(TT&VH) - Trước năm 2002 các trường ĐH, CĐ tự tổ chức tuyển sinh, tính đến kỳ thi năm nay là tròn 10 năm Bộ GD&ĐT tổ chức thi theo phương thức 3 chung (chung đề, chung đợt và chung kết quả thi).
Cuối năm 2010, dư luận rộ lên việc 6 trường ĐH lớn sẽ được trao quyền tự chủ trong tuyển sinh. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã khẳng định: Thông tin giao quyền tự chủ cho 6 trường ĐH là “hiểu nhầm hoàn toàn”. Bộ giao cho 2 ĐH Quốc gia và 4 ĐH trọng điểm để cùng Bộ nghiên cứu đổi mới phương thức tuyển sinh chứ không phải giao tuyển sinh cho 6 trường đó. Và có thể cách thức tuyển sinh 3 chung sẽ còn diễn ra trong nhiều năm nữa.
Tuy nhiên, năm nay, một loạt trường cho rằng “chiếc áo 3 chung” đã quá “chặt”, không còn phù hợp, các trường đều muốn “cải tiến” theo hướng được tự tổ chức tuyển sinh, nói cách khác là quay về cách thức thi ĐH của 10 năm về trước. Tuy nhiên, nếu suy xét một cách kỹ lưỡng thì “3 chung” vẫn có rất nhiều ưu điểm. Bỏ “3 chung” thì những hệ lụy của thi cử còn trầm trọng hơn. Cụ thể:
Thí sinh làm bài thi - Nguồn: Internet
1. Có ý kiến cho rằng, thi 3 chung, sẽ dẫn đến các trường “tốp dưới” không làm chủ được đầu vào, tuyển sinh chủ yếu dựa vào nguyện vọng 2, 3 sau khi thí sinh đã “rớt” nguyện vọng 1. Tôi cho rằng, nếu các trường thi riêng, thí sinh tham dự nhiều trường thi, nếu đã trúng tuyển trường “tốp trên”, thí sinh dù đủ điểm các trường tốp dưới cũng sẽ không theo học, vì vậy các trường này vẫn khó chủ động được đầu vào ngay từ nguyện vọng 1.
2. Quan điểm cho rằng, thi 3 chung, lượng thí sinh “ảo” nhiều do thí sinh nộp nhiều hồ sơ nhưng chỉ thi 1 lần. Tuy nhiên, nếu được thi nhiều trường, trong nhiều đợt, ai dám chắc lượng thí sinh “ảo” sẽ giảm? Thậm chí con số này có thể tăng lên, vì thí sinh nộp nhiều hồ sơ dự phòng, và thí sinh có học lực khá, thi các trường tốp đầu, nếu làm bài tốt sẽ không tham dự kỳ thi của các trường khác nữa. Như hiện nay, nhiều thí sinh thi ĐH làm bài tốt rồi, không còn mặn mà với kỳ thi CĐ nữa. Nhất là đối với các bài thi trắc nghiệm, thi xong thí sinh so đáp án thường nắm tương đối khả năng đỗ, trượt.
3. Ý kiến cho rằng, thi 3 chung năm nào cũng có vài trăm nghìn bộ hồ sơ ảo, khi nhân số này với lệ phí 80 nghìn đồng/1 bộ hồ sơ, sẽ là sự lãng phí lớn. Đó là chưa kể, các trường vẫn phải chuẩn bị cơ số phòng thi, cán bộ coi thi, số lượng đề thi, cho toàn bộ số thí sinh ảo, cho nên có trường phải bù lỗ cả trăm triệu tới cả tỷ đồng cho kỳ thi. Tuy nhiên, khi thi riêng, thí sinh không chỉ nộp 2, 3 hồ sơ mà có thể nộp nhiều hồ sơ cùng một lúc, miễn là các trường không trùng lịch thi. Khi thí sinh không thi đủ, số tiền lãng phí của xã hội theo thí sinh “ảo” có thể lớn gấp nhiều lần. Kéo theo đó, số lỗ của các trường không giảm mà có thể tăng. Còn nếu thí sinh tham dự cả 5, 7 kỳ thi, thì gánh nặng kinh tế đối với gia đình, xã hội còn lớn hơn.
4. Ý kiến cho rằng, thí sinh cần thi ĐH nhiều lần, nhiều cơ hội. Tôi cho rằng việc học là quá trình, nếu thí sinh không xác định lực học để thi trường vừa sức thì dù có thi nhiều lần cũng khó đạt kết quả. Việc xác định ấy là nhiệm vụ của công tác hướng nghiệp từ trên ghế nhà trường, chứ không phải nhiệm vụ của kỳ thi tuyển sinh. Sau kỳ thi, còn nguyện vọng 2, 3, như vậy mỗi thí sinh vẫn có 3 cơ hội được tuyển chọn. Với cách thi như hiện nay, sẽ rất hiếm thí sinh có thể nói “học tài thi phận” để cần cơ hội khác cho bản thân mình.
5. Đó là chưa kể hệ lụy từ việc các trường tự ra đề, các lớp ôn thi “dài hạn”, “cấp tốc” lại bùng phát. Bằng mệnh lệnh hành chính, các trường có thể “cấm” các thầy không mở lớp ôn thi. Nhưng thực tế, xưa nay các trường mở lớp ôn thi thì ít, mà tư nhân đầu nậu thì mở nhiều. Họ mở gần trường học, và thường quảng cáo “thầy giáo ra đề trực tiếp giảng dạy”, dù họ có “treo đầu dê, bán thịt chó” thì sĩ tử vẫn kéo đến ầm ầm.
Theo tôi, trong khi chưa tìm ra phương thức mới, việc giữ ổn định cách thức tuyển sinh 3 chung như hiện nay là sự lựa chọn khả dĩ hơn cả.
Nguyễn Gia