Hôm nay (4/4), U17 Việt Nam sẽ ra quân ở trận đầu tiên tại VCK giải U17 châu Á năm 2025. Đây là đại diện duy nhất của bóng đá Việt Nam giành được quyền dự giải châu lục ít nhất là cho đến năm 2026, trước khi kỳ vọng đội tuyển quốc gia và U23 của HLV Kim Sang Sik sẽ vượt qua các vòng loại của Asian Cup năm 2027 và U23 châu Á năm 2026 trong năm nay.
1. Thành tích tốt nhất từ trước đến nay của bóng đá Việt Nam trong 8 lần góp mặt tại VCK U17 châu Á là hạng 4 năm 2000 với lứa cầu thủ Văn Quyến, Như Thuật… (Khi đó còn là giải U16, được tổ chức ở Đà Nẵng), trong đó có chiến thắng lịch sử 3-2 trước Trung Quốc để giành chiếc vé nhì bảng. Lứa cầu thủ khi đó, sau này cũng được gọi là "Thế hệ vàng 2.0" khi nhiều cầu thủ trở thành trụ cột của đội U23 và cả đội tuyển quốc gia.
Đến năm 2016, đội U16 Việt Nam có lần thứ 2 trong lịch sử vượt qua vòng bảng để vào tứ kết sau khi thắng Australia và Kyrgyzstan.
Thế nhưng, đội bóng do HLV Đinh Thế Nam dẫn dắt ngày đó lại gần như không có một nhân tố nào xuất sắc ngoài trường hợp của trung vệ Nguyễn Thanh Bình đã được lên đội tuyển quốc gia dưới thời HLV Park Hang Seo sau đó 5 năm.
Xét về tuổi tác, dàn cầu thủ ngày đó thời điểm này đã 24-25 tuổi. Sự "biến mất" của họ rõ ràng là một dấu hỏi cần được nghiêm túc xem xét nếu chúng ta vẫn tin rằng tương lai của nền bóng đá là ở bóng đá trẻ.
Bởi một lý do đơn giản: U17 được xem là lứa tuổi đầu tiên được ghi nhận của một cầu thủ chuyên nghiệp. Nghĩa là thời điểm bắt đầu đánh giá khả năng phát triển cũng như tương lai của sự nghiệp cầu thủ. Xu hướng trẻ hóa của bóng đá thế giới càng khiến cho các giải đấu U17 trở nên được quan tâm nhiều hơn khi ngày càng có nhiều CLB xem xét đưa các cầu thủ 16-17 tuổi lên đội 1 hoặc được ký hợp đồng chuyên nghiệp sớm như một khoản đầu tư tiềm năng. Nói cách khác, trong bóng đá hiện đại, U17 là thời điểm định hình gần như hoàn chỉnh một cầu thủ.
Thế nhưng, tại U17 Asian Cup lần này, U17 Việt Nam nằm trong nhóm thấp nhất về chiều cao (hạng 11/16 đội) và nhẹ nhất về cân nặng (13/16). Trong khu vực Đông Nam Á, chúng ta có chỉ số tốt hơn Indonesia nhưng kém xa so với Thái Lan (thứ 9 về chiều cao và thứ 8 về cân nặng).
Xét về các con số, thì những cầu thủ trẻ hiện nay của chúng ta không tệ so với các đàn anh của thế hệ 70-80, nhưng đặt trong bối cảnh hiện tại của bóng đá thế giới thì với trung bình chiều cao 1m7,48 và cân nặng 68,3kg, U17 Việt Nam nằm trong tình trạng "mỏng cơm", cho thấy điểm yếu về thể chất của bóng đá Việt Nam gần như không cải thiện nhiều so với trước, nhất là ở bóng đá trẻ.
Sự thua kém này không chỉ ảnh hưởng đến việc chơi bóng bổng hay tranh chấp 1vs1, mà còn ở tốc độ thi đấu cũng như thời lượng chơi bóng tần suất cao. Thua về chiều cao chưa phải là vấn đề, nhưng yếu về thể chất thì khó mà cạnh tranh trong bóng đá hiện đại. Mà ở tuổi U17, chúng ta đã thua kém khá nhiều thì rất khó có thể cải thiện ở các lứa tuổi tiếp theo.
Điều này đặt ra vấn đề mang tính cốt lõi trong chiến lược phát triển bóng đá trẻ, đó là chất lượng của khâu đầu vào. Từ trước đến nay, việc tuyển sinh đào tạo gần như chỉ chú trọng vào chuyên môn, kỹ năng, hầu như không xét đến các yếu tố về thể chất, dinh dưỡng.

