(Thethaovanhoa.vn) - Trọng tài luôn là vấn đề nhức nhối ở mỗi mùa giải. 22 năm V-League phát triển nhưng tại sao đội ngũ cầm cân, nảy mực vẫn là khâu yếu nhất? Chúng tôi sẽ đăng loạt bài mổ xẻ những bất cập trong đào tạo, điều hành và phát triển đội ngũ trọng tài Việt Nam.
Trước khi V-League 2021 bị hủy, các quyết định của trọng tài gây nhiều tranh cãi lớn. Hàng loạt lỗi nghiêm trọng bị bỏ qua khiến chỉ số niềm tin vào đội ngũ ông Vua sân cỏ ngày xuống thấp.
Điều này không tự nhiên mà có khi đây là vấn nạn “vua sân cỏ” đã tồn tại suốt thời gian dài. Trong những năm qua, sân cỏ nội địa quá ít gương mặt trọng tài nổi bật. Đấy là nỗi đau và là nghịch lý khi giải chuyên nghiệp đã bước sang năm thứ 22.
Tất cả đều có lý do của nó. Đầu tiên phải khẳng định vai trò của Ban trọng tài. Tổ chức này có quá nhiều thời gian để đào tạo nên các lứa kế cận, đủ sức bắt nhịp với yêu cầu của V-League. Vậy mà, qua bao năm tháng công tác trọng tài vẫn là điểm yếu, cả lượng lẫn chất.
Đấy là nguy cơ bởi chỉ một cú phất cờ, tuýt còi sai về chuyên môn (chưa nói đến tư tưởng) sẽ gây tác hại rất lớn cho các CLB, thậm chí kết quả của cả mùa giải. Thực tế, trong những năm qua, chúng ta rất ít khi thấy các nam trọng tài được giao trọng trách làm việc ở giải quốc tế. Đó là điều khiến tất cả phải suy ngẫm và phải tìm ra giải pháp.
Nhưng, nếu nhìn nhận một cách tổng quan, không quá bất ngờ với hiện trạng Ban trọng tài đành phải “tặc lưỡi” trước các sai sót của quân mình, kiểu “sai đâu sửa đó”. Ở V-League, nhiều trọng tài trẻ được tạo cơ hội nhưng quá ít gương mặt thể hiện được phẩm chất.
Trọng tài Vũ Phúc Hoan là điển hình, ông liên tiếp phạm những sai lầm sơ đẳng, không đáng có của một trọng tài chuyên nghiệp. Và rút cuộc, sau án phạt, ông Hoan vẫn được tin tưởng giao nhiệm vụ. Dư luận vẫn râm ran Dương Hữu Phúc (28 tuổi), được xem là cháu ruột Trưởng ban Trọng tài VFF Dương Văn Hiền, có sự ưu ái nhất định trong năm 2021. Chuyên môn của ông Phúc chưa có nhiều nổi bật. Trong quá khứ, ông này từng mắc sai lầm nghiêm trọng ở giải hạng Nhất 2019 trong trận đấu giữa Đồng Tháp và Huế.
Thông tin cũng âm ỉ trong giới trọng tài, một “yếu nhân” có thói quen sau trận đấu là gọi điện cho lãnh đạo Ban trọng tài để “tố” các sai sót đồng nghiệp, gây sức ép buộc phải xem xét, xử lý và phân công. Điều đó gây bất bình rất lớn cho nội bộ trọng tài. Tình trạng “quyền lực đen” tưởng như đã tạm yên sau thời ông Nguyễn Văn Mùi nghỉ, nhưng nay vẫn còn đó.
Rõ ràng, nhìn thực trạng có quá ít trọng tài giỏi hiện tại của bóng đá Việt Nam, không khỏi để lo lắng về những vấn đề phát sinh trong mùa giải 2022. Những vụ việc điển hình đó khiến người hâm mộ đặt ra nghi ngại, liệu có câu chuyện “dây mơ, rễ má” trong đội ngũ trọng tài.
Thực tế, điều này không quá mới khi các nhân tố giỏi ít xuất hiện trong thời gian qua. Và khi câu chuyện bị đẩy đi quá xa, chúng ta lại “cầu viện” đến trọng tài ngoại. Thông thường, một giải vô địch quốc gia, các nước chủ yếu sử dụng đội ngũ trọng tài trong nước. Điều này giúp các trọng tài có cơ hội cải thiện chuyên môn vừa là hình ảnh của giải đấu đó.
Thế nhưng, bao năm qua, V-League vẫn phải nhờ đến các trọng tài ngoại để phán quyết trong các trận đấu quan trọng. Thực tế chỉ ra rằng, họ không quá chênh lệch về chuyên môn so với trọng tài Việt. Điều khác biệt duy nhất chính là tâm lý.
Các trọng tài ngoại không biết mọi ngõ ngách của bóng đá Việt và họ cũng không bị tâm lý phản ứng thái quá từ các cầu thủ, BHL, thậm chí ông bầu. Đặc biệt, họ dù không quá giỏi hơn “vua” ta về chuyên môn, nhưng được cái “sạch sẽ”, khiến các CLB dù xử sai vẫn không nghi ngờ.
Rõ ràng, đã đến lúc VFF cần chấn chỉnh đội ngũ trọng tài, không thể đổ lỗi do không có thời gian lẫn tiền bạc để đào tạo nên một lực lượng cầm cân, nảy mực đủ tài và tâm. Và, nếu cứ “bình mới, rượu cũ”, thật khó để hy vọng chất lượng trọng tài của Việt Nam cải thiện và V-League có thể yên tâm với giới cầm cân nảy mực.
* Đón đọc bài 2: Học viện trọng tài - Một gợi mở thú vị
Gia Bình
Tags