Như vậy là dịp FIFA Days đầu tiên của năm 2023 đội tuyển Việt Nam sẽ không thi đấu, thay vào đó là đội U23, đội bóng đang được HLV Philippe Troussier vận hành hơn một tháng qua. Bóng đá Việt Nam đang tồn tại những nghịch lý mà người ta hi vọng, đây là lần cuối.
Ở đây, chúng ta không bàn thêm về việc V-League dừng để U23 tập trung, vì hi vọng là kể từ năm tới, sau khi V-League thi đấu theo hình thức vắt mùa giải sang 2 năm phù hợp lịch thi đấu tiêu chuẩn thế giới, thì sẽ không còn cảnh đá ít - nghỉ nhiều. Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao đến bây giờ, việc tập trung U23 vẫn tốn nhiều thời gian đến như vậy? Sau hơn 2 tháng đợt này, còn thêm đợt nữa phục vụ cho SEA Games, thậm chí sẽ còn đợt tương tự cho ASIAD vào tháng 10.
Với những đội U19, U17 thì có thể chấp nhận được. Hiện tại, hệ thống thi đấu tuổi U dù được cải thiện khá nhiều nhưng vẫn có quá ít trận đấu nên việc hình thành các đội tuyển quốc gia thời gian dài gần như là điều bắt buộc để giữ phong độ nếu muốn có thành tích quốc tế. Nhưng tầm U23 thì có khác gì đội tuyển, tại sao phải tập trung quá lâu? Điều này phải chăng đang phản ảnh sự thiếu chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam?
Cần lưu ý rằng ở cấp độ đội tuyển, HLV sẽ lựa chọn cầu thủ dựa trên phong độ thực tế ở V-League. Còn ở cấp độ U, họ sẽ phát triển theo kiểu tịnh tiến từ U19 đến U23. Ví dụ như đội U23 hiện tại trong tay ông Troussier có 85% quân số đã khoác áo U19 hay U23 trước đó. Các cầu thủ cũng đã quen với nhau, hiểu nhau còn hơn đá tại CLB, nên nếu có rèn giũa chiến thuật thì cũng cần một thời gian ngắn.
Vấn đề lớn nhất của họ là phong độ, là trải nghiệm thi đấu thực tế. Đó là việc cần tập trung giải quyết. Nếu có ngân sách, thì tổ chức giải đấu dành cho đội dự bị đá song song với giải vô địch, ít tiền hơn thì làm sao biến giải hạng Nhất đang thiếu chất lượng hiện nay thành nơi rèn luyện các cầu thủ trẻ bằng các qui định mang tính kỹ thuật kiểu như buộc các CLB không dùng ngoại binh (đã làm), tăng số cầu thủ trẻ đăng ký.
Còn nếu không có tiền, thì trước đây ở Singapore có thử nghiệm việc đưa đội "Sư tử trẻ" của họ thi đấu như một CLB tại giải vô địch quốc gia. Cách làm này không biết có tốt không, nhưng ít ra nó cũng có chủ đích rõ ràng, chứ không phải cả năm dồn đội U23 lên tập chung với nhau mấy tháng trời.
Có một câu hỏi: Tập trung đội U23 với thời gian lâu như vậy, ông Troussier sẽ làm gì? Lẽ dĩ nhiên là ông thầy người Pháp không có ngồi chơi để lĩnh lương. Nhưng nếu là tập chiến thuật thì thời gian như vậy là quá nhiều. Tầm là cầu thủ chuyên nghiệp, có trình độ và tư duy tốt, thì chỉ cần một thời gian ngắn cũng sẽ nắm bắt được ý đồ của HLV.
Hồi năm 2017, khi chuẩn bị để tạo kỳ tích ở U23 châu Á năm 2018, HLV Park Hang -Seo cũng chỉ mất đúng 1 tháng để ráp nối các cầu thủ trong đó bao gồm việc thi đấu ở giải M-150. Độ tuổi trưởng thành của cầu thủ Việt Nam hiện nay ngày càng trẻ, tầm 19-20 tuổi đã đủ sức đá V-League, việc tập trung quá lâu để "dạy lại từ đầu" dường như là đi ngược với qui luật. Thế nên, cho ông Troussier nhiều thời gian với đội U23 chưa chắc là điều tốt.
Tóm lại, vạn bất đắc dĩ thì mới phải tập trung dài hạn và điều này chỉ nên áp dụng cho các lứa U19 trở xuống. Nếu chất lượng cầu thủ trẻ của chúng ta kém, tập trung lâu cũng chẳng làm cho họ tốt hơn. Ngược lại, nếu tập trung ngắn theo thông lệ chung, thì khi đá quốc tế cũng sẽ nhận rõ sự mạnh yếu giữa ta và đối thủ. Mỗi năm, chỉ riêng các đợt tập trung FIFA Days với khoàng 2 tuần mỗi đợt thì cũng đã có tổng thời gian gần 3 tháng/năm để buộc các CLB phải "nhả quân". Nên nếu tận dụng tốt các đợt tập trung này cũng sẽ giải quyết các bài toán chuyên môn, không cứ phải đợi đến năm có SEA Games thì dồn lo cho U23, năm sau thì lại tập trung đội tuyển quốc gia.