
Tags