Chiến thắng 3-0 của đội tuyển U17 Việt Nam trước U17 Thái Lan tại sân Việt Trì vào ngày 9/10 vừa qua trong khuôn khổ lượt trận cuối cùng của vòng loại giải U17 châu Á năm 2023 đánh dấu một năm thành công nổi bật của bóng đá Việt Nam.
Đặc biệt, trước bóng đá Thái Lan ở khía cạnh đào tạo trẻ. Đây đã là chiến thắng thứ 6 của một đội trẻ Việt Nam trước đội trẻ Thái Lan ở giải khu vực hoặc châu lục.
Trước đó, tại giải U23 Đông Nam Á 2022, U22Việt Nam đã 2 lần đánh bại U22 Thái Lan ở vòng bảng và chung kết đều với tỷ số 1-0. Sau đó, trong trận chung kết SEA Games 31 trên sân Mỹ Đình, U23 Việt Nam cũng vượt qua U23 Thái Lan với cách biệt tỷ số tương tự.
Và ở giải U19 quốc tế mới diễn ra ở Bình Dương cách đây chưa lâu, U19 Việt Nam đã vượt qua U19Thái Lan với tỷ số 1-0 ở bán kết. Tại giải U16 Đông Nam Á, U16 Thái Lan cũng tiếp tục dừng bước ở bán kết trước U16 Việt Nam sau thất bại 0-2.
Chỉ có 3 lần các đội trẻ Thái Lan có được kết quả hòa với Việt Nam trong năm 2022 là trận hòa 2-2 “hút chết” của U23 Thái Lan trước U23 Việt Nam ở VCK U23 châu Á năm 2022, khi U23 Thái Lan bị dẫn trước 2 lần và chỉ gỡ hòa được ở những giây bù giờ cuối cùng.
Một trận hòa khác nữa là ở vòng bảng giải U19 Đông Nam Á, khi 2 đội bất phân thắng bại ở vòng bảng với tỷ số 1-1, và khi gặp lại nhau ở trận tranh HCĐ, 2 đội vẫn hòa nhau 1-1 song U19 Việt Nam đã giành chiến thắng 5-3 ở loạt sút luân lưu 11m.
Với chỉ 3 trận hòa và tới 6 trận thua trong các cuộc đối đầu với bóng đá Việt Nam trong năm 2022 như vậy, tờ Thairath của Thái Lan có lý do để dùng từ "xấu hổ" khi nói về kết quả thất vọng của các đội trẻ Thái Lan.
Nhìn nhận vấn đề từ góc độ chúng ta thì rõ ràng đây là một tín hiệu vô cùng tích cực, bởi thành tích ấn tượng của các đội trẻ Việt Nam trước Thái Lan ở giải khu vực và châu lục cho thấy công tác đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam thực sự rất có chất lượng, và nếu chăm chút tốt những tài năng này thì World Cup sẽ không phải là giấc mơ khó với của chúng ta trong tương lai không xa.
Trước đây, khi bóng đá Việt Nam giành được những thành công nổi bật ở châu Á và Đông Nam Á, đã có không ít lo ngại về việc chúng ta làm sao để xây dựng lực lượng kế thừa nếu một mai thế hệ cầu thủ sinh năm từ 1993 tới 1997 như Văn Lâm, Quế Ngọc Hải, Quang Hải… không còn ở đỉnh cao phong độ.
Thật may, sau một loạt kết quả tích cực của các đội trẻ như U17, U19 và U22, U23, có vẻ như chúng ta đã nhìn thấy phần nào lời giải cho bài toán lực lượng kế thừa ở ĐTQG.
Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là bóng đá Việt Nam có thể chủ quan, bởi tất cả chúng ta đều biết từ lứa tuổi U lên tới ĐTQG là một hành trình rất dài, rất gian khổ và không ít tài năng hứa hẹn từ khi còn rất trẻ đã không trụ lại được trong hành trình gian nan ấy.
Vì thế, vấn đề bây giờ là VFF cũng như các đội bóng hoặc Trung tâm chủ quản của các cầu thủ trẻ làm sao để họ phát triển đúng hướng, vươn mình trở thành những ngôi sao thực thụ của bóng đá Việt Nam, gánh vác trọng trách hiện thực hóa giấc mơ World Cup.
Huy Anh
Tags