Bên cạnh những suất diễn đều đặn vào mỗi tuần, các sân khấu tại Thành phố Hồ Chí Minh đang từng bước đưa công nghệ vào sàn diễn. Cách làm này vừa tạo sự chuyển mình tích cực cho các đơn vị nghệ thuật, vừa tạo nên sự khác biệt, hấp dẫn công chúng.
Đẩy mạnh đầu tư và vận hành công nghệ số
Hiện nay, sân khấu truyền thống tại Thành phố Hồ Chí Minh đều đã sử dụng các trang Fanpage làm kênh thông tin tới khán giả với nhiều nội dung được cập nhật nhanh chóng, gần gũi. Ông Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cho hay, thông qua trang Fanpage, nhà hát sẽ có những điều chỉnh về nội dung vở diễn từ tương tác, góp ý của khán giả. Giải pháp công nghệ số này cũng giúp tiết kiệm đáng kể chi phí in tờ rơi quảng cáo, tạo điều kiện thuận lợi cho khán giả, chủ động hơn trong lựa chọn các suất diễn. Về sàn diễn, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang sẽ kết hợp sân khấu tối giản và công nghệ visual LED hiện đại, nghệ thuật thị giác với nghệ thuật trình diễn trên sân khấu để mang lại những trải nghiệm mới mẻ cho khán giả.
Không chỉ đẩy mạnh đầu tư và vận hành công nghệ số, một số đơn vị xã hội hóa như Nhà hát Kịch Idecaf, Nhà hát Kịch Sân khấu Nhỏ, Sân khấu Thế giới Trẻ, Sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh… còn liên kết với các bên thứ ba để phân phối vé.
Đại diện Nhà hát Kịch Idecaf cho biết, đơn vị đã đầu tư nhân lực để xây dựng nội dung cho Fanpage. Nhà hát quan tâm tới các chỉ số về lượng người theo dõi, truy cập, tỷ lệ tương tác, bình luận trong từng bài đăng, theo từng giai đoạn; từ đó có những điều chỉnh hợp lý. Việc quảng bá hiệu quả cũng đóng góp tích cực về doanh thu phòng vé.
Theo Nghệ sỹ Ưu tú Chí Linh, Sân khấu Chí Linh - Vân Hà của ông thường xuyên livestream trên trang Fanpage giới thiệu các vở mới, đưa ra các ưu đãi khi khán giả mua vé, đặt mua vé online (trực tuyến), soát vé bằng quét mã QR…
Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc tận dụng mạng xã hội, công nghệ để quảng bá, bán vé cũng như biểu diễn đã giúp các đơn vị làm sân khấu tồn tại trong những thời điểm khó khăn. Để duy trì và tồn tại, các đơn vị buộc phải tìm tòi phương thức mới để quảng bá vở diễn để thu hút khán giả.
Theo Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Kim Chi, để bắt kịp xu hướng hiện nay, cần xây dựng một sân khấu, nhà hát trực tuyến để sản xuất, ghi hình những tác phẩm sân khấu và đưa lên các nền tảng trực tuyến. Nhờ đó, khán giả có thể xem được các vở diễn khi đăng ký tài khoản và trả tiền. Cách làm này cũng giúp sân khấu giữ được bản quyền, thu được lợi nhuận từ việc thu phí và quảng cáo, đáp ứng mong muốn chung của nhiều đơn vị nghệ thuật.
Mở ra hướng đi mới cho các nghệ sỹ trong việc tiếp cận công chúng
Cùng với sàn diễn truyền thống, các nghệ sỹ hoạt động cá nhân cũng có ra mắt sản phẩm nghệ thuật có ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Gần đây nhất, nam ca sỹ Đan Trường gây chú ý tới cộng đồng mạng khi phát hành MV Em ơi ví dầu được thực hiện 100% bằng trí tuệ nhân tạo vào đầu tháng 7/2024. Nam ca sỹ cho biết, ê kíp thực hiện của anh đã mất hai tháng và qua nhiều lần chỉnh sửa để cho ra mắt sản phẩm này. Bằng nhiều công cụ AI như Leonardo và Runway (Gen-3), hơn 600 hình ảnh đã được tạo ra, phục vụ cho quá trình sản xuất. Tuy nhiên, một trong những khó khăn khi thực hiện nằm ở khâu dùng AI để tạo chuyển động, do các công cụ nói trên chỉ hỗ trợ tạo ra mỗi lần các đoạn video dài 4 giây nhưng để có 4 giây thì phải mất từ 4 - 16 tấm hình. Do đó, thời gian để thực hiện là tương đối dài, tốn nhiều công sức cũng như thời gian.
Chỉ sau hai ngày đăng tải, MV Em ơi ví dầu của Đan Trường có hơn 260.000 lượt xem. Điều này cho thấy, việc sử dụng AI là một yếu tố truyền thông đặc biệt, có thể thu hút sự chú ý của khán giả.
Không riêng Đan Trường, công chúng cũng dành những lời khen ngợi khi nam ca sỹ Hà Anh Tuấn có bước đầu tiên ứng dụng AI. Cụ thể, trong MV visualizer (MV đồ họa) có tên "Hoa hồng" quảng bá cho live concert Sketch a Rose (Phác thảo hoa hồng) tổ chức tại Singapore và Australia, Hà Anh Tuấn và ê kíp đã dùng AI để tạo ra các ảnh động, lặp đi lặp lại xuyên suốt video.
Tương tự, MV Sài Gòn nhắc tên em của ca sỹ Hoàng Bách cũng là một sản phẩm thu hút sự chú ý của công chúng khi sử dụng công nghệ AI. Sản phẩm này được Đạo diễn Phạm Vĩnh Khương chịu trách nhiệm vận hành sản xuất, giúp tăng tính tương tác và lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội, mở ra một hướng đi mới cho các nghệ sỹ trong việc tiếp cận công chúng và xây dựng thương hiệu cá nhân.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc sử dụng công nghệ AI vừa biểu đạt được ý tưởng siêu thực, mở ra nhiều không gian suy ngẫm cho khán giả. Điều đó cho thấy, nếu biết sử dụng chọn lọc thì trí tuệ nhân tạo có khả năng đóng góp nhiều ý tưởng độc đáo cho nghệ sỹ. Theo đạo diễn Phạm Vĩnh Khương, công nghệ AI không chỉ là xu hướng mà còn là một công cụ sáng tạo đầy tiềm năng, giúp tiết kiệm thời gian, nhân sự, chi phí tối đa cho các dự án âm nhạc. Sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo và nghệ thuật sẽ mang đến trải nghiệm độc đáo, mới lạ cho khán giả.
Tags