(Thethaovanhoa.vn) - Trao đổi với Thể thao & Văn hóa Cuối tuần, cựu HLV CLB Thể Công Vương Tiến Dũng cho rằng, với thành tích ấn tượng của các lứa U16, U19 Việt Nam như một lời khẳng định, khoảng cách chênh lệch trình độ giữa bóng đá Việt và châu lục đã có sự xích lại gần nhau.
- U19 Việt Nam đi mãi cũng thành đường!
- CẬP NHẬT tin sáng 21/10: U19 Việt Nam đi vào lịch sử. Man United đại thắng. Suarez lập ‘cú đúp’ Chiếc giày vàng
- Vượt lứa Công Phượng, U19 Việt Nam xuất sắc nhất lịch sử
-HLV Vương Tiến Dũng: Thực sự, cá nhân tôi cảm thấy rất vui và có phần bất ngờ trước thành tích mà các em đã đạt được trong năm 2016. Dù lứa U16 Việt Nam phải dừng bước tại vòng tứ kết trước U16 Iran ở VCK U16 Châu Á 2016, thế nhưng không thể phủ nhận, các em đã có một giải đấu thành công. Tôi còn nhớ in 2 trận đấu rất hay của thầy trò HLV Đinh Thế Nam khi ngược dòng hạ U16 Australia với tỉ số 3-2 rồi tiếp tục “lật ngược thế cờ’ giành chiến thắng 3-1 trước U16 Kyrgyzstan dù bị đối phương dẫn bàn trước.
Tôi đánh giá U16 Việt Nam đang sở hữu lứa cầu thủ rất tài năng và nếu có những kế hoạch, chiến lược phát triển phù hợp thì em sẽ còn tiến xa.
Trong khi đó, U19 Việt Nam đã có sự khởi đầu như mơ tại VCK U19 châu Á 2016 khi thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn đã giành thắng lợi 2-1 trước đội bóng rất mạnh U19 CHDCND Triều Tiên. Tiếp đến, U19 Việt Nam buộc U19 UAE phải chia điểm với trận hòa 1-1. Phải nói rằng, những nền bóng đá như CHDCND Triều Tiên, UAE, Australia đều thuộc top hàng đầu châu lục và ngay cả việc đánh bại ở những cấp độ trẻ cũng không phải là điều đơn giản.
Thành tích lọt vào tứ kết giải vô địch châu Á là bước đột phá của U19 Việt Nam.Ảnh: AFC
Thưa ông, với thành tích ấn tượng của U16 và U19 Việt Nam thì có thể nhận định, khoảng cách chênh lệch đẳng cấp giữa bóng đá Việt Nam và bóng đá châu lục đang dần được thu hẹp?
-Tôi nghĩ là đúng là như vậy. Trong quá khứ, các lứa U16 hay U19 hay thậm chí là lứa U23 Việt Nam từng vài lần giành chiến thắng trước các đội bóng hàng đầu châu lục nhưng tôi đánh giá nó chỉ mang tính chất thời điểm bủng nổ, xuất thần chứ không cho thấy sự tiến bộ của một nền bóng đá.
Như các bạn đã thấy, trước đây, sau những chiến thắng vang dội ấy thì các đội bóng cứ dần thui chột và thậm chí thụt lùi dù chúng ta đã có những tài năng trẻ rất đáng chú ý như Văn Quyến, Như Thuật, Ánh Cường, Minh Đức...Điều này phản ánh một nền bóng đá ăn xổi ở thì, chạy theo thành tích nên không có đường hướng phát triển bền vững và ổn định, cho nên vinh quang chỉ le lói rồi vụt tắt.
Còn hiện tại, U19 Việt Nam đang thể hiện một lối chơi rất tốt trước tại giải đấu mang tầm châu lục. Nhìn các em chơi bóng tự tin, chủ động không cần lên gân lên cốt tinh thần trước mỗi trận đấu đã là một điều rất đáng khen ngợi. Đó là những điều mà phần lớn các lứa trẻ trước đây chưa làm được. U16 hay U19 Việt Nam đâu chỉ hay mỗi một trận mà họ cho thấy sự ổn định và thể hiện một lối chơi rõ ràng, hiệu quả.
Những yếu tố nào đã giúp bóng đá Việt Nam đang dần tiệm cận với trình độ châu lục, thưa ông?
Trong quá khứ, bóng đá Việt Nam có rất ít lò đào tạo chất lượng thì bây giờ trên khắp đất nước có rất nhiều trung tâm đào tạo bóng đá chuyên nghiệp, bài bản và đây được xem là cú hích cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam.
Làm bóng đá thì rất cần có sự căn cơ và từ lâu trên thế giới, họ đặc biệt chú trọng tới khâu đào tạo trẻ. Sở dĩ chúng ta phát triển chậm sao với mặt bằng bóng đá châu lục cũng là vì công tác làm bóng đá trẻ yếu kém.
Nhiều CLB trước đây bỏ ngỏ hệ thống đào tạo trẻ. Ông bầu có tí tiền là vung tay mua sắm cầu thủ tứ tung. Đá được vài giải thì hết tiền, giải tán. Hỏi như thế thì sao bóng đá phát triển được.
Tôi rất mừng là trong khoảng 6,7 năm trở lại đây. Nhiều địa phương, nhiều CLB họ có những hướng phát triển rất đúng đắn khi không còn chạy theo thành tích mà quan tâm tới việc chăm lo phát triển cho hệ thống đào tạo trẻ như PVF, Viettel, Hà Nội T&T…Chính vì vậy, nòng cốt đội hình của U16, U19 Việt Nam hiện tại là quân của những lò đào tạo kể trên.
Bên cạnh đó, các nhà có chuyên môn đã không còn bế quan tỏa cảng mà họ chủ động tìm tòi, có điều kiện du học tại các nền bóng đá phát triển trên thế giới. Vì thế, kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm làm nghề của họ rất hiện đại và giúp ích được nhiều trong quá trình đào tạo.Ngoài ra, hiện nay các em cầu thủ có nhiều cơ hội đi giao lưu, học hỏi, thi đấu cọ sát tại những môi trường bóng đá quốc tế nên đương nhiên sẽ thu lượm được nhiều kiến thức bổ ích. Trước kia, hầu như, các cầu thủ trẻ đi tập huấn và thi đấu quốc tế rất ít. Đá thắng vài trận thì họ tưởng là mình hay nên chẳng cần tu thân, cố gắng tập luyện làm gì. Vì thế tài năng cứ dần mai một. Còn bây giờ, các cầu thủ trẻ họ biết mình ở đâu so với bóng đá thế giới nên phải chuyên tâm tập luyện để nâng cao trình độ và không bị tụt hậu.
Ngoài hệ thống đào tạo trẻ chuyên nghiệp, bài bản thì bóng đá Việt Nam cần điều gì để lứa U16, U19 Việt Nam có thể phát triển và gặt hái thêm nhiều thành công trong tương lai, thưa ông?
Tôi nghĩ là bóng đá Việt cần thêm những giải đấu trẻ, có thể mời thêm những đội nước ngoài chất lượng để các em có thêm cơ hội được học hỏi. Kế tiếp là chúng ta cần có những giải đấu V-League hay hạng Nhất QG chuyên nghiệp hơn và có những luật lệ để các đội bóng quan tâm và tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ thể hiện tài năng.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Huy Hùng (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Tags