U20 Việt Nam về nước: Nhà vô địch ở quanh ta

Thứ Sáu, 10/03/2023 06:56 GMT+7

Google News

Năm 2014, không lâu sau khi ĐTQG Đức vô địch FIFA World Cup tại Brazil (chức vô địch thứ 4 trong lịch sử), LĐBĐ nước này (DFB) đã ngay lập tức vạch ra một chiến lược mới kéo dài 20 năm, với đích hướng tới là chức vô địch thế giới 2034, giải đấu dự kiến sẽ diễn ra trên sân nhà.

Matthias Sammer, cựu danh thủ và là cựu GĐKT của DFB giai đoạn 2006-2011, tiếp tục được tin tưởng làm cố vấn chương trình. Chương trình ấy mang tên: "Nhà vô địch ở quanh ta", với đối tượng cần được chăm sóc đặc biệt là các em nhỏ 6-8 tuổi.

Lại nhắc đến nhà vô địch Euro 96, đồng thời là chủ nhân danh hiệu QBV châu Âu năm ấy, Matthias Sammer, chính là người đã đứng sau những thành công của đội tuyển Đức, từ VCK FIFA World Cup 2006 cho đến 2014, dưới thời Juergen Klinsmann và Joachim Loew.

Một đội tuyển Đức già nua sau lần lượt các thất bại tại France 98, Euro 2000 và 2004, đặc biệt là trận chung kết World Cup 2002 thua Brazil..., đã quyết tâm làm một cuộc cách mạng về nhân sự và lối chơi.

Vào thời điểm đó, cựu GĐKT của VFF, ông Rainer Willfeld, một người Đức, đã chia sẻ với người viết rằng, cứ 50.000 đứa trẻ bước vào các Học viện hay Trung tâm bóng đá cộng đồng, sẽ hy vọng tìm ra được một tuyển thủ QG như Olivier Bierhoff. Tỷ lệ "chọi" như thế là cao hay thấp so với bóng đá Việt Nam?! Hỏi mà như đã trả lời.

Đức là một cường quốc bóng đá. Không phải bao giờ họ cũng ngự trị ở trên đỉnh, nhưng những tiêu chuẩn của họ về thể thao đỉnh cao, trong đó có dinh dưỡng và y học thể thao, đi cùng những chiến lược tầm vĩ mô, luôn được lấy để làm viện dẫn trong các giáo trình chuyên sâu. Thể thao Đức và bóng đá Đức không bao giờ biết dừng lại, không bao giờ bội thực thành tựu. Họ đặt ra những chỉ tiêu tiếp theo, ngay khi đang ở trên đỉnh, ví như mục tiêu World Cup 2034 khi vừa vô địch World Cup 2014 vậy.

Người quan sát: Nhà vô địch ở quanh ta - Ảnh 1.

Khuất Văn Khang và đồng đội dù đã thi đấu rất ấn tượng ở VCK U20 châu Á năm 2023 nhưng vẫn phải ra về sau vòng bảng. Ảnh: Minh Dân

Những câu chuyện ấy có liên quan gì đến thể thao Việt Nam, bóng đá Việt Nam không?! Nó là những tham khảo, những bài học giá trị, nếu chúng ta chịu khó nhìn vào và học. Bóng đá trẻ, với đào tạo trẻ và bóng đá học đường, vẫn cứ là nguồn cội mang tính quyết định.

Đội tuyển U20 Việt Nam vừa bị loại khỏi VCK U20 châu Á 2023, dù đã có những trận đấu ấn tượng. Sắp tới, U22 Việt Nam cũng có thể thua ở SEA Games 32 và chắc chắn, ĐTQG nữ Việt Nam cũng sẽ bại ở FIFA World Cup bóng đá nữ 2023 như một điều tất-lẽ-dĩ-ngẫu... Thắng/bại là lẽ bình thường trong bóng đá, chưa kể nền bóng đá Việt Nam vẫn bị đánh giá là còn khiêm tốn về tầm vóc ở Á châu. Nhưng, chúng ta sẽ không chùn bước, không được phép dừng lại. Những thất bại sẽ giúp nền bóng đá trưởng thành.

"Nhà vô địch ở chung quanh ta, đấy là tuyên ngôn nằm lòng của những người làm bóng đá trẻ, bóng đá cộng đồng như chúng tôi", chuyên gia Đoàn Minh Xương chia sẻ với Thể thao & Văn hoá, khi chúng tôi gặp nhau tại buổi họp báo - bốc thăm giải VCK giải bóng đá Thanh Niên Sinh viên Việt Nam 2023, sẽ khai mạc tại Đại học Tôn Đức Thắng vào chiều mai (11/3).

Giải đấu danh cho đối tượng Sinh viên có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, kỳ vọng sẽ tìm ra những viên ngọc thô, để có thể đào tạo - nâng cấp lên sân chơi chuyên nghiệp. Trong quá khứ, bóng đá học đường từng tiến cử không ít các cầu thủ cho hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, một vài trong số này còn khoác áo các ĐTQG. Bóng đá học đường vẫn là phân xưởng cỡ lớn chưa khai thác hết và nhà vô địch vẫn còn ở đâu đó quanh ta. 


CCKM

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›