Tỷ phú người Nhật luôn cởi mở với mọi chỉ trích vì “những lời chỉ trích cấp cao có thể cải thiện hiệu suất còn những lời chỉ trích cấp thấp có thể tăng cường sức chịu đựng”.
Masayoshi Son, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn SoftBank, được mệnh danh là “Bill Gates của Nhật Bản” từng là tỷ phú từng giàu nhất Nhật Bản năm 2021. Năm vừa qua là một năm đầy biến động với SoftBank và Son. Tỷ phú này đã tụt xuống vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng người giàu đất nước măt trời mọc của Forbes.
SoftBank tập trung vào quản lý đầu tư và là 1 trong những tập đoàn viễn thông lớn nhất Nhật Bản. Họ cũng đứng sau Vision Fund, quỹ có quy mô 100 tỷ USD từng đầu tư vào hơn 100 công ty, bao gồm cả các kỳ lân Grab, Coupang, Paytm… Masayoshi Son nổi tiếng với triết lý đầu tư táo bạo, ưa thích mạo hiểm trong kinh doanh, “liều ăn nhiều” với nhiều thương vụ đầu tư đình đám như mua lại 40% cổ phần Yahoo vào năm 1995 hay đầu tư 20 triệu USD cho Alibaba của Jack Ma.
Theo cuốn sách “Tâm trí của Masayoshi Son” của nhà văn Miki Yunobu, tỷ phú người Nhật từng mắc bệnh gan từ năm 23 tuổi và phải nằm viện suốt hai năm. Trong hai năm này, ông đã đọc 4.000 cuốn sách và viết kế hoạch phát triển cho 40 ngành công nghiệp dựa theo kinh nghiệm đọc của chính mình. Miki đã quan sát tóm tắt thành công của Son dựa vào những nguyên tắc sau:
1. Sử dụng phép trừ cùng tư duy ngược
Masayoshi Son luôn đặt mục tiêu cuối cùng trước tiên, sau đó xác định mục tiêu chuyển đổi thông qua phép trừ, rồi bắt đầu thực hiện các bước. Người bình thường thường lập kế hoạch dựa trên "làm gì trước, làm gì tiếp theo", nhưng cách suy nghĩ của Son lại khác thường: "Để đạt được một mục tiêu nhất định, nên làm gì trong giai đoạn trước của mục tiêu”.
Khi Son hy vọng tham gia vào lĩnh vực kinh doanh thông tin di động, trước tiên ông tung ra hoạt động kinh doanh băng thông rộng, sau đó mua lại một nhà khai thác đường dây cố định và cuối cùng là mua lại Vodafone Japan. Nếu không vạch ra trước kế hoạch rõ ràng như vậy, cho dù ngay từ đầu quyết tâm mua lại Vodafone Japan, ông cũng sẽ không huy động được số vốn khổng lồ và sau khi mua lại cũng sẽ thiếu những tài năng quản lý phù hợp.
2. Quy tắc 70%
Nếu bạn cảm thấy mình có 90% cơ hội thành công trong một lĩnh vực kinh doanh nào đó, thì có thể đã có những đối thủ cạnh tranh cũng chắc chắn như vậy và sẽ quá muộn để làm như vậy.
Nếu tỷ lệ thành công là 50% thì có thể còn quá sớm xét về vòng đời của thị trường, điều đó cũng có nghĩa là công ty của bạn không có lợi thế tuyệt đối so với đối thủ cạnh tranh và các bên thứ ba trong ngành sẽ không thể đánh giá theo bên nào.
Do đó, tỷ lệ thành công 70% là một chỉ số tham khảo quan trọng.
