Tuyên truyền, lên tiếng mạnh mẽ trước những hành vi phản văn hóa
Thứ Năm, 07/03/2019 20:24 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 7/3, tại trụ sở Chính phủ đã diễn ra cuộc họp giao ban giữa Chính phủ với khối Văn hóa, Thể Thao và Du lịch do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì.
Sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành công văn đề nghị loại bỏ đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam, gần đây, Bộ VH,TT&DL cũng chính thức lên tiếng về vấn đề này.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, trong hai tháng đầu năm, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị triển khai công tác năm 2019, các nhiệm vụ đã được tích cực triển khai.
Cụ thể, Viện Văn hoá nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền nêu gương người tốt, việc tốt; lên tiếng về những vấn đề nổi cộm liên quan đến đạo đức xã hội như dâng sao giải hạn, đốt vàng mã, văn minh xếp hàng…
Bộ đã tiến hành tháo gỡ một số vướng mắc về cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu đặc thù trong đào tạo văn hoá nghệ thuật. Các đề án đặt hàng đào tạo cho các lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, sáng tác, giảng dạy, nghiên cứu, lý luận… được hoàn thành và đang triển khai. Đáng chú ý, Bộ đang hoàn thiện phương án đề xuất đặt hàng 300 chỉ tiêu cho 11 ngành văn hoá nghệ thuật hiếm, khó tuyển sinh, truyền thống và đặc thù.
Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục Thể thao tiếp tục chỉ đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tập trung xây dựng một nền bóng đá trong sạch, lành mạnh, trung thực, cùng hệ thống các sân vận động hiện đại để thu hút và tạo niềm tin cho công chúng, người hâm mộ. Vấn đề đào tạo nhân lực lĩnh vực văn học nghệ thuật và du lịch trên cơ sở huy động các doanh nghiệp du lịch lớn tham gia đặt hàng đào tạo đội ngũ nhân lực du lịch, nhân lực hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nhằm tạo sự phối kết hợp phát triển văn hóa và du lịch được đặc biệt quan tâm…
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết, hiện các trường khối du lịch đã tích cực đổi mới phương pháp, gắn kết đào tạo với thực tập, liên kết với các doanh nghiệp tạo cơ hội thực hành cho sinh viên. Sự thay đổi tích cực đó cùng với tình hình khan hiếm nhân lực ngành du lịch trong khối ASEAN và một số thị trường như New Zealand, Anh, Australia...; sự cạnh tranh từ các công ty xuất khẩu lao động… đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước cần chủ động tham gia quá trình tuyển dụng. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã hoàn thiện thông tư về vấn đề đào tạo online cho ngành du lịch và đang tiến tới chuẩn hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho những người lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, khách sạn có nhu cầu hoàn thiện chứng chỉ đào tạo còn thiếu.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, một nhiệm vụ quan trọng của ngành văn hóa, thể thao và du lịch trong năm 2019 là tuyên truyền, lên tiếng mạnh mẽ trước những hành vi thiếu văn hoá, phản văn hoá, từ đó thay đổi nhận thức của người dân, dần hình thành thói quen tốt. Các bộ cần cùng vào cuộc xây dựng văn hóa; hình thành những bộ tiêu chí về ứng xử văn hóa cụ thể, từ văn hóa tại các điểm du lịch, cơ sở tôn giáo đến ứng xử với người khuyết tật, người già, trong cơ quan, công sở đến nhà máy, công xưởng; đặc biệt là vấn đề văn hóa của người Việt Nam khi đi du lịch và lao động ở nước ngoài. Trong đó, Bộ Nội vụ cần tập trung xây dựng Đề án văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đối với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, Phó Thủ tướng đề nghị ngành tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách trong đào tạo; hoàn thiện mô hình đào tạo các cấp học. Bên cạnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; xây dựng, thẩm định và công bố bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia lĩnh vực du lịch…