(Thethaovanhoa.vn) - Trong một bệnh viện ở phía Bắc London, một cuộc cách mạng y học đang diễn ra tại các phòng nghiên cứu ở đây, khi người ta dùng liệu pháp tế bào gốc để "trồng" mũi, tai và cả mạch máu, với nỗ lực dùng chúng để thay thế các bộ phận cơ thể tương ứng, bị thiếu hoặc hư hỏng.
Đây là một trong số vài phòng nghiên cứu trên thế giới, gồm Mỹ, đang nghiên cứu về ý tưởng trồng mô tạng nhân tạo trong phòng thí nghiệm.
"Nuôi" mũi trên cánh tay
"Chuyện giống như ta làm bánh vậy" - nhà nghiên cứu Alexander Seifalian ở Đại học College London, người đang dẫn đầu chương trình trồng mô tạng nhân tạo cho biết - "Chúng tôi chỉ dùng nhiều loại khuôn khác nhau mà thôi".
Tiếp đó các tế bào gốc lấy từ phần mỡ trên người bệnh nhân được nuôi trong phòng thí nghiệm khoảng 2 tuần, trước khi được dùng để phủ lên khuôn mũi. Cuối cùng chiếc mũi nhân tạo này được cấy vào cánh tay của bệnh nhân để da ông ta mọc lên và bao phủ lấy cái mũi. Seifalian nói rằng ông và đội nghiên cứu đang chờ sự phê chuẩn từ cơ quan quản lý để cấy ghép mũi nhân tạo vào mặt bệnh nhân.
Tiềm năng ứng dụng của các mô tạng trồng trong phòng nghiên cứu đã hứa hẹn tới mức ngay cả thành phố London cũng vào cuộc. Công việc của Seifalian và cộng sự đã được Thị trưởng London Boris Johnson nêu ra vào đầu tuần này, như một ví dụ điển hình, khi ông thông báo sáng kiến mới nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực y tế và khoa học của Anh.
Được biết vật liệu polymer mà Seifalian sử dụng để làm phần cơ thể nhân tạo đã được đăng ký bản quyền. Ông cũng đang đăng ký bản quyền hoạt động sản xuất mạch máu, tuyến lệ và khí quản. Ngoài những nội tạng này, ông và đội của mình còn đang tạo các nội tạng và phần cơ thể khác như động mạch, tai người. Cuối năm nay, ông sẽ cho thử nghiệm hoạt động “trồng” tai ở London và Ấn Độ để cấy ghép cho những người sinh ra không có tai.
"Đôi tai khó tạo hơn nhiều những cái mũi bởi anh phải tạo hình vành tai thật chuẩn và da phải bám sát lấy tai" - bác sĩ phẫu thuật tạo hình Michelle Griffin, người đã làm hàng chục cái tai và mũi nhân tạo trong phòng thí nghiệm của Seifalian cho biết - "Hiện tại trẻ em cần tai mới phải tiến hành các phương thức hết sức phức tạp, bao gồm việc mổ lấy sụn ở hệ thống xương sườn của các em".
Griffin nói rằng việc lấy các tế bào gốc từ phần mỡ ở bụng bệnh nhân để đắp lên tai nhân tạo dễ hơn nhiều hoạt động lấy sụn gồm nhiều quy trình, chưa nói tới việc tạo hình tai từ sụn cũng không phải dễ dàng. Griffin nói rằng nhóm nghiên cứu còn có kế hoạch tạo một gương mặt tổng hợp hoàn chỉnh, nhưng trước tiên họ phải chứng minh được rằng phần khuôn polymer sẽ không bị vỡ và lòi ra ngoài da.
"Các nhà khoa học phải làm ra mũi và tai thành công trước khi tiến tới những thứ phức tạp hơn như thận, phổi hoặc gan, các nhóm nội tạng hết sức phức tạp" - Eileen Gentleman, một chuyên gia tế bào gốc ở trường King's College London nói.
"Công việc Seifalian đang lãnh đạo cho chúng ta thấy rằng có lẽ ta không cần phải có một phần mô mẫu hoàn hảo để tạo ra nội tạng nhân tạo tốt" - bà nói - "Những gì ông ấy làm ra là một cấu trúc chuẩn và thực tế nó đủ tốt để giúp bệnh nhân có một tuyến lệ, khí quản... hoạt động bình thường. Đó là điều vô cùng tuyệt vời".
Sẽ sớm sản xuất mô tạng quy mô lớn
Một vài nhà khoa học thậm chí còn lạc quan trước viễn cảnh mô tạng nhân tạo sẽ sớm chấm dứt giai đoạn thử nghiệm hiện nay. "Tôi tin nội tạng và phần cơ thể được sản xuất nhân tạo sẽ sớm xuất hiện trên thị trường" - Suchitra Sumitran-Holgersson, giáo sư ghép tạng tại Đại học Gothenburg ở Thụy Điển nhận xét.
Hiện bà Sumitran-Holgersson đã ghép mạch máu nhân tạo vào một số bệnh nhân và còn có kế hoạch cung cấp dịch vụ này rộng rãi hơn vào năm 2016, nếu được cơ quan quản lý thông qua. Tuy nhiên bà thừa nhận các bác sĩ vẫn sẽ phải theo dõi xem bệnh nhân có chịu bất kỳ hiệu ứng phụ nào từ mô tạng nhân tạo hay không, bao gồm khả năng bị ung thư cao.
Về phần mình, Seifalian ước tính rằng hoạt động nghiên cứu của ông đã tốn kém khoảng 16 triệu USD kể từ khi bắt đầu hồi năm 2005. Tuy nhiên ông hy vọng nội tạng trồng trong phòng thí nghiệm sẽ có ngày được bán ra thị trường với giá chỉ vài trăm đô la.
"Nếu người ta không cầu kỳ quá, chúng tôi có thể sản xuất nhiều kích cỡ mũi để các bác sĩ có thể chọn lấy một cỡ và điều chỉnh cho phù hợp với bệnh nhân, trước khi cấy ghép nó" - ông nói - "Người ta thường nghĩ mũi của mình là đặc điểm hết sức cá nhân, riêng tư. Nhưng đây là thứ mà chúng tôi có thể sản xuất hàng loạt như trong nhà máy vào một ngày không xa".
Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa
Tags