Ứng xử thế nào với đám tang người nổi tiếng?

Thứ Bảy, 31/05/2014 07:50 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Sau đám tang của nhạc sĩ Thuận Yến, những người tham dự, những người yêu mến ông không khỏi rầu lòng vì từng đoàn phóng viên ảnh mải mê tác nghiệp đã phá vỡ không gian trang nghiêm, thành kính. Những thông tin "thời sự" về đám tang trên mặt báo, cũng khiến gia đình ông không khỏi phiền muộn.

Đây không phải lần đầu. Đã có những đám tang của người nổi tiếng bị đám đông làm phiền. Đám tang của nghệ sĩ Hữu Lộc năm 2010 đã bị những người hâm mộ quá khích làm loạn. Đám tang của nam ca sĩ trẻ Wanbi Tuấn Anh năm 2013 bị đám đông những người trẻ biến thành cơ hội xin chữ ký những người nổi tiếng đến viếng...

Trao đổi với Thể thao & Văn hóa, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái cho biết:

“Lệch chuẩn” về văn hóa

"Tôi nhìn tất cả các sự kiện này dưới góc nhìn văn hóa. Hành trang văn hóa của người Việt giờ đây có cả văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại. Và hiện tại hai loại văn hóa đó đang xô lệch, không tìm được tiếng nói chung.

Nhiều năm trước tôi đã từng dự lễ tang của nam diễn viên Lê Công Tuấn Anh tại Sài Gòn. Hàng dài những bạn trẻ đã xếp hàng, khóc thương cho một con người tài năng. Nhưng đám tang của anh cũng là cơ hội để các tờ báo viết thật nhiều về đời tư của anh. Và có những người chỉ việc in những bài báo đó đem bán. Đám tang của những người nổi tiếng bây giờ cũng sẽ vẫn có những hiện tượng tương tự, thậm chí còn kinh khủng hơn.


PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái

Qua những vụ việc như thế này, có thể nhận thấy sự xuống cấp về đạo đức, những "chệch chuẩn" về văn hóa, thảm hại về ứng xử. Tất nhiên, không phải ai cũng có thể chuẩn bị trước cho cái chết của mình. Nhưng với những người nổi tiếng, nên chăng có sự chuẩn bị trước, thì sẽ chủ động bảo vệ được chính mình và gia đình mình.

Trong cuộc đời tôi đã dự những đám tang không thể nào quên. Ở đó những người đã khuất trước khi qua đời đã lên kịch bản cho đám tang của mình, khiến cho những người tham dự ra về càng thêm ngưỡng mộ”.

Những đám tang cần có sự chuẩn bị

“Tôi không thể nào quên đám tang của NSND Thành Tôn, cha đẻ của NSƯT Thành Lộc. Khi đến viếng tôi tưởng mình vào nhầm chỗ vì thấy ai cũng tươi cười, đúng lúc đó Thành Lộc chạy ra cười nói: "Chị không nhầm đâu, chị vào đây". Tôi đã rất khó khăn hỏi cậu ấy: "Chị xin lỗi, nhưng sao đám tang mà ai cũng cười thế?". Thành Lộc giải thích: "Ba của em dặn thế".

Trước khi qua đời, NSND Thành Tôn dặn các con: "Trong đám tang của bố các con đừng khóc lóc mà phải cười rất tươi vì bố đã làm xong tất cả các việc, và bố cho rằng đây là kết thúc rất hài hước". Ông cũng dặn các con không được nhận tiền phúng viếng. Nếu ai có phúng viếng thì gửi vào thùng từ thiện, toàn bộ khoản tiền này sẽ được đem giúp đỡ các nghệ sĩ nghèo.

Lúc ra về đi tìm Thành Lộc, tôi thấy anh đang đứng trong góc tối, bờ vai rung lên. Khi thấy tôi anh lấy tay gạt nước mắt, lại tươi cười tiễn tôi về.

Đám tang thứ hai tôi không thể quên là đám tang của NSND Nguyễn Đình Nghi. Trước khi mất ông đã chỉ định tôi là người viết bài về ông, chọn một ảnh duy nhất để gửi các báo đăng bài viết về ông. Ông cũng dặn gia đình không trang điểm cho mình, và che ô kính trên quan tài vì không muốn ai nhìn thấy khuôn mặt của mình khi chết.

Đám tang NSND Lê Dung cũng rất đặc biệt. Tôi không thấy bất kỳ một người tình nào của chị xuất hiện, chỉ nghe thấy tiếng hát của chị được phát qua hệ thống tăng âm. Tôi đã viết, người đàn bà ấy đã hát để đưa tiễn chính mình".

Phải có tấm lòng trân trọng nghệ sĩ

"Tôi muốn hỏi việc các trang mạng đưa tin về đám tang của nghệ sĩ, săm soi người nổi tiếng đi dự mặc gì, họ trang điểm thế nào, họ có khóc không. Rốt cuộc để làm gì? Để cho ai? Tôi cho rằng khi tham dự một đám tang, các phóng viên cần tuân thủ theo đúng nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, hành xử một cách có văn hóa, tử tế, trên hết phải có tấm lòng trân trọng nghệ sĩ" - PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái.

Ngọc Diệp (ghi)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›