US Open dưới cái bóng của Steffi Graf

Thứ Tư, 09/09/2015 19:01 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - US Open năm nay có thể là một bước ngoặt lịch sử của quần vợt nữ, khi mà Serena Williams sẽ có cơ hội lớn cân bằng kỷ lục về số lần giành Grand Slam của huyền thoại Steffi Graf với 22 chức vô địch. Đồng thời, cô em nhà Williams cũng có thể trở thành tay vợt đầu tiên trong 27 năm qua sau Graf lập được kỳ tích vô địch cả 4 Grand Slam cùng 1 năm.

Nếu Serena thành công, thì chức vô địch ấy có ý nghĩa nhiều hơn một chiến thắng, dù cả cô và HLV Patrick Mouratoglou đều phủ nhận điều này. Serena mang lại cho quần vợt một màu sắc thú vị, thống trị nó với “đế chế” bền vững của mình cùng những kỷ lục, tài năng, sự bền bỉ và khả năng vượt qua thử thách một cách phi thường. Cô xứng đáng với những lời tán dương và sự quan tâm đang được nhận. Tuy nhiên, sẽ là một thiếu sót nếu như chỉ nói về những thành tích của Graf trong quá khứ như 1 thước đo cho thành công hiện tại của Serena. Bởi sự thống trị của Graf ngày ấy cũng khác tay vợt người Mỹ hoàn toàn.

Cô thậm chí đã thay đổi quần vợt. Cô đánh bại những ngôi sao, huyền thoại bằng phong cách đẹp mắt, bằng những cú trái một tay, giao bóng – lên lưới bắt vô lê. Lúc ấy, Graf đã mang đến một lối chơi mới đầy sức mạnh, tốc độ nhưng vẫn uyển chuyển và thông minh, khiến tờ Los Angeles Time phải thốt lên: “Giờ thì lối đánh của Navratilova (cây vợt nữ số 1 trước Graf) bỗng nhiên trở nên lỗi thời”.

Graf kết thúc sự nghiệp với 22 danh hiệu Grand Slam, nhiều hơn bất kỳ tay vợt nào trong kỷ nguyên Mở rộng. Cô vô địch 107 giải đấu trong tổng số 900 trận đã chơi và vẫn giữ kỷ lục 377 tuần là tay vợt số 1 thế giới. Cựu tay vợt người Đức vô địch ít nhất 4 lần ở mỗi giải Grand Slam. Trong suốt khoảng thời gian từ 1987 đến 1990, quần vợt nữ thế giới "nấp" dưới cái bóng khổng lồ của cô. Riêng năm 1988, Graf vô địch cả 4 Grand Slam cùng lúc và còn cả giành HCV tại Olympic. “Đế chế Graf” thứ 2 mà cô gây dựng nên là sau vụ tai nạn của Monica Seles – đối thủ lớn của Graf năm 1993 (bị một khán giả nhảy xuống sân đâm dao vào lưng).

Graf thắng dễ, đơn giản, không màu mè và không thăng trầm. Và chiến thắng thường đến như một việc tự nhiên thường ngày bởi cô gần như chẳng bao giờ thua. Bởi thế mà người hâm mộ lúc bấy giờ diễn tả về cô như một chiếc máy kỹ thuật nào đó của Đức: Mạnh mẽ, chính xác, gần như hoàn hảo, luôn thăng bằng và cực kỳ chuyên nghiệp. Rất ít khi người ta thấy Graf bộc lộ những cảm xúc thái quá, cô luôn giữ một thái độ lạnh lùng, có chút khoảng cách khi đứng trên sân thi đấu.

Huyền thoại 46 tuổi này bắt đầu chơi quần vợt khi mới lên 3, sau khi cha cô, ông Peter, một người bán bảo hiểm và ô tô dạy cô cầm cây vợt đánh qua đánh lại trong phòng khách căn hộ của họ ở Tây Đức. Họ dùng ghế sofa thay cho lưới và ông Peter luôn thưởng cho con gái mình những cây kem nếu cô thực hiện được 25 cú đánh. Lên 5 tuổi, Graf đã vô địch những giải thiếu nhi và bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp ở tuổi 13. Đổi lại thì tuổi trưởng thành của Graf có những thiếu xót so với các bạn đồng trang lứa khi bố cô quản lý thời khóa biểu, việc học hành và cả việc giao du kết bạn. Graf nói rằng cuộc sống của cô chẳng có gì khác ngoài quần vợt nhưng đó là lựa chọn của cô.

Lần đầu tiên đánh bại 2 ngôi sao lúc bấy giờ là Chris Evert và Martina Navratilova, Graf mới 16 tuổi. Khi giành chức vô địch Grand Slam đầu tiên, cô mới 17 tuổi và chỉ 1 năm sau đã nắm giữ ngôi vị số 1 thế giới. Và năm thi đấu hoàng kim của Graf – 1988 đánh dấu một tuổi 19 phi thường với những thành công ngoài mọi tưởng tượng.

Ở trận chung kết Australian Open năm đó, Evert, người đã giành 18 danh hiệu Grand Slam trước đó với 260 tuần giữ ngôi số 1 thế giới tỏ ra kém thú vị với một Graf trẻ trung và đầy bất ngờ. Ở Roland Garros, cô lên ngôi vô địch mà chỉ để thua vỏn vẹn 20 jeux đấu. Trong trận chung kết, cô đánh bại Natasha Zvereva 6-0, 6-0 chỉ trong 32 phút thi đấu. Đó là trận đấu nhanh nhất trong lịch sử giải và là lần đầu tiên một tay vợt của trận chung kết Roland Garros không thắng nổi 1 jeux. Đến với US Open cuối năm, Graf phải đối mặt với một thách thức chưa từng có. Bởi trước cô, chưa có ai từng vô địch cả 4 giải Grand Slam liên tục ở 3 mặt sân khác nhau (đất nện, sân cỏ, sân cứng). Nhưng rồi cô cũng vẫn vô địch.

Sau năm 1988 đó, Graf không cho thấy dấu hiệu xuống sức và ngủ quên trong chiến thắng dù còn rất trẻ. Năm 1989, cô đánh 88 trận và chỉ thua 2, giành 3 chức vô địch Grand Slam, 13 lần liên tiếp lọt vào chung kết các giải này. Từ năm 1989 đến 1990, cô vô địch thêm liền lúc 11 danh hiệu khác. Ở điểm này, Serena không thể sánh bằng Graf được.

Nhưng trong con mắt của nhiều người hâm mộ, Graf có cái vẻ gì đó hơi thô và kém duyên dáng. Những nhận xét này không thực sự giống với cách người ta hay mỉa mai Serena có cái tướng đàn ông. Chỉ là Graf đơn giản đến mức bình dị và chẳng khoác cho mình cái hào quang ngôi sao nào. Cuộc sống của Graf quay quanh quần vợt, đến mức mà bố cô đã đưa ra một lời tiên đoán – mà sau này đã trở thành sự thật một cách đáng sợ trên Los Angeles Time rằng: “Khi nào con bé tìm thấy người đàn ông của đời mình, anh ta hẳn phải là một vận động viên hoặc một tay vợt. Nếu không thì sẽ rất khó cho anh ta để có thể hiểu tình yêu của con bé với quần vợt”.

Và người chồng của Graf – như tất cả chúng ta đều biết – cũng là 1 huyền thoại quần vợt, Andre Agassi.

Yến Nhi
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›