Từ VCK U23 châu Á, bóng đá trẻ nước nhà đã trình làng những “viên ngọc”. Ngọc trongđá cần được mài giũa cũng như những viên ngọc đã phát lộ tài năng.
1. Nhìn lại sẽ thấy đội tuyển U23 Việt Nam (thành phần có nhiều cầu thủ U21, thậm chí tuổi 19 - 20) đã có một giải đấu quá đẹp, đầy ấn tượng trên đất Uzbekistan. Không thể tái lập kỳ tích Thường Châu năm nào nhưng đi đến trận tứ kết đã đủ “ghi điểm” mang đến nhiều xúc cảm cho người hâm mộ. Từ chỗ hoài nghi, âu lo về năng lực bởi đội hình lạ lẫm, U23 Việt Nam chứng minh được họ là một tập thể trẻ có lối đá nỗ lực, đầy tự tin.
Với những gì đã để lại qua 4 trận đấu ở Uzbekistan, thế hệ cầu thủ này đã tạo được cảm giác yên tâm. Sự tươi tắn được nhìn thấy trong từng trận đấu, từng pha bóng hay từng câu động viên, thúc giục đồng đội. Sự tươi tắn đó cũng cảm nhận rất rõ ở triết lý cùng phong thái cầm quân của HLV Gong Oh Kyun. Năng lực của người đàn ông luôn thường trực nụ cười đủ sức truyền một làn gió mới đầy tích cực vào lối chơi phóng khoáng của U23 Việt Nam.
Rõ ràng, nhìn U23 Việt Nam đá được như vậy đúng là hay quá. Một lối đá hiện đại, tinh tươm, đầy khoáng đạt. Chính điều đó đã được giới chuyên môn, người hâm mộ khen ngợi, tỏ ra thích thú ở đội bóng này, lứa tuổi này. Không nhiều thời gian ăn tập chung với nhau nhưng các cầu thủ trẻ đã tạo ra được tính gắn kết cao, căng tràn nhựa sống. Tư duy chơi bóng hiện đại khi sự chững chạc trước tuổi đã ít nhiều được nhìn thấy nơi họ.
Quan trọng nhất, thế hệ tươi tắn này không chỉ khu biệt ở những trung tâm đào tạo nhất định nào mà lan tỏa nhiều đội bóng, địa phương cả nước. Chính điều này cho thấy, công tác đào tạo trẻ đã ngày một được quan tâm, đầu tư ở nhiều vùng miền chứ không chỉ các “lò” nổi tiếng như lâu nay.
Từ đó, để thấy rằng xuất phát điểm của bóng đá Việt Nam không đến mức kém cạnh. Những cầu thủ tiềm năng, nhân tố trẻ luôn có ở khắp các vùng miền. Những viên ngọc trong đá đó không chỉ ở các lứa đầu vào của Hà Nội FC, SLNA, HAGL, Viettel. Hãy tìm về những vùng miền xa xôi, những sân bóng “chân trần đạp trên cuống rạ” sẽ không thiếu tài năng. Vấn đề ở chính những nhà làm bóng đá, những học viện, địa phương sẽ làm thế nào để khai quật tiềm năng, đánh thức cơ hội, sàng lọc cho ra được những “hạt gạo trên sàng”.
2. Thời gian qua, đã từng có những âu lo về bóng đá trẻ nước nhà khi nhìn vào thế hệ cầu thủ kế cận. Lo ngại bóng đá Việt Nam sẽ “đứt gãy” trong câu chuyện chuyển tiếp lứa cầu thủ này sang lứa cầu thủ khác. Những lo ngại như thế có cơ sở chứ không phải không. Bởi vì, đào tạo trẻ ở ta cho dù đã được chú trọng, lưu tâm nhưng chưa thật căn cơ, bài bản. Hơn thế, không phải lúc nào cứ đào tạo là cho ra được sản phẩm ưu việt. Chưa kể, tìm ra được những nhân tố xuất sắc như Hoàng Đức, Quang Hải càng khó hơn. Tuy nhiên, nhìn từ màn “chào sân” của đội U23 Việt Nam hôm nay sẽ rút ra được những đúc kết để tham khảo.
Ở đó, cầu thủ trẻ phải được ra sân và rèn giũa. Trước hết, các CLB phải tạo đà cho họ phát triển, bắt đầu từ việc sử dụng cầu thủ trẻ tại V-League hay giải hạng Nhất. Điều đó như những bước chuẩn bị dài hơi và căn cơ, để các cầu thủ cứng cáp hơn khi bước vào quá trình chinh phục những thành tích mới trong tương lai. Có như thế, cầu thủ trẻ mới có cơ hội để trui rèn, tích lũy và trưởng thành.
Sẽ thấy thời điểm này, bóng đá trẻ nước nhà đang bước vào một chu kỳ chuyển tiếp những thế hệ. Những HLV như ông Park, ông Gong luôn nhiệt huyết, tận tâm với cầu thủ, với mỗi đội tuyển ở từng giải đấu. Còn với cả nền bóng đá, dứt khoát phải có những chiến lược, chiến thuật để nhanh chóng khỏa lấp những lỗ hổng về lực lượng, tránh sự đứt gãy cho giai đoạn chuyển giao, kế cận.
Khi bóng đá trẻ cùng những người trẻ đã và đang tạo ra những tín hiệu mát lành như thế đã đủ để "đánh thức" bóng đá nước nhà chứ không thể xoa tay hài lòng với những gì đã có. Bóng đá nước nhà đang sở hữu được những lứa cầu thủ có năng lực, chơi bóng đĩnh đạc và tử tế. Rất nhiều hình ảnh đẹp cả trong và ngoài sân cỏ đã được nhìn thấy ở họ.
Vậy nên, từ màn “chào sân” ấn tượng của đội U23 Việt Nam, hy vọng sẽ gợi mở nhiều điều tươi mới cho bóng nước nhà thời gian đến.
Trần Tuấn
Tags