Với việc bảo vệ thành công ngôi vua tại SEA Games 31, cùng trận hòa U23 Hàn Quốc, xem ra chúng ta nợ U23 Việt Nam lời xin lỗi bởi có nhiều thời điểm thầy trò ông Gong bị hoài nghi về chất lượng toàn đội so với thế hệ trước.
1. Ông Gong đã tạo ra một phong cách riêng biệt cho bản thân, lịch lãm và khó lường. U23 Việt Nam chơi bóng pha trộn giữa sự lãng mạn trong tấn công, cẩn trọng lúc phòng ngự. Việc ông Gong cho rằng “không có kế hoạch hòa” mà phải “chiến đấu và chiến thắng” trước U23 Hàn Quốc cũng đã như một khác biệt trong cung cách cầm quân của vị HLV này.
Trước đây, ông Park bằng chiến thuật phòng ngự phản công đã đưa U23 Việt Nam trở thành Á quân VCK U23 châu Á 2018 để mở ra chu kỳ thành công vang dội. Với ông Gong, HLV này luôn muốn làm sao để nâng tầm U23 Việt Nam bằng lối đá tấn công dưới bàn tay cầm quân của mình. Bản thân ông Gong luôn thể hiện sự trân trọng, học hỏi, kế thừa “gia tài” của người tiền nhiệm Park Hang Seo. Dù muốn U23 Việt Nam chơi khác đi với triết lý tấn công khoáng đạt của mình thì trong cách dụng binh, vẫn phảng phất nền tảng phòng ngự của ông Park. Ở đó, hoàn toàn không phải tư tưởng “lấy công bù thủ” mà linh hoạt giữa quan điểm tấn công chính là một cách phòng thủ và phòng thủ chính là bệ phóng cho tấn công.
Cái khác của ông Gong nằm ở chỗ đã mở rộng những “giới hạn” tạo ra không gian chơi bóng cho học trò. Việc nắm bắt nhanh, hiểu được mạnh yếu của cầu thủ đã giúp ông Gong tự tin để chơi, dám chơi và chơi “xanh chín” trước U23 Hàn Quốc. Sự tự tin từ người thầy đã được học trò thấm nhuần để chơi bóng đỉnh đạc so với lứa tuổi. Nhìn cái cách thủ môn Quan Văn Chuẩn vào sân thay thế Nguyễn Văn Toản để chơi quá tốt sau 2 trận đủ thấy điều này. Văn Chuẩn không hề e dè, không gánh nặng tâm lý để có những pha cứu thua xuất thần. Đúng là “Quan Văn Chuẩn quá chuẩn” như tình cảm của người hâm mộ dành cho anh với câu nói này.
2. BLV Vũ Quang Huy đã có nhận định rằng: “HLV Gong Oh Kyun đã xây dựng lối đá rất phù hợp với lực lượng có trong tay nên U23 thi đấu thuận theo tự nhiên, xem rất sướng mắt. Chặng đường tiếp theo của ông Gong Oh Kyun rất đáng để chờ đợi!”. Điều “thuận theo tự nhiên” đó được nhìn thấy ở việc bố trí đội hình của ông Gong. Đúng như chia sẻ rằng mình sẽ cho U23 Việt Nam chơi phóng khoáng và cởi mở, ông Gong luôn bắt đầu trận đấu bằng đội hình 4-3-3. U23 Việt Nam chủ động tấn công, pressing tổng lực khắp mặt sân. 2 trận đấu vừa qua đã thấy rõ một U23 Việt Nam hoàn toàn mới mẻ, tràn đầy năng lượng; di chuyển, phối hợp linh hoạt, đặc biệt rất giàu sức tấn công.
Nhưng như đã nói, sự thức thời để ứng biến vẫn được ông Gong thể hiện rất rõ. Ông Gong không cứng nhắc mà đưa ra những tùy biến uyển chuyển theo thực tế. U23 Việt Nam đã liên tục thay đổi sơ đồ chiến thuật theo cục diện trận đấu cũng như con người trên sân. Sơ đồ 4-3-3 luôn được hoán chuyển thành 4-1-4-1, 4-4-1-1 hay cả 4-4-2. Về cơ bản các cầu thủ đều chuyển đổi, thích ứng rất nhanh. Từ đây sẽ thấy, sơ đồ với 4 hậu vệ của ông Gong thực ra không quá khác biệt so với ông Park. Điều này thể hiện rõ ở chỗ ông Gong “ướm” hẳn 1 trung vệ như Lương Duy Cương lên đá tiền vệ trụ. Thực tế, thử nghiệm này của ông Gong đã thành công khi Lương Duy Cương chơi rất tốt trong vai trò án ngữ và “dọn dẹp” phía trước hàng thủ 4 người. Ngược lại, khi 2 hậu vệ biên dâng cao tấn công, 2 trung vệ giãn ra cánh để bọc lót, Lương Duy Cương sẽ lùi về trở thành trung vệ thứ 3 trấn giữ hàng thủ. Nói ông Gong thừa hưởng những giá trị từ ông Park và “canh tân” theo triết lý của mình nằm ở chỗ đó.
Đường còn dài, VCK U23 châu Á chỉ là một điểm đến cho hành trình đó. Hơn nữa, cũng mới trải qua 2 trận toàn hòa, còn quá sớm để nhận định tương lai của ông Gong cũng như sự lột xác toàn diện của U23 Việt Nam ở một “chương” mới. Nhưng những gì đã có cho thấy nhiều gợi mở, đầy hứa hẹn với thế hệ cầu thủ trẻ hôm nay trong bàn tay cầm quân của HLV cá tính.
Trần Tuấn
Tags