Ngày 5/11, Cục Văn hóa thuộc Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản cho biết Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đang xem xét công nhận kỹ thuật nấu rượu sake của Nhật Bản là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới vào đầu tháng sau.
Nếu được đăng ký, rượu sake của Nhật Bản sẽ tiếp bước các đồ uống có cồn nổi tiếng thế giới khác như rượu vang Georgia, văn hóa bia Bỉ, rượu rum Cuba… được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, kỹ thuật nấu rượu sake của Nhật Bản được ghi nhận có từ rất lâu đời, sử dụng một loại nấm Koji để lên men các nguyên liệu thô như gạo hoặc lúa mì. Tại mỗi địa phương của Nhật Bản đều có những đặc sản rượu sake khác nhau tùy đặc điểm khí hậu, nguồn nước của từng vùng và kỹ thuật thủ công truyền thống của các nghệ nhân.
Kỹ thuật nuôi cấy nấm Koji được xem là chìa khóa để tạo nên sự khác biệt về hương vị rượu sake truyền thống của Nhật Bản. Quá trình hấp nguyên liệu thô như gạo và lúa mì được theo dõi nghiêm ngặt về thời gian và độ ẩm để phát triển nấm Koji đúng với ý định của người nấu rượu nhằm tạo ra các hương vị độc đáo của rượu sake. Ngoài ra, rượu sake cũng sử dụng phương pháp “lên men nhiều lần song song” hiếm có trên thế giới để nấm Koji có thể chuyển hóa tinh bột có trong nguyên liệu thành đường, sau đó lên men để chuyển thành hóa rượu.
Sake là một sản phẩm không thể thiếu trong các nghi lễ, lễ hội truyền thống của Nhật Bản cũng như trong đời sống ẩm thực hàng ngày tại đất nước Mặt trời mọc, và ngày càng phổ biến ra thế giới với việc đã được xuất khẩu đến 75 quốc gia/vùng lãnh thổ. Theo số liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản, kim ngạch xuất khẩu rượu sake của Nhật Bản trong năm 2023 đạt 41,1 tỷ yen (khoảng hơn 270 triệu USD), giảm một chút so với năm 2022 nhưng vẫn gấp 1,7 lần so với năm 2020. Mỹ là nước nhập khẩu rượu sake lớn nhất với khoảng 6.500 lít, tiếp theo là Trung Quốc và Hàn Quốc.
Theo ông Hitoshi Utsunomiya, Giám đốc Hiệp hội các nhà sản xuất rượu sake Nhật Bản, năm 2013, Washoku (món ăn truyền thống Nhật Bản) đã được đăng ký là di sản văn hóa phi vật thể thế giới và rượu sake cũng ngày càng trở nên phổ biến như một loại đồ uống có cồn phù hợp với ẩm thực Nhật Bản. Kênh bán hàng chính của mặt hàng đồ uống này là các nhà hàng Nhật Bản trong nước và trên thế giới.
Theo báo cáo của Cơ quan thuế quốc gia Nhật Bản, thị phần rượu sake tại Mỹ chỉ chiếm khoảng 0,2%, thấp hơn nhiều so với bia là 18% và rượu vang (14%) nhưng có xu hướng ngày càng nhiều người cao tuổi và người có thu nhập cao quan tâm đến sức khỏe ưa chuộng. Hiện công ty rượu sake Asahi (có trụ sở ở tỉnh Yamaguchi), chủ thương hiệu rượu Dassai nổi tiếng đã vận hành nhà máy sản xuất ở New York năm 2023 để mở rộng hơn nữa thị phần tại Mỹ.
Cùng với đó, nhiều địa phương của Nhật Bản cũng đang thúc đẩy các hoạt động quảng bá văn hóa rượu sake thông qua các tour “du lịch rượu sake” để du khách trong và ngoài nước có thể trải nghiệm thực tế.
Năm 2021, Chính phủ Nhật Bản đã công nhận kỹ thuật sản xuất rượu sake truyền thống là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và sau đó một năm đã gửi đề xuất lên UNESCO. Theo kế hoạch, Ủy ban liên chính phủ của UNESCO sẽ nhóm họp tại Asuncion, thủ đô của Paraguay, từ ngày 2-7/12. Nếu được UNESCO công nhận, kỹ thuật sản xuất rượu sake sẽ trở thành di sản văn hóa phi vật thể thứ 23 của thế giới.
Tags