(Thethaovanhoa.vn) - Lưu giữ nét đẹp văn hóa dân gian trên nền hiện đại, mà cụ thể là ứng dụng đồ họa để vẽ hổ theo phong cách tranh Hàng Trống, là một ý tưởng mới lạ và sáng tạo.
Như chính cái tên “Khí phách uy mãnh”, bộ tranh vẽ hổ của Nguyễn Minh Ngọc ra mắt tại triển lãm này đã thể hiện một thông điệp hết sức ý nghĩa: Trong năm tới, dù đứng trước đại dịch, người dân Việt Nam sẽ luôn giữ vững tinh thần uy mãnh để có thể vượt qua mọi rào cản và phát triển đất nước.
Chúng tôi gặp Minh Ngọc trong một buổi chiều Hà Nội lạnh và mưa. Tìm đường đến địa chỉ phòng triển lãm Khí phách uy mãnh, tôi vô cùng tò mò về chân dung cô gái vẽ hổ.
Dịch bệnh, phòng triển lãm đón ít khách hơn bình thường, không gian trầm và tĩnh lặng. Tiếp chúng tôi là Minh Ngọc - một họa sĩ 24 tuổi, trẻ và điềm đạm. Mới tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế đồ họa của trường Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, hiện tại Minh Ngọc đang làm công việc thiết kế đồ họa tự do.
Cơ duyên vẽ Hổ trên bóng dáng tranh xưa
Nhiều người sẽ tự hỏi, sao Ngọc lại chọn vẽ hổ theo phong cách tranh dân gian Hàng Trống? Đây là một quá trình dài mà cơ duyên bắt đầu ngay khi Ngọc còn là sinh viên. Được học trong trường và tìm hiểu trên mạng, Ngọc thường thấy rất nhiều sản phẩm đồ hoạ của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã truyền bá được văn hoá của đất nước họ đến với bạn bè thế giới.
"Lúc đó, mình đặt ra câu hỏi: Tại sao bề dày văn hoá Việt Nam có đến hàng nghìn năm, thêm vào đó lại có những hình ảnh, nét tạo hình độc đáo rất riêng, mà vẫn chưa được khai thác và ứng dụng vào các sản phẩm đồ hoạ?” - Ngọc bộc bạch.
Từ đó cô nảy ra ý tưởng sẽ tự tay mình tạo ra những sản phẩm mỹ thuật công nghiệp mang yếu tố văn hóa dân gian ứng dụng vào đời sống đương đại. Minh Ngọc đã dành nhiều thời gian tìm hiểu kĩ hơn về văn hoá Việt Nam, sau đó được làm việc với Hội quán di sản đã cho Ngọc một hướng đi cụ thể.
Sau ba năm làm việc cùng Hội quán di sản, Minh Ngọc đã tiếp cận được những tư liệu và tìm hiểu dần về dòng tranh Hàng Trống, qua đó, tạo ra được bộ sưu tập tranh hổ năm nay.
Sau mỗi bức tranh Hổ là dấu ấn văn hóa Việt
Minh Ngọc vẽ hổ cả trên giấy gió truyền thống lẫn trên đồ họa. Trong số các bức vẽ, cô tâm đắc nhất với bức tranh Ngũ Hổ lệch. Đây là bức tranh được cô vẽ dựa theo nguyên bản tranh Ngũ Hổ của dòng tranh Hàng Trống, nhưng được sắp xếp và thể hiện lại thành bố cục “lệch”.
Trong dòng tranh Hàng Trống, Ngũ Hổ là bức tranh tiêu biểu nhất. Hình tượng của 5 con hổ được bố cục cân đối trên mặt giấy. Mỗi con một dáng vẻ: con thì đứng, con thì ngồi, con cưỡi mây, lướt gió… Từ tư thế đến ánh mắt, chòm râu cùng khí thế toàn thân đều toát lên sức sống mãnh liệt của loài “chúa sơn lâm”.
Theo Ngọc, cái hay của bức tranh này là thể hiện được văn hoá của người Việt Nam bao gồm: âm dương ngũ hành, tín ngưỡng và phong tục thờ hổ cùng với nhiều khía cạnh văn hoá khác.
Bức tranh Ngũ Hổ lệch được Minh Ngọc vẽ trên giấy gió, đường nét vẽ mềm mại cùng với nghệ thuật dát vàng tinh tế. So với tranh Ngũ Hổ truyền thống thì bức tranh được thể hiện một cách mới lạ hơn. Hình tượng năm chú hổ nằm trong một bố cục “lệch”, khác với bố cục cân đối của tranh xưa. Minh Ngọc cho biết, để hoàn thành bức tranh này, cô đã mất hơn 3 tuần miệt mài.
Vẽ tranh Hàng Trống đã khó, việc một người trẻ theo đuổi những giá trị văn hóa lâu đời càng khó hơn. Bộ tranh hổ của Minh Ngọc được xây dựng theo phong cách tranh dân gian Hàng Trống và có một phần đồ hoạ, thiên về kĩ thuật nhiều hơn.
