Không chỉ thay đổi nhiều vị trí trong đội hình xuất phát, tương tự như trận đấu với U22 Thái Lan ở vòng bảng, mà trong trận tranh hạng 3, HLV Troussier cũng có những thay đổi trong cách chỉ đạo trận đấu của mình. Ông thường xuyên thể hiện sự không hài lòng với các diễn biến trên sân, ngay cả khi đó là tình huống mà U22 Việt Nam ghi bàn.
Những áp lực kể từ sau thất bại khó nuốt trôi trước Indonesia tại trận bán kết dường như đã không làm U22 Việt Nam trở nên tiêu cực, thay vào đó, nó trở thành thứ xung lực đem đến vài nét tươi mới trong buổi chiều nắng nóng tại Campuchia. Khả năng cầm bóng của U22 Việt Nam được phát huy tối đa trước một Myanmar chỉ có điểm mạnh duy nhất là chơi thể lực, áp sát.
Việc phải đuổi theo bóng liên tục trong những phút đầu tiên khiến các cầu thủ Myanmar mất phương hướng khi triển khai lối chơi của mình và họ lập tức mắc sai lầm. Suýt nữa ở phút thứ 5, tiền vệ Nguyễn Văn Trường đã có bàn thắng sau khi bắt bài đường chuyền về của hậu vệ Myanmar. Nhưng chỉ 3 phút sau, trong tình huống tấn công 4 đánh 5, các cầu thủ U22 Việt Nam đã có pha phối hợp xuyên cánh khá mềm mại, trước khi hậu vệ Hồ Văn Cường băng từ dưới lên đón đường chuyền từ biên trái sút bóng cận thành mở tỷ số.
Ở pha bóng này, từ lúc khởi phát tấn công ở phần sân nhà cho đến lúc bóng đưa vào lưới, chỉ khoảng 15 giây với 2 đường chuyền. Một tốc độ tấn công có thể xem là khuôn mẫu mà HLV Troussier muốn nhắm đến.
Đây là trận đấu mà U22 Việt Nam không có một tiền đạo cắm thực thụ sau khi Văn Tùng chấn thương không thể ra sân. Điều này không làm ảnh hưởng nhiều đến thế trận hơn hẳn của chúng ta trong trận đấu mà HLV Troussier chỉ đạo học trò liên tục đưa bóng lên ở 2 hành lang với các đường chuyền tầm thấp xuyên tuyến có độ chính xác cao.
U22 Myanmar liên tục bị cuốn vào lối chơi nhanh này, bị kéo giãn đội hình, không thể tổ chức tấn công và suốt cả trận đấu, cũng chỉ có không quá 2 lần tiếp cận được với khung thành của thủ môn Huy Hoàng. Không bất ngờ khi đến phút 34, U22 Việt Nam có bàn hắng thứ 2, một lần nữa cũng là Hồ Văn Cường với cú sút không thể cản phá khi có bóng cách khung thành chỉ vài mét.
Trận đấu gần như khép lại ngay sau khi hiệp một kết thúc với tỷ số 2-0 nghiêng về U22 Việt Nam. Dù nỗ lực nhưng U22 Myanmar vẫn không phải là đối thủ ngang tầm. Sau khi Khuất Văn Khang nâng tỷ số lên 3-0 ở phút 56, U22 Việt Nam bắt đầu chơi chậm lại và cuối trận, đã để cho đối phương có bàn gỡ 1-3 trong tình huống đá phạt góc. Đó là bàn thua thứ 7 của thầy trò HLV Troussier trong giải đấu lần này, tức là chỉ duy nhất có 1 trận chúng ta giữ sạch mành lưới.
Giành HCĐ không phải là mục tiêu của U22 Việt Nam tại SEA Games lần này nhưng xét trong một hoàn cảnh cụ thể, việc đội bóng của ông Troussier vẫn giữ được thái độ chơi bóng tích cực, tuân thủ đúng ý đồ của HLV cũng như tạo ra được các pha bóng có sự ăn ý trong phối hợp có thể xem là làn gió mát thổi qua một kỳ SEA Games chưa thành công như ý.
Về mặt lối chơi, đây là một đội bóng đáng để chờ đợi khi những ý tưởng mà HLV Troussier muốn xây dựng vẫn đang được các cầu thủ thể hiện mỗi lúc một tốt hơn trên sân. Chúng ta nhìn thấy sự mềm mại trong phối hợp, sự quyết đoán trong cách xử lý bóng trước cầu môn. Chúng ta cũng thấy tư tưởng tấn công ở đội bóng do ông Troussier dẫn dắt có những nét khác biệt so với thời của HLV Park Hang Seo.
Nói cho cùng, thắng một đội bóng ở trình độ như U22 Myanmar khó mà khỏa lấp được thất bại ở trận bán kết trước đó. Nhưng ít ra, chúng ta vẫn đang giữ được vị thế của mình và biết cách đứng dậy rất nhanh ngay sau thất bại rất cay đắng. Bên cạnh một lối chơi đang dần hoàn thiện, thì bản lĩnh chơi bóng ấy là điều đáng khen ở U22 Việt Nam.
Dù chỉ giành huy chương đồng, VFF vẫn thưởng cho đội tuyển U22 Việt Nam 800 triệu đồng. Theo kế hoạch, hôm nay 17/5, thầy trò HLV Philippe Troussier sẽ lên đường về nước và các cầu thủ trở về CLB chuẩn bị dự V-League và giải hạng Nhất quốc gia khi hai giải đấu này thi đấu trở lại vào cuối tuần này.
Tags