Ngoài những đối thủ “bằng xương bằng thịt” đang khát danh hiệu như Thái Lan, Indonesia, ông Park cùng học trò còn đối mặt với đối thủ “vô hình” đó là vượt qua chính mình.
U23 Việt Nam đã biết được các đối thủ tại vòng bảng SEA Games 31. Bảng đấu này dễ thở như những nhìn nhận từ giới chuyên môn. Bởi ngoài U23 Indonesia ngồi “cùng mâm”, các đối thủ còn lại đều “dưới cơ”. Rất dễ nhận ra đa phần nhận định rằng ngôi đầu bảng sẽ về tay thầy trò ông Park. Thách thức lớn nhất cho chiến dịch bảo vệ tấm HCV SEA Games nằm ở những trận loại trực tiếp sau đó.
Nhìn nhận, đánh giá, phân tích về các bảng đấu ở SEA Games hết sức bình thường. Vấn đề ở đây, U23 Việt Nam sẽ đối mặt, giải quyết với các đối thủ thế nào mới đáng quan tâm. Bởi ngoài chuyên môn, rõ ràng tâm thế, thái độ, cách tiếp cận đối thủ thế nào sẽ quyết định chuyện thành bại của U23 Việt Nam. Đối thủ mạnh yếu thế nào cũng có thể nhận diện nhưng phải thắng chính bản thân không phải lúc nào cũng dễ dàng.
"Cái bóng" quá lớn của thế hệ đàn anh, áp lực từ sự kỳ vọng, một tập thể còn thiếu kinh nghiệm cùng quyết tâm soán ngôi từ các đối thủ nhiều “duyên nợ”. Tất thảy đều như những thách thức U23 Việt Nam phải đối mặt khi bảo vệ HCV SEA Games. Dứt khoát, ông Park, cộng sự cùng học trò phải vượt qua những rào cản như thế nếu muốn giành HCV.
“Cả làng” bóng đá khu vực đang nhìn thầy trò ông Park dưới kính hiển vi. Ra sân trong tâm thế của đội bóng đang giữ tấm HCV nếu không “nhẹ đầu” sẽ khó đá. Thái Lan hô quyết tâm giành HCV trong khi Indonesia lộ rõ tham vọng đổi màu huy chương. Trong bối cảnh các đội bóng sẽ “quây” cùng quyết tâm cao độ khi đối mặt với U23 Việt Nam, ông Park phải giúp học trò có được sự tự tin, thoải mái nhất. Đừng để những so sánh với thế hệ đàn anh trở thành “bóng đè” triệt tiêu đi năng lực, phẩm chất của lứa cầu thủ trẻ hôm nay.
Cùng lúc, mọi bài vở của ông Park cũng không còn quá “độc” để khiến đối thủ bất ngờ như thời gian trước. Đối thủ đều đã điều nghiên rất kỹ, tìm ra được “thuốc giải” khi đối mặt với những ngón đòn quen thuộc như thế. Nói đâu xa, bài học của ĐTQG tại AFF Cup năm rồi đã minh chứng. Trở về từ các trận đấu tại vòng loại thứ 3 World Cup, đội tuyển Việt Nam đã không kịp nhận diện những đổi thay của các đối thủ để rồi bất ngờ. Trong khi những Thái Lan, Indonesia quan sát bóng đá Việt Nam rất kỹ tại vòng loại World Cup để tung đòn ứng biến. Việc để Thái Lan bắt bài, Indonesia “phá” lối chơi tại AFF Cup 2021 chắc hẳn đã được ông Park nhìn ra để có những mảng miếng mới lạ hơn cho SEA Games 31.
Hơn thế, quá trình chuẩn bị cho SEA Games lần này của U23 Việt Nam cũng ít nhiều “đứt gãy”. Bóng đá trẻ cần được “thực chiến” càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, tiêu chí đó không được đáp ứng nhiều cho lứa U23 hiện nay. Ảnh hưởng của dịch dã, hệ thống thi đấu trong nước dừng lại, quá ít những trận đấu để cầu thủ cọ xát, rèn giũa, tích lũy. 2 trận giao hữu với U23 Kyrgyzstan và Tajikistan; 2 trận ở vòng loại U23 châu Á 2022; 3 trận ở Dubai Cup cùng 2 trận gần đây gặp U20 Hàn Quốc quả thật là quá ít. Ngôi vô địch giải U23 Đông Nam Á cũng dành cho lực lượng trẻ hơn ở tuổi U21. Quân số “đa” nhưng chưa “tinh” khiến ông Park phải loay hoay “xoay” khối Rubik trong tay nhằm tìm ra những mảnh ghép ưng ý.
Tất thảy những điều đó sẽ tạo thành một áp lực không nhỏ cho thầy trò ông Park cho SEA Games. Vậy nên, ngoài bài vở chuyên môn cần có những biện pháp thích ứng, kịp thời để giải tỏa, trút bỏ gánh nặng tâm lý cho cầu thủ. Nên nhớ, vượt qua chính mình luôn là điều khó nhất, cần kíp và quan trọng nhất trước mỗi trận đánh.
Hơn ai hết, chính bản thân HLV Park Hang Seo sẽ nhận ra, hiểu những vấn đề U23 Việt Nam đang đối mặt. Những ngày ít ỏi còn lại, hy vọng ngoài câu chuyện chuyên môn, liệu pháp tinh thần sẽ được truyền đạt đến đội U23 Việt Nam.
Cùng chờ một U23 Việt Nam ở trạng thái thông suốt nhất cho chiến dịch SEA Games 31.
Trần Tuấn
Tags