Ngọc chia sẻ: "Khi vẽ, mình sắp xếp lại bố cục sao cho các tranh có nét hiện đại hơn, mọi thứ mình cũng đẩy sâu hơn một chút. Mình thấy thiết kế đồ hoạ và vẽ góp phần bổ trợ cho nhau để phù hợp hơn với đời sống ngày nay".
Dòng tranh Hàng Trống là dòng tranh của người thành thị nên khác với tranh Đông Hồ. Tranh Hàng Trống cầu kì, tỉ mỉ hơn, được vẽ tay và dập bản 50/50. Tuy nhiên, cô họa sĩ tuổi Dần này đã vẽ tay hoàn toàn 100% để thể hiện được cái riêng của tranh.
"Trong quá trình sáng tác, mình thấy khó khăn nhất là thấu hiểu được các tích được thể hiện trong tranh. Muốn vẽ tốt được thì mình phải hiểu được những tích đó là gì, số lượng các chi tiết trong tranh. Từng cách tạo hình, từng chi tiết trong tranh đều có ý nghĩa riêng do người xưa truyền lại mà bản thân mình vẫn chưa thể nắm hết được" - Minh Ngọc bộc bạch.
Ngoài ra tranh Hàng Trống còn có điểm đặc biệt thứ hai là “vờn màu”, đây là một kĩ thuật khá khó mà khi “vờn” trên giấy gió, Minh Ngọc đã phải mất khá nhiều thời gian cho các bức tranh vẽ tay.
Hành trình đến "Khí phách uy mãnh"
Là một nhà thiết kế đồ họa, Minh Ngọc vừa làm, vừa nghiên cứu về dòng tranh Hàng Trống. Những ngày nghiên cứu là những ngày lang thang hết các viện bảo tàng, đình làng để sưu tầm, tìm hiểu về những bức tranh hổ, tượng hổ. Những ngày cuối năm, Minh Ngọc nghỉ hẳn công việc và tập trung hết vào việc vẽ hổ. Có những ngày, cô họa sĩ trẻ miệt mài nghiên cứu và vẽ từ sáng cho tới nửa đêm.
Ngày nay, thế giới phẳng đang tạo ra một thế hệ Gen Z với xu hướng theo đuổi những trào lưu hiện đại mà ít quan tâm tới những nét đẹp thuần túy, mang hồn cốt văn hóa dân tộc. Việc giữ gìn, lan truyền và phát triển nét đẹp văn hóa dân tộc là điều vô cùng quan trọng. Minh Ngọc chia sẻ: "Bản thân mình nghĩ, văn hoá là thứ quan trọng nhất, nó tạo ra sự khác biệt của một đất nước so với những nước khác. Dù mọi thứ có ra sao, nếu mình còn văn hoá thì vẫn còn đất nước Việt Nam".
- Tranh Hàng Trống: Bản sắc đang mai một
- Ông thợ mộc Phạm Đức Sĩ & cả một kho tranh Hàng Trống
- Lê Đình Nghiên - Nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống
Như chính cái tên Khí phách uy mãnh, bộ tranh hổ thể hiện một thông điệp hết sức ý nghĩa: trong năm tới, dù đứng trước đại dịch, người dân Việt Nam sẽ luôn giữ vững tinh thần uy mãnh để có thể vượt qua mọi rào cản và phát triển đất nước.
“Mình nghĩ là do các bạn trẻ chưa được tiếp cận nhiều với những nét văn hoá này nên chưa thấy gần gũi. Nếu được truyền thông mạnh mẽ hơn và hướng người trẻ tiếp cận nhiều hơn thì sẽ thấy chúng cũng khá phù hợp với bây giờ. Hơn nữa phát triển tranh dân gian trên nền hiện đại cũng có thể ứng dụng và kinh doanh sản phẩm” - Minh Ngọc nói.
Để lưu giữ và phát triển văn hóa dân tộc, rất cần sự đóng góp của những người trẻ như Ngọc với cách tiếp cận đặc thù: Tìm về hồn xưa, phát triển và đưa nó đến gần cuộc sống hiện đại hơn.
Vừa qua, triển lãm Khí phách uy mãnh do Tạp chí Xưa và Nay phối hợp Hội quán Di sản tổ chức, đã giới thiệu bộ tranh hổ theo phong cách tranh Hàng Trống qua góc nhìn mới của họa sĩ, nhà thiết kế Nguyễn Minh Ngọc; tác phẩm hổ trong chủ đề 12 con giáp của họa sĩ Lê Trí Dũng; bộ sưu tập gốm chủ đề hổ của nghệ sĩ Nguyễn Văn Toán; bộ sưu tập Khí phách uy mãnh”của Hội quán Di sản.Triển lãm đồng thời giới thiệu nghệ thuật tạo hình hổ Việt Nam thông qua các sản phẩm mỹ thuật công nghiệp ứng dụng vào đời sống đương đại. |
Trần Đào – Phương Thảo
Tags