Ứng dụng khoa học công nghệ, đồng hành cùng ngành Y tế chống dịch COVID-19

Thứ Ba, 17/03/2020 11:30 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (dịch COVID-19), Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện nghiên cứu chế tạo thành công bộ sinh phẩm phát hiện virus SARS-CoV-2.

Dịch COVID-19: Hai sinh phẩm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 được cấp số đăng ký

Dịch COVID-19: Hai sinh phẩm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 được cấp số đăng ký

Chiều tối 4/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký Quyết định số 744/QĐ- BYT ban hành danh mục 2 sinh phẩm chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus SARS-CoV-2 được cấp số đăng ký.

Ngay sau khi Bộ Khoa học và Công nghệ công bố kết quả nghiên cứu, bộ kít test virus SARS-CoV-2 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để sản xuất hàng loạt tại Việt Nam.

Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Quỹ đổi mới sáng tạo Tập đoàn Vingroup (VINIF) hỗ trợ một phần kinh phí triển khai đề tài “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học và virus học bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 ở Việt Nam” do Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thực hiện tháng 2/2020 đến tháng 1/2021.

Đây là lần đầu tiên Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện đồng tài trợ, huy động nguồn lực xã hội hóa thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu đột xuất trong bối cảnh dịch COVID-19 có nguy cơ lây lan mạnh, mức độ báo động toàn cầu. Kết quả nghiên cứu góp phần trực tiếp vào công tác phát hiện, chẩn đoán, điều trị, xác định bản đồ dịch tễ học, nguồn lây truyền, nguy cơ của bệnh nhất là nội dung nghiên cứu về nuôi cấy, phân lập virus sẽ là tiền đề cho việc nghiên cứu sản xuất thuốc, vắc-xin, sinh phẩm…

Ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và các ngành kinh - tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Việc tài trợ không gắn với quyền lợi trực tiếp của doanh nghiệp mà giải quyết yêu cầu cấp bách của xã hội nhằm phòng, chống dịch COVID-19. Điều này cho thấy hệ sinh thái khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã mở rộng, không chỉ các đơn vị nghiên cứu Nhà nước mà có sự tham gia của đơn vị nghiên cứu tư nhân, sự tài trợ của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp phát triển trên nền tảng công nghệ.

Chú thích ảnh
Đại diện nhóm nghiên cứu thuộc Học viện Quân y và Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á giới thiệu về bộ kit. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Cùng với đó, nhằm khẩn trương đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn cuộc sống, kịp thời chia sẻ với ngành Y tế và cộng đồng trong công tác phòng chống dịch COVID-19, Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ, thuộc Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tiến hành pha chế dung dịch rửa tay khô theo chuẩn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Trung tâm đã lắp đặt và triển khai chế tạo dung dịch sát khuẩn chứa nano Ag. Thiết bị chế tạo nano Ag bằng phương pháp điện cực tan, với công suất hiện tại cho phép chế tạo 200 lít/ngày dung dịch sát khuẩn chứa hạt nano Ag có kích thước trung bình từ 35-45 nm, có khả năng kháng khuẩn cao ở nồng độ từ 20 ppm. Dung dịch không chứa nitrat, không chứa borat sẽ được đăng ký chất lượng để đưa vào phục vụ cộng đồng trong thời gian sớm nhất để phòng chống dịch. 100 lít dung dịch rửa tay khô đầu tiên được tặng cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng, Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.

Tình hình dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp tại Hà Nội. Viện Ứng dụng Công nghệ đã nghiên cứu và làm chủ những công nghệ mới, hiện đại đưa vào ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Viện đã nghiên cứu công nghệ lắp đặt thiết bị đo thân nhiệt tự động không tiếp xúc giúp cảnh báo, phát hiện sớm, ngăn ngừa dịch bệnh.

Theo đó, hệ thống có thể tự động đo thân nhiệt mà không cần người vận hành với tốc độ đo nhanh và đưa ra cảnh báo màu sắc nếu người đo có nhiệt độ vượt ngưỡng cảnh báo. Hệ thống sử dụng camera ảnh nhiệt của hãng Flir làm đầu đo, nguyên lý camera ảnh nhiệt là đo nhiệt độ bằng bức xạ hồng ngoại (Infrared thermography). Tia hồng ngoại là sóng ánh sáng bước sóng từ 0,76 µm đến vài mm. Camera ảnh nhiệt lắp đặt trong hệ thống cảnh báo phát hiện sớm người nghi mắc COVID-19 có độ phân giải 320x240 pixel cho ra hình ảnh quan sát có chất lượng rõ nét.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị thực hiện nghiêm hướng dẫn của Bộ Y tế trong công tác phòng chống dịch COVID-19, tránh lây nhiễm dịch bệnh cho cộng đồng.

HL/TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›