Tại VCK U17 châu Á lần này, U17 Việt Nam (áo trắng) nằm trong nhóm thấp nhất về chiều cao (hạng 11/16 đội) và nhẹ nhất về cân nặng (13/16). Ảnh: Kim Như
Ngay cả trong quá trình đào tạo, các chỉ số phát triển cơ thể cầu thủ cũng không được quan tâm đúng mức mặc dù về lý thuyết là có thể can thiệp sớm bằng biện pháp khoa học để cải thiện cả chiều cao, cân nặng. Đầu vào không tốt, thì khi tuyển chọn VĐV cho các tuyển U, thì các HLV trên đội tuyển cũng đành phải bỏ qua các tiêu chí hình thể vì có muốn tốt hơn cũng không có nhiều lựa chọn. Đó là lý do mà trong đội U17 hiện tại, HLV Cristiano Roland vẫn phải điền tên 2 cầu thủ có chiều cao dưới 1m7.
2. Chúng ta cũng đã có một ví dụ điển hình, đó là lứa cầu thủ khóa đầu tiên của học viện HAGL. Họ có tài năng, được đầu tư mạnh về điều kiện khâu văn hóa để hi vọng có lứa cầu thủ "vừa hồng, vừa chuyên", nhưng lại không có sự khác biệt lớn về công tác dinh dưỡng, thể chất nên cho dù tỏa sáng từ sớm, thì sau một thời gian thăng hoa ngắn, đa số các cầu thủ của lứa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh … đều chựng lại về nghề nghiệp ở tuổi 28-29, nhiều người thậm chí chia tay bóng đá dù chưa đến tuổi 30.
Còn nhớ ngày nào, ở lứa tuổi U19, dàn cầu thủ đến từ HAGL chơi bóng thật ấn tượng khi đối đầu với các đối thủ cùng trang lứa. Họ nhanh, mạnh, khéo hơn các đồng nghiệp trẻ của mình. Thế nhưng lối chơi cũng như năng lực thi đấu thiên về kỹ thuật ấy đã thất bại trong môi trường chuyên nghiệp nhiều tính cạnh tranh và yêu cầu cao về tranh chấp.
Tình cảnh của CLB HAGL hiện nay, khi tương lai đang bất định, cũng bị xem là một cái kết buồn cho một quan điểm làm bóng đá "ít thực tế", cũng như khép lại một mô hình đào tạo đầy hứa hẹn nhưng lại không đi đến đâu.
3. Do đặc thù, bóng đá Việt Nam không có hệ thống thi đấu bóng đá trẻ phong phú, số lượng trận đấu quá ít nên các đội tuyển U của bóng đá Việt Nam thường không thay đổi theo lứa tuổi do có ít sự lựa chọn. Từ U17 đến U20 gần như sử dụng chung một lực lượng cầu thủ. Nghĩa là nếu U17 của chúng ta kém về tầm vóc lẫn chuyên môn thì U20 hay thậm chí là U22 cũng khó mà tốt hơn. Nói cách khác, sự thua kém về thể chất ngay từ trước khi bước ra sân thi đấu của U17 Việt Nam tại Asian Cup năm nay không để lại những tín hiệu lạc quan cho thế hệ kế cận của bóng đá Việt Nam nếu chúng ta không có những giải pháp khoa học về đào tạo cũng như thay đổi môi trường thi đấu ở bóng đá trẻ.
Khuất Văn Khang hay Nguyễn Văn Trường có lẽ là những trường hợp điển hình. Họ đã từng đá cho đội tuyển U20 khi chỉ mới 16 tuổi, lên đội tuyển U23 và đội tuyển quốc gia khi chỉ mới 19 tuổi. Riêng với Khuất Văn Khang, anh có đến 4 năm liền có tên trong các đề cử "cầu thủ trẻ xuất sắc" của giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam, nhưng anh thuộc trường hợp "mãi không lớn" chủ yếu cũng đến từ thể hình "mỏng cơm" của mình dù sở hữu chiếc chân trái khéo léo khiến người ta phải nhớ đến Thạch Bảo Khanh ngày nào.
Không phải tự nhiên mà HLV Kim Sang Sik phải ra tuyên bố sẽ tiếp tục tìm kiếm "nguồn lực ngoại" cho các nhiệm vụ phía trước ở nhiệm kỳ của mình. Xét về lý thuyết, ông Kim không liên quan đến tham vọng giành quyền dự World Cup của bóng đá Việt Nam do hợp đồng chỉ kéo dài đến 2027.
Giấc mơ lớn ấy của chúng ta có thể sẽ được đặt vào tay một người khác, nhưng nếu nhìn vào các lứa cầu thủ U17 hay U19 hiện nay, rõ ràng thách thức quá lớn cho bất kỳ HLV nào khi cá nhân cầu thủ của chúng ta vẫn đang thua kém về thể chất, trong khi quá trình tuyển chọn cầu thủ bây giờ thì vẫn chẳng khác những năm 2000 là bao nhiêu.
Tags