3. Luôn công khai mục tiêu
Masayoshi Son từng nói: "Công bố mục tiêu và làm việc chăm chỉ để đạt được nó, mặc dù rủi ro cao hơn nhưng đó là điều đáng làm". Ông tin rằng mục tiêu là động lực của sự nghiệp, vậy nên tỷ phú người Nhật thường đặt câu hỏi cho bản thân và cấp dưới của mình: "Mục tiêu của bạn có quá thấp không? Bạn có quá dễ dàng hài lòng với cuộc sống tầm thường của mình không?" Có hai lý do rõ ràng để “bố già công nghệ” công bố mục tiêu của mình: Một là thúc đẩy bản thân, hai là tạo niềm tin cho người khác.
4. Nếu bạn không thể suy nghĩ rõ ràng trong vòng 10 giây, đừng quyết định điều gì
Masayoshi Son thường đưa ra quyết định rất nhanh nhưng đôi khi nếu không thể đưa ra quyết định, ông sẽ tạm thời gác lại mọi việc. Tỷ phú 66 tuổi tin rằng lý do không thể đưa ra quyết định ngay lập tức là do không có thông tin chính cần thiết vậy nên ông sẽ yêu cầu cấp dưới chuẩn bị các tài liệu cần thiết để đưa ra quyết định chính xác.
5. Làm việc gì cũng dốc hết sức lực
Masayoshi Son cho biết: "Ý tưởng hạng ba cộng với cách thực hiện hạng nhất luôn tốt hơn ý tưởng hạng nhất cộng với cách thực hiện hạng ba". Ý tưởng dù hay đến đâu thì mãi chỉ là ý tưởng nếu không được thực hiện, và thực hiện thì phải dốc toàn lực.
Vào những năm 1980, Masayoshi Son đã thua lỗ nghiêm trọng khi thành lập tạp chí máy tính cá nhân, nhưng ông không cắt giảm chi tiêu của bộ phận tạp chí. Thay vào đó, ông đã chi 100 triệu yên cho quảng cáo trên TV và in một số lượng lớn tạp chí để cung cấp 100.000 đến các hiệu sách trên toàn quốc. Kết quả là 100.000 tạp chí đã được bán hết.
Trong giai đoạn mở rộng thị trường, dù lỗ cũng không cắt giảm chi phí mà phải tăng cường đầu tư để tăng doanh thu. Hãy làm theo kế hoạch đã định sẵn, cho dù bạn làm chưa tốt nhưng việc nào bạn làm rồi cũng sẽ tích lũy kinh nghiệm cho bản thân sau này.
6. Nắm vững kiến thức không thua gì chuyên gia
Tỷ phú Nhật thành thạo trong việc áp dụng kiến thức liên quan đến ngành vào thực tế và trình độ của ông không thấp hơn nhiều so với các chuyên gia. Vì vậy, Son rất ít khi đặt kỳ vọng vào người khác, mà luôn có chủ kiến rõ ràng của bản thân, từ đó dựa vào góp ý của người khác mà đưa ra những điều chỉnh phù hợp.
7. Bất kể những lời chỉ trích có đúng hay không, hãy đối mặt với nó với một tâm hồn cởi mở
Masayoshi Son từng nói: "Những lời chỉ trích cấp cao có thể cải thiện hiệu suất và những lời chỉ trích cấp thấp có thể tăng cường sức chịu đựng”. Cả bên trong lẫn bên ngoài, Son đều có thể lắng nghe những ý kiến khác nhau với thái độ khiêm tốn.
Một phụ tá của ông cho biết: “Sau 8 năm tiếp xúc gần với Chủ tịch, ông ấy luôn đối xử tôn trọng với tôi, rất nghiêm túc lắng nghe ý kiến của tôi và sẽ hỏi khi ông ấy không hiểu. Chủ tịch rất khiêm tốn và chưa bao giờ tỏ vẻ kiêu ngạo”.
Một thói quen được Gia Cát Lượng, Tào Tháo tôn thờ, ngày nay nhiều tỷ phú hàng đầu thế giới vẫn cần mẫn nuôi dưỡng: Học theo chắc chắn cả đời đắc lợiTags