HLV Kiatisuk nói ông rời CLB CAHN vì "lý do gia đình", nhưng nhìn kết quả thi đấu của CAHN thời gian gần đây cùng với "tiền sử" thay HLV của đội bóng này thì những người am hiểu bóng đá Việt Nam đều có chung nhận định: đây là cuộc chia tay không thể tránh khỏi.
Thật ra việc thay HLV khi các mục tiêu đang có nguy cơ tuột khỏi tầm tay cũng là chuyện bình thường. Chúng ta hay dùng từ "bóng đá chuyên nghiệp" để nói về việc này. Dù vẫn còn cơ hội tranh chấp chức vô địch với Nam Định nhưng với thành tích chỉ thắng 1 trong 4 trận gần đây thì khoảng cách 8 điểm giữa 2 đội khó mà thu hẹp.
Căn cứ vào thống kê trong lịch sử V-League thì một CLB muốn vô địch trong mùa giải có 26 vòng đấu thì phải thắng ít nhất 14 trận. Hiện CAHN chỉ mới thắng 9 sau 18 trận đã qua, nếu muốn vô địch thì phải thắng thêm 5 trong số 8 trận còn lại, đồng thời Nam Định (hiện có 12 trận thắng) không được thắng quá 2 trận nữa.
Thế nên, dù là lý do gì, Kiatisuk bị cho nghỉ hay là ông chủ động rút lui, cũng không phải là một chuyện đáng để ồn ào. Cái đáng nói ở đây là dù có mất HLV đi nữa thì CAHN… vẫn ổn.
Hai năm qua, họ có đến 5 lần thay đổi HLV nhưng vẫn vô địch mùa trước và hiện đang đứng nhì bảng, vẫn là 1 trong 2 đội mạnh nhất V-League hiện tại.
Tiêu biểu nhất là mùa bóng 2023, họ vô địch mà ở 2 vòng đấu cuối cùng không có HLV trưởng khi GĐĐH Trần Tiến Đại làm HLV tạm quyền khi trước đó lần lượt sa thải 2 HLV ngoại khác nhau.
Nghĩa là câu chuyện ở đây là CAHN hình như… không cần HLV. Điều này cũng đã từng có tiền lệ, chính là HAGL của cách đây 20 năm, thời điểm mà Kiatisuk là ngôi sao lớn nhất trong 2 chức vô địch V-League ngay khi đội bóng phố Núi vừa thăng hạng.
Lúc đó, bầu Đức từng nói là đội bóng của ông "ai làm HLV cũng được". Bây giờ, CAHN có khác gì đâu. Từ chuyện vừa thăng hạng đã vô địch, rồi thay HLV như thay áo, toàn là những HLV ngoại bao gồm các tên tuổi đã được "kiểm định", thế mà họ chẳng ảnh hưởng gì. Điều này cho thấy vấn đề không nằm ở chuyên môn mà ở hậu trường.
Kiatisuk là người mà kể cả khi thua trận, vẫn có thể cười nói hòa nhã và không thuộc tuýp người tung hê chuyện hậu trường ra truyền thông. Nhưng trước Kiatisuk, thì cựu HLV đội U23 Việt Nam Gong Oh Kyun thì đã có những chỉ trích về việc bị "can thiệp chuyên môn". Tất nhiên là chẳng cần Kiatisuk nói ra, ai cũng biết lý do để ông rời CAHN là gì.
Chỉ có điều, câu chuyện của Kiatisuk một lần nữa cho thấy V-League không phải là "miền đất lành" của các HLV ngoại, kể cả những người lành tính như Kiatisuk. Cabin không yên ả của CAHN là một phần tối trong bức tranh không còn nhiều điểm sáng của bóng đá Việt Nam. Tất cả các HLV của đội bóng này đều là người nước ngoài. Họ, khi được chọn, tất nhiên là từ sự kỳ vọng sẽ nâng tầm một CLB có sẵn các cầu thủ giỏi. Nhưng nghịch lý là chẳng ai trụ nổi.
Đó chính là vấn đề. Không "vơ đũa cả nắm" nhưng qua câu chuyện tại CAHN thì hình như sau khi đi thật xa, chúng ta lại quay về… điểm xuất phát trong cách làm bóng đá ở cấp CLB.
Mọi thứ cứ nhập nha, nhập nhằng từ chuyện tài chính CLB đến quyền lực hậu trường sẵn sàng tác động thô bạo vào hoạt động chuyên môn khi mọi thứ không đúng ý của "ông chủ".
Một nền bóng đá muốn vươn tầm nhưng gần như không thể tiếp nhận các tư tưởng, cách quản lý mới mẻ từ bên ngoài, thì có HLV đẳng cấp thế giới đến cũng chào thua.
Tags