(Thethaovanhoa.vn) - U21 Việt Nam tuyển chọn thắng ngọt Sinh viên Nhật Bản để giữ chiếc Cúp vô địch ở lại nước chủ nhà nhưng đó không phải là điều quá quan trọng. Hơn tất cả niềm vui đó, khi kinh qua những giải đấu như thế này, nhiều cầu thủ trẻ có thêm kinh nghiệm và biết mình đang ở đâu trên hành trình chơi bóng.
Nhà báo Nguyễn Công Khế, người “khai sinh” ra sân chơi U21 chia sẻ rằng đây như động lực đồng thời là cơ hội để bóng đá trẻ Việt Nam tiếp tục phát triển. Từ những tâm huyết của cả cộng đồng góp tay vào để các giải U21 trở thành nguồn lực cho bóng đá nước nhà.
Hết năm này qua năm khác, chúng ta luôn có được lực lượng cầu thủ trẻ ngày càng mạnh hơn. Đó là sản phẩm từ các trung tâm đào tạo trẻ như những người bạn đồng hành để kết nối và nâng tầm cho sự phát triển của bóng đá chúng ta.
Nhìn trên nhiều phương diện, thành công trong bóng đá là sự kết tinh của nhiều yếu tố. Đó không gì khác hơn từ phẩm chất cầu thủ, năng lực HLV cùng những thuận lợi ở từng thời điểm cụ thể. Vậy nên, muốn bóng đá trẻ và các ĐTQG luôn có được thành công bền lâu, mọi thứ phải được nhìn nhận, đánh giá, chung tay xây dựng trên lộ trình bài bản và nghiêm túc nhất.
Bóng đá trẻ không chỉ được coi trọng bởi thành tích nhất thời. Ở đó còn là nền móng vững chắc cho cả nền bóng đá. Khách quan mà nói, không phải cứ đào tạo là có chất lượng hay có thành tích, bởi đâu phải lúc nào cũng cho ra được sản phẩm ưng ý nhưng có làm mới có được kết quả.
Vài năm qua, chúng ta đã có được lứa cầu thủ “tròn trịa” như thế để bây giờ đang làm nòng cốt trong tay ông Park. Nguồn lực đó không phải tự nhiên mà có. Thành quả hôm nay được ra đời từ nhiều cái nôi đào tạo trẻ cả truyền thống và mới nổi gần đây. Nhưng như thế là chưa đủ và chưa phải là cái đích cuối cùng để chúng ta dừng lại hay xao nhãng.
Không nói đâu xa, hãy nhìn từ người Thái. Bóng đá Thái Lan sau thời gian khẳng định ngôi vị Đông Nam Á, đã dần đánh mất vị thế này trong vài năm trở lại đây, ở nhiều cấp độ khác nhau từ ĐTQG cho đến U23.
Đó là bài học để chúng ta thấm nhuần, là tấm gương phản chiếu để bóng đá Việt Nam soi vào. Chúng ta trong giai đoạn tươi nhuận này cần khắc cốt điều đó, để có sự chuẩn bị tốt nhất cho mục tiêu trước mặt như vòng loại World Cup 2022 cùng SEA Games 30. Xa hơn nữa là lộ trình đặt ra cho tương lai.
Từ những vấn đề đặt ra, chúng ta cần xác tín với nhau một điều rằng công tác đào tạo bóng đá trẻ ở không chỉ là chuyện riêng của mỗi một ai đang tham gia vào địa hạt này. Đó không chỉ là việc của những ông bầu đang đầu tư cho bóng đá, không hẳn là chuyện đơn phương của những CLB.
Càng không phải chỉ trông chờ vào các trung tâm đang được gây dựng. Tất cả phải xắn tay vào trong mối liên kết trên tất cả mọi khía cạnh. Có như thế mới tạo ra sự đồng bộ, quy cũ cùng định hướng rõ ràng.
Ðiều đó cũng đặt ra yêu cầu phải dựa vào nội lực, tạo ra niềm tin. Bên cạnh đó là những quyết sách, chính sách tập hợp được nguồn lực đầu tư vào câu chuyện này. Liên tục, đồng bộ và kết nối, không gì khác hơn là yêu cầu bắt buộc cho chúng ta trên lộ trình đào tạo và phát triển.
Nhìn lại sân chơi đã khẳng định thương hiệu như U21 hay những giải đấu trẻ liên tục gần đây mới thấy được kết quả mà chúng ta đã và đang có. Thành công của ĐTQG hay U23 trong 2 năm qua, không phải tự nhiên mà có, không phải “lúa trời’ để gặt.
Giải U21 quốc tế 2019 diễn ra ở Hòa Xuân luôn đi cùng những cơn mưa. Để bóng đá nước nhà luôn có được những “cơn mưa mát mặt” như thế, chúng ta còn nhiều việc phải làm cho hành trình phía trước.
Trần Tuấn
Tags