Cuộc thử nghiệm của HLV Phillippe Troussier vẫn đang đi đúng hướng, ít nhất là về mặt kết quả. Nhưng rõ ràng, cái cảm giác không như kỳ vọng vẫn còn đó.
Trong các đời HLV ngoại của Việt Nam,, hiếm có ai bận rộn như ông Troussier. Hơn chục trận quốc tế suốt từ tháng 3 đến nay là khá nhiều đối với một HLV trưởng ĐTQG. Nghĩa là về mặt thời gian (6 tháng) cũng như cơ hội để truyền đạt ý tưởng cho cầu thủ, là đủ để người ta hi vọng sẽ thấy được cấu trúc rõ ràng về mặt lối chơi ở các đội bóng do ông Troussier dẫn dắt. Sau trận thắng U23 Yemen, nhà cầm quân người Pháp khẳng định đội U23 đang chơi thứ bóng đá hiện đại, nghĩa là kiểm soát bóng tốt, chủ động được nhịp điệu thi đấu thay vì chỉ đơn thuần phòng ngự và chờ đợi sự sơ hở của đối phương.
Không có gì để phản bác điều đó. Vấn đề là chúng ta kiểm soát bóng nhiều để làm gì và phải mất bao lâu thì chuyển số tỷ lệ % thời gian kiểm soát ấy thành một bàn thắng? Quan trọng hơn, liệu rằng chúng ta có thể chơi như vậy trước các đối thủ mạnh hơn hay không, vì nói cho cùng, "kiểm soát bóng" là mong muốn của chúng ta nhưng liệu đối thủ có để cho chúng ta làm điều đó hay không?
Cứ lấy trận đấu với U23 Yemen làm ví dụ. Bàn thắng của chúng ta đến rất muộn và nó lại là kết quả của tình huống cố định, lại do 2 cầu thủ vào thay người kết nối với nhau, nghĩa là chẳng liên quan gì đến khả năng kiểm soát bóng cả. Hoặc nói một cách đơn giản hơn, giả sử như U23 Yemen có bàn thắng dẫn trước thì sao, vì thực tế là nếu thủ thành của chúng ta không xuất sắc thì đã thua ít nhất 1 bàn. Yemen không phải là nền bóng đá mạnh, trong khi chúng ta có lợi thế sân nhà, có ưu thế về hiệu số, kiểm soát bóng nhiều hơn đối phương, nhưng thắng như vậy thì cũng khó nói là hài lòng. Lối chơi hiện đại mà ông Troussier đang hướng đến tự nhiên sẽ lạc lõng nếu so với bối cảnh hiện tại, hoặc là nó chưa đáp ứng được những gì hiện tại đang cần.
Và đây không phải lần đầu mà U23 Việt Nam rơi vào thực tại ấy. Nghĩa là cách chúng ta tổ chức lối chơi về mặt ý tưởng thì tốt nhưng việc vận hành cứ như là đang giải bài tập ở nhà. Thời gian "chạy rốt-đa" trong mỗi trận đấu cụ thể, cũng như quá trình tạo dựng lối chơi, của ông Troussier quá lâu. Những kết quả tạm chấp nhận được thì chủ yếu diễn ra trước các đối thủ ở cùng trình độ, chưa có một trường hợp cụ thể nào để chứng minh lối chơi kiểm soát bóng này sẽ đem đến bước nhảy vọt về đẳng cấp cho các đội tuyển. Thế nên người ta vẫn cứ đưa các kết quả của thời HLV Park Hang Seo ra làm phép so sánh, vì điểm khởi đầu của thời ông Park toàn gặp những đối thủ lớn nhưng kết quả lại tốt hơn.
HLV Troussier vẫn đang còn thêm thời gian cho các trận đấu mà chúng ta cần nhất tài năng của ông ở góc độ một HLV trưởng. Chỉ có điều, không biết điều đó là sự thú vị hay là sự mệt mỏi trong kỳ vọng. Như đã nói, "kiểm soát bóng" chỉ là một khái niệm có tính tương đối vì nó còn tùy vào đối thủ mà chúng ta sẽ đối mặt. Từ chỗ chơi rình rập dưới triều đại Park Hang Seo, muốn có thể nâng tầm, thì các đội tuyển Việt Nam phải biết chủ động tấn công, giành lấy thế trận, nhưng rõ ràng là điều đó chẳng dễ chút nào. Một trong những tiêu chí quan trọng nhất là phải có con người đủ khả năng chơi thứ bóng đá kiểm soát bóng, có tư duy về chạy chỗ chiếm không gian và có những thói quen trong việc ghi bàn để tối ưu hóa tỷ lệ kiểm soát bóng mà chúng ta cố gắng chiếm hữu. Tất cả những yếu tố đó, nói thẳng ra, là hiện bóng đá Việt Nam không có nhiều. Đơn giản vì V-League không phải là môi trường "nuôi dưỡng" thứ bóng đá ấy.
Người Nhật vừa tạo ra cơn địa chấn khi thắng Đức 4-1 ở trận giao hữu. Không ai bất ngờ cả. Không phải vì cách đây không lâu họ cũng đã hạ gục cả Đức lẫn Tây Ban Nha ở vòng bảng World Cup 2022, mà vì cầu thủ Nhật Bản tràn ngập tại Đức và châu Âu, vì J-League là một trong những giải đấu có tỷ lệ bàn thắng cao với chất liệu bóng đá tấn công là hơi thở. Cái nền tảng ấy chính là thứ tạo ra các chiến thắng tầm cao tại ĐTQG, và nó được bồi đắp từ nhiều thập niên rồi…
Tags