v-league Night Wolf V-League 2023/24 đã có những thay đổi mang tính bước ngoặt về công tác tổ chức. Mùa giải được kỳ vọng tạo ra sức bật mới cho tiến trình chuyên nghiệp hóa đúng nghĩa của bóng đá Việt Nam. Vậy mà, bóng mới chỉ lăn vài vòng đã có nhiều nỗi lo. BTC cùng các đội bóng hết sức cẩn thận chứ không khéo "cái sảy nảy cái ung".
1. HLV Gong Oh Kyun đã ít nhiều "mất điểm" khi để lại hình ảnh không đẹp trên sân Thiên Trường. Việc va chạm với cầu thủ Trần Văn Kiên đã khiến nhà cầm quân người Hàn Quốc nổi đóa và tạo ra bầu không khí căng thẳng trên sân. Đây cũng là lần đầu tiên người hâm mộ chứng kiến ông Gong giận dữ như vậy, kể từ khi đến Việt Nam làm việc
Từ ngày dẫn dắt đội tuyển U23 Việt Nam, ông Gong đã để lại nhiều thiện cảm với mái tóc bồng bềnh cá tính cùng phong thái "nghệ sĩ". Vậy nên, hành động của ông Gong trên sân Thiên Trường khiến chúng ta bất ngờ. Dù cả vị HLV Hàn Quốc lẫn cầu thủ Trần Văn Kiên đã xin lỗi, bỏ qua cho nhau nhưng từ hình ảnh đó đã để lại nhiều suy nghĩ.
Cũng có thể, ông Gong đã dần "thưởng thức" những "đặc sản" V-League khi có phản ứng như thế. Dù gì đi nữa, HLV Gong Oh Kyun nên xem sự việc vừa rồi như bài học để cảnh tỉnh cho mình trong lúc cầm quân V-League, đồng thời cũng để làm gương cho học trò và giữ được ấn tượng tốt đẹp mà ông đã tạo dựng từ buổi ban đầu khi "bén duyên" cùng bóng đá Việt Nam.
Không chỉ màn "hục hặc" giữa HLV và cầu thủ ở trận Nam Định-CAHN, vòng 5 V-League cũng đã chứng kiến "điểm nóng" trên sân Quy Nhơn. Cả 2 đội đã cống hiến một trận đấu hay với phần thắng dành cho Thanh Hóa. Tuy nhiên, "điểm nhấn" nằm ở những va chạm đến đổ máu, những tranh cãi, khiêu khích lẫn nhau giữa thành viên 2 đội bóng.
Chưa hết, khán giả Bình Định ném nhiều chai lọ xuống sân, phần lớn nhắm vào các cầu thủ đội khách Thanh Hóa. Đội khách phải nán lại trong sân, chờ lực lượng an ninh hỗ trợ để trở về an toàn. Thậm chí, sau trận đấu, các CĐV Bình Định còn đến trước khách sạn CLB Thanh Hóa đang ở để bày tỏ sự phản đối. Nhiều khả năng BTC sân Quy Nhơn khó thoát án phạt nguội từ VPF.
2. Những hình ảnh "xấu xí" như thế đã nói lên điều gì? Đó là các hành vi không đẹp, vẫn khuất lấp đâu đó, chờ dịp sẽ bùng phát. Bạo lực sân cỏ, tranh cãi trọng tài, biểu hiện các dạng thức tiêu cực… phải được đoạn tuyệt từ ý thức.
Làm sao đừng để các vấn nạn trên trở thành "đặc sản" V-League như điều tiếng trước đây. Bản thân VPF cũng cần chủ động mọi phương án ứng biến và nâng tầm công tác tổ chức, điều hành. Chúng ta luôn kỳ vọng hình ảnh sân cỏ nước nhà phải được cải thiện theo chiều hướng tốt lên. Muốn thế, tất cả phải hành xử một cách chuyên nghiệp.
Phải ghi nhận, thời gian qua VFF, VPF đã có nhiều nỗ lực đưa bóng đá nước nhà tiến lên chuyên nghiệp đúng như danh xưng của nó. Có thể kể ra các động thái như tiến hành cải cách lịch thi đấu theo đúng mô hình của giải châu Âu.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, VFF vẫn đầu tư số tiền rất lớn để mang công nghệ VAR về nước. Cho dù buổi ban sơ vận hành VAR chưa trơn tru là điều khó tránh khỏi nhưng không thể phủ nhận VAR đang giúp giải đấu nâng cao tính minh bạch, công bằng.
Tuy nhiên, điều người hâm mộ mong mỏi là tất cả những bộ phận đang tham gia hoạt động bóng đá chuyên nghiệp phải thực sự thay đổi từ nhận thức.
VFF và VPF phải chứng minh được đang có sự chuyển đổi tích cực về năng lực tổ chức, điều hành giải chuyên nghiệp, Về phía các CLB, những hành xử trên sân cỏ phải tuân thủ điều lệ và quy chế bóng đá chuyên nghiệp.
Mong sao, tất cả những người đang tham gia hoạt động bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam thực sự chung tay để giúp sân cỏ nước nhà ngày càng "xanh - sạch - đẹp".
XEM THÔNG TIN BÓNG ĐÁ VIỆT TẠI ĐÂY
Tags