(Thethaovanhoa.vn) - SVĐ Olympic, thủ đô Phnom Penh, Campuchia, ngày 23/7/2016, đội tuyển U16 Việt Nam đã dẫn trước U16 Australia 2 - 0, ở phút 57. Khi 90 phút thi đấu chính thức trôi qua, cách biệt chỉ còn 1 bàn: 3 - 2. Chính sự chểnh mảng ở những giây đấu bù cuối cùng của hiệp 2, chúng ta để Australia quân bình tỷ số 3 - 3.
Xem trực tiếp bóng đá U22 Đông Nam Á 2019: https://vtv.vn/vtv6/truyen-hinh-truc-tuyen.htm https://www.vtvgiaitri.vn/xem-tivi-truc-tuyen/vtv6 https://vtv.vn/truyen-hinh-truc-tuyen/vtv5.htm Xem chi tiết lịch thi đấu giải U22 Đông Nam Á TẠI ĐÂY |
Hai đội buộc phải bước vào loạt sút luân lưu định mệnh và chung cuộc, thầy trò HLV Đinh Thế Nam để thua 3 - 5, mất chức vô địch giải bóng đá U16 Đông Nam Á mở rộng năm ấy vào tay chính đội khách mời Australia. Trợ lý thủ môn Nguyễn Thế Anh, cùng một số các cái tên đang đứng trong hàng ngũ U22 quốc gia lúc này như Hữu Thắng, Thanh Hậu…, hẳn chưa quên ký ức buồn Olympic cách đây 3 năm. Và, cũng tại thảm cỏ nhân tạo đạt chuẩn FIFA này, một lần nữa bóng đá trẻ không thể giành chiến thắng cuối cùng tại giải U22 Đông Nam Á 2019, giải đấu được xem là bước đệm cho SEA Games 2019, môn bóng đá nam.
Chúng ta vừa để thua U22 Indonesia trong trận bán kết thứ nhất với tỷ số 0 - 1, cùng một số hình ảnh không thật đẹp mắt của thầy trò HLV Nguyễn Quốc Tuấn đã diễn ra trên đất bạn, được nhà đài truyền đi khắp thế giới.
3 năm trước, khi VCK U16 Đông Nam Á mở rộng quy tụ đến 11 đội bóng, với sự có sự góp mặt của Australia, nhưng Thái Lan và Myanmar mới là những hạt giống - ứng viên cho chức vô địch. Ở lượt trận thứ 2 vòng bảng, U16 Việt Nam bất ngờ giành chiến thắng 3 - 0 trước khách mời đến từ xứ sở chuột túi, hạ Malaysia và Singapore cùng với tỷ số này, thắng đậm Myanmar 5 - 1…
Cơn sốt bóng đá Việt Nam bắt đầu và kéo dài suốt 3 năm qua, chính là từ thảm đấu Olympic ở Phnom Penh 2016. Không lâu sau chuỗi trận đấu tuyệt vời của U16 Việt Nam ở giải khu vực, tháng 10/2016, đội tuyển U19 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Hoàng Anh Tuấn đã tạo nên cơn địa chấn ở Bahrain, khi đi một mạch đến bán kết giải U19 châu Á 2016, đồng nghĩa với suất chơi U20 FIFA World Cup 2017 lần đầu tiên trong lịch sử.
Năm 2018 và đầu 2019, dưới thời HLV Park Hang Seo, các đội tuyển U23 Việt Nam, Olympic Việt Nam và ĐTQG Việt Nam đã chơi tưng bừng như thế nào, tạo nên các cột mốc chói lọi như thế nào, chắc không cần nhắc tới nữa.
Bóng đá đôi khi được lứa và được mùa, được vận. Nhưng, có hay thì mới có may. Thẳng thắn mà nói, rất khó để tìm được một lứa vừa đa và vừa tinh như thế hệ cầu thủ đương thời. Tức là, dù thành công vang dội từ 3 năm qua, ở các cấp độ ĐTQG, nhưng cũng dường như ngay lập tức người ta nhìn thấy được lỗ hổng rất lớn phía sau.
HLV Nguyễn Quốc Tuấn, GĐKT Juergen Gede cùng các cộng sự và các cầu thủ đem quân đến Phnom Penh lần này, với sự kỳ vọng rất lớn và sức ép thành tích cũng rất lớn, sau tất cả những gì đã diễn ra. Tuy nhiên, như Thể thao & Văn hóa đã đề cập, không phải chúng ta đã vào đến chung kết U23 châu Á, bán kết ASIAD 18, vô địch AFF Suzuki Cup 2018 và tứ kết AFC Asian Cup 2019…, có nghĩa là sẽ chắc chắn bỏ túi chức vô địch U22 Đông Nam Á hay bỏ túi HCV SEA Games 2019 sau đó. Bóng đá không có sự chắc chắn nào cả, không có khái niệm bất chiến tự nhiên thành.
Đừng trách HLV Nguyễn Quốc Tuấn và cộng sự, cũng như các cầu thủ. Cả sự nghiệp thi đấu và huấn luyện, ông Tuấn "mát" chưa từng bước ra khỏi khu vực 16m50, trừ chiều nay, khi ông nhảy dựng lên nhao vào sân tranh cãi với trọng tài, khi tiếng còi mãn cuộc vang lên.
Sân Olympic ở Phnom Penh thực sự đã thức tỉnh u mê cho nền bóng đá, trước khi chúng ta bước vào một số hạng mục giải đấu - sân chơi quan trọng trong năm nay, như vòng loại U23 châu Á 2020, SEA Games 2019 và khởi tranh chiến dịch Vòng loại FIFA World Cup 2022, đồng thời là Vòng loại AFC Asian Cup 2023. Thành công (nếu có) ở giải U22 Đông Nam Á 2019 để làm gì, nếu chúng ta lại thất bại ở chiến dịch phía trước?!
VIDEO bàn thắng và highlights U22 Việt Nam 0-1 U22 Indonesia
TÙY PHONG
Tags