'Tranh thủ quãng thời gian V-League 2023 tạm nghỉ, Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) tổ chức lớp đào tạo trọng tài công nghệ VAR. Dù chưa biết thời điểm chính thức để bóng đá nước nhà chính thức sử dụng công nghệ này nhưng đấy cũng là tín hiệu đáng phấn khởi.
Từ ngày 20/2 đến 6/3, 18 trọng tài, trợ lý trọng tài được tập trung để làm quen và ứng dụng công nghệ VAR mức độ 1 dưới sự hướng dẫn trực tuyến của giảng viên FIFA là ông Hakan Anaz cùng giảng viên trọng tài Việt Nam. Đây được coi là khóa học VAR đầu tiên của trọng tài Việt Nam.
Trong 18 "học viên", có 4 trọng tài FIFA, 12 trọng tài quốc gia và 2 trợ lý FIFA. Đội ngũ trọng tài sẽ được làm quen với thiết bị, phân tích video trong bộ 75 tình huống mà FIFA cung cấp. Theo dự kiến, thời gian tới, các bước ứng dụng công nghệ VAR tiếp theo ở mức độ 2 sẽ được triển khai. Tháng 5 hoặc 6/2023 sẽ đào tạo tại các trận đấu không chính thức.
Ông Trần Anh Tú, Phó Chủ tịch VFF và đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty VPF, khẳng định: "Việc tập huấn VAR đặc biệt quan trọng với các trọng tài, trợ lý trọng tài. Sau khóa học này, nếu như chúng ta tập huấn tốt, vượt qua bài kiểm tra của FIFA thì VAR mới có thể được áp dụng trên sân thi đấu. Sự hiện diện của VAR ở các trận đấu chuyên nghiệp là điều mà VFF, VPF và đặc biệt là Ban Trọng tài mong muốn".
Còn Trưởng ban Trọng tài VFF Đặng Thanh Hạ chia sẻ: "Trong 14 ngày, các trọng tài, trợ lý sẽ làm quen với thiết bị, phân tích video trong bộ 75 tình huống mà FIFA cung cấp. Các trọng tài sẽ thực hành phân tích dựa trên công nghệ video. Đối với thực tế các trận đấu, ngoài 4 trọng tài trên sân thì trong phòng VAR, chúng ta cần có 1 trọng tài, 1 trợ lý VAR và 1 kỹ thuật".
Có thể thấy rằng khó khăn lớn nhất của việc áp dụng công nghệ video hỗ trợ trọng tài nằm ở khâu đào tạo trọng tài VAR. Đây là công việc tốn nhiều thời gian và công sức để có được đội ngũ nhân lực đạt chuẩn như yêu cầu từ phía FIFA. Thêm một tiêu chí cần được nhấn mạnh là phải có được sự chấp thuận của FIFA về mặt công nghệ, bản quyền thì V-League mới có thể ứng dụng VAR.
Cùng với đó, bóng đá Việt Nam cần bảo đảm có được số lượng lớn trọng tài được đi học chuyên sâu, thì mới được FIFA đồng ý áp dụng VAR. Tuy vậy, không phải cứ học là đạt yêu cầu đề ra, bởi ở khu vực Ðông Nam Á, số trọng tài đạt tiêu chuẩn của FIFA để điều hành phòng VAR rất hiếm.
Việc đào tạo trọng tài VAR không đơn giản, phải trải qua nhiều công đoạn và chúng ta cần phải tìm cách để thích ứng càng nhanh càng tốt.
Rất nhiều sai sót của đội ngũ trọng tài diễn ra suốt nhiều mùa giải đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh, chất lượng của V-League. Nhiều tranh cãi và cả hệ lụy đã xảy ra, mặc dù giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam đã chuyên nghiệp hóa và nỗ lực vươn tầm từng ngày.
Cho dù việc đào tạo trọng tài VAR sẽ mất nhiều thời gian và công sức, nhưng nỗ lực xúc tiến và triển khai từng bước mạnh mẽ trong thời gần đây của VPF có thể được xem như một biến chuyển lớn, tích cực của bóng đá Việt Nam. Mục đích không chỉ khác hơn nhằm đem đến những trận cầu chất lượng, minh bạch hơn cho V-League
Rõ ràng, V-League đang ngóng VAR hơn lúc hết. Quan trọng hơn, công nghệ VAR có sớm được áp dụng từ mùa giải 2023/2024 hay không phụ thuộc vào kết quả của lớp học này. Các học viên sẽ trải qua những đợt kiểm tra rất khắt khe của FIFA. Chỉ khi được FIFA cấp giấy chứng nhận thì VAR mới có thể xuất hiện tại V-League. Vì thế, mong cả 18 "thí sinh" sẽ "tốt nghiệp" ở khóa học VAR đầu tiên.
Tựu trung lại, khi VAR được áp dụng tại V-League là bước ngoặt về kỹ thuật cũng đồng nghĩa với việc tự thân trọng tài "nâng cấp" bản thân, lúc đó VAR mới phát huy hết giá trị. Cũng cần lưu ý, VAR không thể thay thế con người bởi cốt lõi nhất vẫn nằm ở sự chuyên nghiệp, cái tâm trong sáng và sự nghiêm minh của trọng tài.