Ngoại trừ Thanh Hóa và Quy Nhơn Bình Định đang ở nửa trên bảng xếp hạng V-League 2023/24, những đội bóng miền Trung còn lại đều gặp khó khăn. Từ vị trí thứ 10 đến chỗ cuối bảng gồm những gương mặt bóng đá miền Trung: Quảng Nam, SLNA, Khánh Hòa, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và HAGL.
Mùa giải 2023/24, bóng đá miền Trung có một sự thay đổi khi Quảng Nam lên chơi tại V-League, còn Đà Nẵng rớt xuống thi đấu ở hạng Nhất. Ngoài "nét mới" đó ra, những vấn đề còn lại của bóng đá miền Trung ở mùa giải năm nay gần như "cũ". Mọi thứ từ tăng cường lực lượng, tiềm lực đầu tư chỉ ở mức độ vừa phải. Như thế, những khó khăn đã ập đến ngay từ đầu mùa với những đội bóng miền Trung.
Đang đứng cuối bảng là HAGL và Hồng Lĩnh Hà Tĩnh với cùng 2 điểm. Phía trên là Khánh Hòa, còn SLNA cùng Quảng Nam cũng chỉ mới có 6 điểm nên mọi thứ vẫn đầy gian truân với các đại diện của miền Trung. Nói cách khác, cuộc đua trụ hạng đến sớm với những Quảng Nam, SLNA, Khánh Hòa, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, HAGL khi giải đấu mới ở chặng khởi động.
Khánh Hòa từng được xem như "hình mẫu" của bóng đá miền Trung vượt khó. Những năm qua, xuống hạng rồi lên hạng được xem là chuyện thường ngày của bóng đá phố biển Nha Trang. Mùa giải trước, Khánh Hòa chật vật trụ hạng, còn năm nay, họ đã nghèo còn gặp eo. Lý do vẫn là chuyện nợ lương, nợ tiền lót tay cầu thủ âm ỉ, kéo dài, lâu lâu lại bùng lên. Những gỡ rối lúc này cũng chỉ như biện pháp "chữa cháy", còn về lâu dài, chưa thấy lối ra.
CLB Quảng Nam mới trở lại sân chơi chuyên nghiệp mùa này dù trước đó đội bóng xứ Quảng từng chạm tay vào chiếc cúp vô địch V-League. Chính sách "liệu cơm gắp mắm" đang được HLV Văn Sỹ Sơn áp dụng với bóng đá Quảng Nam. Những kết quả tốt dần ở 2 trận đấu gần đây tạm giúp Quảng Nam trồi lên trên chút ít, song trước mắt họ vẫn sẽ là hành trình khó khăn.
SLNA từng được xem như "cái nôi" của bóng đá Việt Nam. Có một thời, nhiều địa phương, nhiều CLB "cắp cặp" đến xứ Nghệ học cách làm bóng đá. Cũng bởi vì khó khăn về tài chính nên ngay khi chuẩn bị mùa giải, bóng đá xứ Nghệ đành ngậm ngùi nhìn những cầu thủ tốt nhất của mình, như Văn Hoàng, Xuân Mạnh, Quế Ngọc Hải lần lượt ra đi.
Ở phía ngược lại, họ không mua bất kỳ cầu thủ nào mà chủ trương chỉ dùng cầu thủ "cây nhà lá vườn". HLV Phan Như Thuật, nhà cầm quân trẻ nhất V-League, đang cố lèo lái đội bóng xứ Nghệ không "trật đường ray" ở mùa giải năm nay.
Ở 11 mùa giải gần nhất (2013 - 2023), bóng đá miền Trung chỉ duy nhất xuất hiện 1 nhà vô địch V-League. Vinh dự đó gọi tên một CLB ít tên tuổi là Quảng Nam. Còn lại, 7 chức vô địch thuộc về các đội bóng phía Bắc, 2 cho CLB B.Bình Dương, 1 giải không có nhà vô địch (2021) vì hủy bỏ. Nếu tính ngược từ năm 2013 trở về năm 1980, đã có 8/29 mùa, các CLB miền Trung vô địch (3 lần cho SLNA 4, 3 của bóng đá Quảng - Đà và 2 thuộc về HAGL). Nhìn con số thống kê như thế mới thấy nhớ và tiếc cho giai đoạn huy hoàng của bóng đá miền Trung. Và cũng nhận ra rằng bóng đá ở "khúc ruột" ngày càng đi xuống so với 2 đầu đất nước.
Có nhiều nguyên nhân, nhưng nếu chia các giai đoạn mang tính cột mốc, có thể thấy sự xuống cấp của các đội bóng miền Trung thể hiện rõ nhất khi giải VĐQG chuyển sang chuyên nghiệp. Một trong những yếu tố cốt lõi nhất vẫn là nguồn lực đầu tư hạn hẹp.
V-League 2023/24 còn quãng đường dài phía trước. Hy vọng các đội bóng miền Trung sẽ vượt khó, về đích an toàn vào cuối mùa giải để mỗi lần nhắc đến bóng đá miền Trung không phải bâng khuâng nỗi niềm như 10 năm qua.
Tags