Trong cùng một vòng đấu, có 2 sự cố khá căng thẳng đều đến từ sức nóng của trận đấu. Tại Thiên Trường, HLV Gong Oh Kyun không giữ nổi bình tĩnh sau pha va chạm với cầu thủ Trần Văn Kiên, còn tại Qui Nhơn, chiến thắng của đội khách được "chào đón" bằng màn bao vây của CĐV đội chủ nhà quá khích.
V-League thì không thiếu bạo lực, mặc dù tần suất và mức độ đã giảm khá nhiều trong những mùa gần đây. Vì vậy mà khi có đến 2 sự vụ diễn ra trong cùng một ngày thì rất đáng quan tâm.
Trước mắt, nó phản ảnh khía cạnh tích cực, đó là sức nóng của các trận đấu. Việc này cũng không khó hiểu. Sự thống trị của Hà Nội FC suốt một thời gian dài dường như "bóp chết" sức cạnh tranh của nhiều đội bóng, đến mức như bầu Đức từng phát biểu là "có cố gắng cũng chẳng để làm gì". Nghĩa là việc Hà Nội FC quá nổi trội đã khiến ngay cái tham vọng vô địch cũng tan biến ngay trong suy nghĩ.
Nhưng sau chức vô địch mùa trước của CAHN cùng một trạng thái dễ đổ vỡ của Hà Nội FC hiện thời đã khơi thông được động lực của nhiều đội bóng. Những lời đồn đoán về liên minh về các đội bóng "nhà bầu Hiển" không còn xuất hiện. Trong khi đó, kiểu mua cầu thủ giỏi để vô địch lại không khó để học theo. Tự dưng, các đội bóng sẽ cảm thấy mình có cơ hội để lần đầu tiên vô địch và mức độ quyết liệt trong từng trận đấu cũng tăng lên.
Tiêu biểu nhất chính là trường hợp của Thép Xanh Nam Định. Mới 5-7 mùa trước, họ còn chẳng biết mình có đủ sức trụ hạng hay không, nhưng giờ thì lại đang đầu bảng và chắc chắn là không thể không mơ đến chức vô địch đầu tiên kể từ sau thời còn mang tên Công nghiệp Hà Nam Ninh.
Hay như Bình Định. Họ từng rất tham vọng sau khi thăng hạng nhưng lúc mà họ ồ ạt đầu tư thì lại tới vào thời điểm mà Hà Nội FC vẫn đang mạnh, lại có thêm Viettel và CAHN, nên cũng có dấu hiệu nản lòng.
Nhưng rồi, cơ hội "làm chuyện lớn" lại đến và họ "máu" vô địch. Trận đối đầu với Thanh Hóa trên sân Qui Nhơn tại vòng 5 vừa qua chính là một trong những trận đấu mang ý nghĩa "6 điểm" của Bình Định mùa này. Thua trận, tức giận, phẫn nộ và sau đó là quá khích.
Cái sự nóng lên này của V-League hẳn nhiên có lợi cho chất lượng của giải đấu. Có thể đây sẽ là mùa giải đánh dấu sự ra đời của một nhóm các ứng cử viên vô địch cho giai đoạn kế tiếp. V-League vốn dĩ buồn tẻ trong 5 năm trở lại đây.
Ở giai đoạn 2010-2017, khi Bình Dương, SHB Đà Nẵng, FLC Thanh Hóa luôn cùng Hà Nội T&T tạo ra sự cạnh tranh hấp dẫn, nhưng sau đó, các đội kia gần như bỏ cuộc để đội của bầu Hiển "độc diễn". Dù sau đó, có Viettel hay TP.HCM, Hải Phòng nhưng họ không có tính ổn định. Năm này đội này mạnh thì đội kia yếu, không tạo được các cuộc đua đông đảo với nhiều "trận đấu 6 điểm" trong một mùa.
Tính đến thời điểm này, cùng với sự sa sút của Hà Nội FC, thì đang hình thành được nhóm ít nhất 5 đội có thể tạo ra cho mỗi vòng đấu ít nhất 1-2 trận cầu đinh theo kiểu của bóng đá Ngoại hạng Anh, mà cụ thể là 2 trận đấu "nóng" tại vòng 5 vừa xảy ra..
HLV Gong Oh Kyun đã "nhảy vào lửa" tại V-League được 2 trận và cả 2 đều đã "đốt nóng" ông thầy Hàn. Hành động của HLV có gương mặt khá hiền này trên sân Thiên Trường phần nào cho thấy được tính chất khốc liệt của V-League vốn bị coi không hợp với các HLV nước ngoài. Mà đây chỉ mới là 5 vòng đấu đầu tiên, mọi sự phức tạp cũng chỉ ở mức độ vừa phải. Nhưng hãy nhớ, đã có những dấu hiệu về chuyện "bỏ giải", hành hung, trọng tài… xuất hiện.
Cuối cùng, chính là thách thức đặt ra cho các nhà tổ chức. Sự yên ả của V-League sắp kết thúc, mức độ hấp dẫn có thể tăng lên nhưng với những người mà suốt nhiều năm qua đã "sống" trong khoảng thời gian tương đối an toàn thì các biến cố vừa xảy ra sẽ buộc họ phải có những biện pháp kịp thời để đưa giải về đến đích.
Tags