Trước thì là nỗi ám ảnh HCV SEA Games, sau lại đến "di sản" Thường Châu 2018, các lứa U23 Việt Nam luôn mang trên mình gánh nặng thành tích, cho dù đó không phải là mục tiêu quan trọng nhất của các giải đấu dành cho những đội tuyển kỳ vọng này. Việc VFF trao quyền dẫn dắt U23 Việt Nam tại giải Đông Nam Á cũng như ASIAD cho thấy đã xuất hiện góc nhìn mới về nhiệm vụ của đội trẻ.
Nhìn vào cuộc đua vô địch tại V-League chúng ta sẽ hiểu vì sao cầu thủ trẻ không thể có "đất" tại giải đấu số 1 quốc gia. Các trận đấu căng như dây đàn. Một hành động đỡ bóng vô cùng non nớt thôi cũng sẽ biến thành tội đồ, là tâm điểm của sự nghi ngờ. Cho dù chất lượng vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng nếu xét về mức độ khắc nghiệt thì V-League không kém bất kỳ giải đấu nào.
Chúng ta cứ hình dung Quang Hải chỉ 1 năm không thi đấu thường xuyên thì cũng đã bị "nhiệt" của V-League gây ra khó khăn trong việc phục hồi phong độ như thế nào. Đội bóng buộc phải trẻ hóa là SHB Đà Nẵng thì đang trên đường về hạng Nhất. Không có bất kỳ HLV nào đủ lòng tin để dùng cầu thủ trẻ tại V-League cả, trừ khi được các ông chủ "miễn trừ trách nhiệm" kiểu như bầu Đức với Kiatisuk.
Điều đó có nghĩa là chúng ta cần một cách tiếp cận khác khi bàn đến những mục tiêu cho các đội U23. Rất khó có một đội U23 mạnh nếu phần lớn các cầu thủ không được đá ở giải đấu cao nhất quốc gia. Cũng không thể hi vọng chỉ vài ba trận giao hữu thì sẽ bổ sung được kinh nghiệm thực chiến cho các cầu thủ trẻ, và càng không nên tập trung các cầu thủ dài hạn theo kiểu "nuôi gà chọi" bởi nói cho cùng, cầu thủ U23 cần dành thời gian tranh đấu tìm chỗ ra sân tại CLB. Đó là chưa nói đến việc các CLB có quyền từ chối "nhả" cầu thủ nếu không phải FIFA Days.
Thế nên, khi nói đến đội U23 thì cần phải hiểu rằng nòng cốt là những cầu thủ 19-20 tuổi và giảm bớt các áp lực thành tích cho họ. Tầm tuổi này thì chắc chắn là không thể đá ở V-League hay thậm chí là giải hạng Nhất nên nếu có tập trung dài hạn thì cũng không ảnh hưởng đến quyền lợi của CLB.
Đây có lẽ là cách tiếp cận mà VFF hướng đến sau khi trao quyền HLV đội U23 trong năm 2023 này cho ông Hoàng Anh Tuấn, người thường xuyên cầm quân tại các đội U19. Các đấu trường sắp đến như giải U23 Đông Nam Á và ASIAD cũng không phải là những chiến địa mà chúng ta cần đoạt vinh quang cao nhất. Thời HLV Park Hang Seo cũng đã từng có 2 đội U23 khác nhau và được vận hành khá ổn.
Cũng từ chuyện này, có thể hiểu là VFF đã cảm nhận được khoảng trống đáng kể ở bóng đá trẻ hiện nay. Từ sau thành tích ở U23 châu Á 2018, sự quan tâm cho đội tuyển trẻ này tăng quá nhanh, cộng hưởng với 2 chiếc HCV SEA Games liên tiếp, lại càng làm cho những nhìn nhận về U23 trở nên phi thực tế và đó chính là những gì mà HLV Phillippe Troussier phải gánh chịu khi đội U22 "trở lại mặt đất" ở SEA Games 32 vừa qua. Chẳng ai có lỗi trong chuyện này cả, vấn đề là không ai muốn đặt mọi thứ ở đúng vị trí của nó khi sự hưng phấn dưới thời HLV Park Hang Seo cứ đến một cách dồn dập.
Cho dù HLV Troussier gần như gào lên "tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ tại V-League" nhưng bản thân VFF cũng biết rằng họ không thể "ép" CLB trong trường hợp này. Bằng những quyền hạn của mình, VFF đưa đội U23 về với mức độ vừa phải về mặt kỳ vọng khi hạ độ tuổi thông qua đội U20 của HLV Hoàng Anh Tuấn.
Bằng cách này, các đợt tập trung của U23 sắp đến có thể sẽ chủ yếu tuyển chọn từ hệ thống giải U21, U19 chứ không phải đến từ V-League. Đây là cơ sở để thúc đẩy cho hệ thống thi đấu của những giải trẻ phong phú hơn, có nhiều CLB hơn. Nói cách khác, là sự phân tầng rõ nét hơn so với cấp độ chuyên nghiệp của V-League và đội tuyển quốc gia.
Bước đầu, cuộc chuyển giao lứa tuổi này có thể không đem đến thành tích, gây thất vọng, làm giảm mức độ quan tâm của giới hâm mộ. Nhưng về lâu dài nó sẽ giúp các HLV cũng như những người hoạch định chiến lược cho bóng đá Việt Nam bớt áp lực mà có cái nhìn chuẩn xác hơn về năng lực của các tuyến kế thừa.
Ví dụ như chúng ta cứ đặt ra mục tiêu dự World Cup 2026 hoặc 2030 mà quên nhìn đến chất lượng của cầu thủ U19, U17 hiện tại vốn sẽ là hạt nhân của tương lai, thì chẳng khác nào "người mù xem voi".
Tags