Ở khía cạnh cổ động, rõ ràng, màn thể hiện của đội tuyển U22 Việt Nam qua 2 trận đấu với Lào và Singapore là chưa sướng. Quá ít những tình huống gây tiếng ồ, những pha bóng hay, các bàn thắng đẹp cũng vắng nốt.
Với góc nhìn của những người làm chuyên môn thì bớt khắt khe hơn chút. Bởi người làm chuyên môn chỉ hướng đến điều họ cần: Chiến thắng và điểm số tuyệt đối. Thầy trò HLV Philippe Troussier đã có 6 điểm tuyệt đối sau 2 trận đầu tiên, điều đó mới quan trọng.
Một câu hỏi đặt ra là liệu HLV Troussier đã thực sự hài lòng với các tiêu chí mà ông hướng tới cho U22 Việt Nam, qua ít nhất 2 trận đấu với Lào và Singapore chưa?! Chúng tôi e là chưa. Thuyền trưởng người Pháp hướng đội bóng tới lối chơi kiểm soát ở giải năm nay. Kiểm soát bóng và kiểm soát thế trận, đương nhiên kiểm soát cả kết quả, cũng như những tai nạn.
Thực tế, chúng ta có trội hơn các đối thủ ở một vài thời điểm nhưng để nói thỏa mãn với các tiêu chí hướng tới thì không. Biểu hiện hơi rời rạc và thiếu sức sống trong lối chơi vẫn tồn tại. Có quá ít các điểm nhấn, từ vai trò cá nhân đến lối chơi tập thể và tổng thể, để kỳ vọng, có thể xoay chuyển thế cuộc, khi gặp đối thủ mạnh. Nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta vẫn đang giấu bài trước khi gặp các đối thủ thực sự như Malaysia và Thái Lan bởi nếu mở ngón nghề từ quá sớm, e là sẽ lộ, khi U22 Lào và U22 Singapore đều không phải là đối thủ xứng tầm. Nhận định này có lý.
HLV Philippe Troussier đã làm việc với lứa cầu thủ này trong nhiều năm trước, khi họ còn ở đội tuyển U19. Thêm sự thừa hưởng từ người tiền nhiệm Park Hang Seo, với ít nhất 7 cái tên còn lại từ SEA Games 31, ông Troussier có đầy đủ bột để gột nên hồ. Thế nên, bất kể thời gian tập trung trước giải không quá dài, thì đó vẫn không là vấn đề với HLV Philippe Troussier và cộng sự.
Trong nhiều giai đoạn khác nhau, tính bằng vài thập niên, chúng ta, những người làm bóng đá Việt Nam vẫn giữ một lối nghĩ cũ: Thành bại tại SEA Games (sau này thêm AFF Cup nữa). Không ít các vị tướng, cả nội lẫn ngoại, từ cố HLV Alfred Riedl, đến Falko Goetz, Hoàng Văn Phúc, Toshiya Miura, Nguyễn Hữu Thắng..., đều đã phải rời ghế, sau các thất bại tại Đông Nam Á.
Điều này sẽ không thay đổi, bất kể nền bóng đá đã khoác lên mình tấm áo mới dưới thời HLV Park Hang Seo. Áo lực thành tích với HLV Philippe Troussier là rất hiện hữu. Vì đã "ăn cơm" Việt Nam nhiều năm nay, cũng hiểu rõ thuộc tính của bóng đá Việt Nam nên HLV Philippe Troussier mới càng phải cẩn thận. Ông cẩn thận chọn từng con người, từ các trợ lý đến cầu thủ, chọn cách tiếp cận trận đấu và tiếp cận đối thủ, theo kiểu an toàn. Nó nằm ngoài trí tưởng tượng của một số người yêu đòi hỏi. Phải, chúng ta yêu bóng đá đẹp, nhưng vừa đẹp vừa chiến thắng thì yêu hơn. Còn bại, thì đẹp đến mấy cũng vứt.
Để bảo vệ thành công chiếc HCV SEA Games 32, qua đó đoạt hat-trick tại đấu trường này để không thua kém người Thái, đội tuyển U22 Việt Nam sẽ phải chơi ít nhất 6 trận đấu. Nếu 5 trận đầu toàn thắng, thắng đậm và thắng đẹp, để rồi trận cuối lại thua, thì khó nói là ngẩng cao đầu được nữa.
Ông Philippe Troussier đã và đang tính đến trận cuối cùng. Phải, đích hướng tới là hoàn tất một cuộc chiến trong vinh quang, chứ không phải cố ngẩng cao sau các trận gặp Lào hay Singapore cho sướng. Người trẻ vốn bốc, thắng to dễ sinh mầm kiêu binh, nên càng cần phải uốn nắn. Muốn nhanh thì phải từ từ, hãy sát cánh cùng thầy trò HLV Philippe Troussier, thay vì bàn ra. Hãy tôn trọng ông ấy và các cộng sự, cũng như cầu thủ.
Tiến lên nào các chàng trai, lịch sử vẫn đang ở trước!
Tags