U23 Việt Nam vừa phá dớp khi lần đầu thắng được trận ra quân ở VCK U23 châu Á. Nhưng có một cảm giác rất lạ: thắng ở sân chơi lớn nhưng sự phấn khởi không nhiều. Trong một trận đấu không quá khó khăn thế nhưng các cầu thủ trẻ của chúng ta lại luôn có thể tìm ra cách để… gây khó cho chính mình.
1. Sẽ quá dễ dàng để nói rằng những lỗi trong trận thắng U23 Kuwait là do cầu thủ của chúng ta còn trẻ. Thực tế thì các bàn thua của Kuwait cũng đến từ việc thiếu kinh nghiệm, trong đó có một sai lầm từ thủ môn. Nghĩa là về cơ bản, các trận đấu ở U23 Việt Nam mà không có sai sót thì không phải là U23 Việt Nam.
Nhưng nhiều tuyển thủ U23 Việt Nam thực ra đã lên đội tuyển quốc gia từ lâu rồi, đặc biệt là dưới thời của HLV Philippe Troussier. Số trận quốc tế của họ, nếu tính từ năm 2022 đến nay, bao gồm trong các màu áo U20, U22, U23 cũng phải hơn 30, chưa tính phần lớn trong số họ cũng đã chơi bóng tại V-League.
Nếu chúng ta xem việc thi đấu liên tục là cách để rèn luyện bản lĩnh và mài giũa tài năng thì có vẻ chúng ta đã thất bại trong việc tạo ra đội ngũ kế thừa có chất lượng.
Về cơ bản, trận đấu với U23 Kuwait là kiểu đội dở ít thắng đội dở nhiều. Không ai chờ đợi một cái gì đó mới mẻ, hay ho từ đội bóng của HLV Hoàng Anh Tuấn khi mà nhà cầm quân này có quỹ thời gian rèn chiến thuật quá ít. Nhưng cũng vì thế mới thấy là chất lượng của U23 Việt Nam đang quá thấp. Điều này phù hợp với việc không thể vào chung kết tại SEA Games 32, cũng như việc HLV Troussier đã thất bại khi quá tin dùng họ bất chấp sự thật buồn ấy.
VCK U23 châu Á lần này diễn ra ở Qatar, nơi mà HLV Troussier có giải đấu đầu tiên trên cương vị HLV trưởng tại Việt Nam. Thời điểm đó, U23 Việt Nam cũng đã có giải đấu thất bại toàn tập, không chiến thắng và không bàn thắng.
Hơn một năm trôi qua, vị trí HLV đã thay đổi nhưng chất lượng cầu thủ thì vẫn vậy. Một năm trước, chúng ta cho rằng cầu thủ chơi chưa tốt vì tiếp nhận ý tưởng chiến thuật mới. Một năm sau, họ cũng chẳng thể kịp tiếp nhận được cách chơi bóng mới. Cứ mạnh ai nấy đá.
Câu hỏi là: Liệu vấn đề nằm ở HLV hay là tư duy chơi bóng của cầu thủ? Tại sao hơn 20 năm làm bóng đá chuyên nghiệp rồi, nhưng tại sao ở tuổi 21-22 tuổi mà cầu thủ chúng ta vẫn non nớt và "chậm" như vậy?
2. Trên trang cá nhân của mình, "hot girl cầu lông" Nguyễn Thùy Linh thông báo cô đã đạt đủ điểm để giành vé dự Olympic Paris 2024. Đây sẽ là lần thứ 2 liên tiếp Thùy Linh dự Thế vận hội sau Tokyo 2020.
Mặc dù phải còn chờ xác nhận chính thức từ Liên đoàn cầu lông thế giới nhưng do cầu lông là một trong những môn thể thao của Olympic xác định các suất tham gia qua điểm số mà các CĐV tích lũy khi thi đấu các giải đấu nằm trong hệ thống nên việc VĐV biết mình có đoạt vé hay không cũng không khó.
Các VĐV cầu lông phải đi du đấu khắp nơi để tích điểm và duy trì thứ hạng của mình. Tham gia càng nhiều giải đấu thì cơ hội có thu nhập và điểm số càng tăng.
Cũng tương tự như môn quần vợt, chỉ có các các tay vợt hàng đầu, thi đấu có thành tích cao, thì mới có thu nhập khủng từ việc du đấu như thế này, còn đa phần VĐV đều phải xem việc dự giải như khoản đầu tư nhằm kiếm điểm, thăng hạng.
Vì vậy mà họ phải tính toán nên dự giải nào, bỏ giải nào. Tấm vé dự Olympic của Nguyễn Thùy Linh không đến từ may mắn, nó là kết quả của nỗ lực, sự hy sinh và tính toán suốt cả một năm qua của cá nhân cô với những chuyến đi nước ngoài mà không có ai bên cạnh.
Đó là một câu chuyện trải nghiệm đáng giá cho mọi VĐV tại Việt Nam. Hệ thống thi đấu của cầu lông hay đa số các môn thể thao khác ở Việt Nam vẫn còn theo kiểu cũ, chưa bắt kịp với cách tổ chức của thế giới dựa trên đặc thù của từng môn.
Cầu lông là môn thể thao có tính phổ biến ở Việt Nam và phù hợp với thể chất của VĐV chúng ta. Chúng ta cũng có giải Vietnam Open nằm trong hệ thống thi đấu tính điểm quốc tế nhưng lại không có mô hình này ở các giải đấu nội địa.
Điều này dẫn đến việc VĐV sẽ không quen với hoạt động thi đấu độc lập và tìm kiếm thu nhập thông qua thi đấu. Khi thói quen ấy không hình thành, thì chúng ta sẽ có rất ít những Nguyễn Tiến Minh hay Nguyễn Thùy Linh.
Nói cách khác, cách chúng ta biết về sự vận hành của thể thao chuyên nghiệp, đỉnh cao là một chuyện nhưng việc học như thế nào, tiếp thi đến mức nào, lại là vấn đề của con người và hệ thống hoạt động của nền thể thao.
Chúng ta muốn có những thành tích thế giới, muốn nhiều suất dự Olympic, muốn đi đến World Cup… trong khi ngay thành phần quan trọng nhất là các VĐV thì lại không có môi trường cũng như tư duy để tiếp xúc một cách đầy đủ với những thách thức ấy.
3. Trở lại với câu chuyện của U23 Việt Nam. Những sai sót của cầu thủ chúng ta trong trận đấu với Kuwait cũng không khác mấy so với những vấn đề đã từng tồn tại trong 3 trận đấu với Indonedia dưới quyền HLV Troussier ở cấp độ đội tuyển.
Bóng đá Việt Nam chuyên nghiệp cũng từ năm 2002 đến nay, thế mà khi bước ra sân chơi quốc tế vẫn cứ mắc các lỗi nghiệp dư, thậm chí "quên" đến việc có VAR nên cứ vô tư đá xấu, đá láo.
Có thể là vấn đề về trình độ của từng cầu thủ, nhưng cũng có thể nó là hệ quả của việc chúng ta đã "dung dưỡng" thái độ nghiệp dư ở cầu thủ quá lâu. Họ vẫn đang chơi bóng theo thói quen, cảm tính thay vì phải rèn luyện các kỹ năng "nhà nghề" thông qua các qui tắc được thiết lập một cách nghiêm túc của những nhà quản lý.
Điều này cho thấy việc chúng ta học hỏi, hòa nhập hay áp dụng các công nghệ, quy định của thế giới là một chuyện nhưng thích ứng với điều đó, làm quen với nó liên tục, lâu dài lại là chuyện khác.
Chúng ta may mắn có một lứa cầu thủ được đào tạo bài bản, tư duy cao bẩm sinh xuất hiện cùng một thời điểm nên dưới thời HLV Park Hang Seo thì chỉ vài tuần lễ đã tiếp nhận trọn vẹn được triết lý của HLV.
Vấn đề là một nhóm cầu thủ như vậy không phải lúc nào cũng có, đôi khi cần may mắn mới có, còn phần lớn thời gian của đời sống thể thao vẫn phải là rèn luyện, trải nghiệm và học hỏi.
Ở đó, trách nhiệm của những tổ chức quản lý thể thao là rất lớn. Họ không tạo ra sân chơi đủ tiêu chuẩn, đẳng cấp thì chẳng bao giờ có thể tạo ra các VĐV hay tập thể ở trình độ thế giới cho được.
Tags