(Thethaovanhoa.vn) - Thu nhập tốt, môi trường dễ sống, chất lượng giải đấu không đòi hỏi quá cao về chuyên môn... tất cả những chi tiết ấy đã thành phi thực tế với nhiều trường hợp đến V-League để thử vận may.
1. Lượt đi V-League 2019 khép lại là thời điểm để đánh giá lại những gì đã diễn ra sau 13 vòng đấu. Điều khá buồn ở sân chơi này là hiếm hoi sự mới mẻ ở mặt trận ngoại binh dù so với nhiều năm, VPF đã thống nhất điều lệ nâng số ngoại binh ở mỗi CLB từ 2 lên 3 suất. Tuy nhiên, không ít CLB vẫn tiết kiệm được kha khá kinh phí cho các suất ngoại trong đội hình khi nhiều “ông Tây” thậm chí còn không nổi trội như nội binh.
Điển hình như Sài Gòn, SHB Đà Nẵng, SLNA... các CLB này đều chỉ sử dụng tối đa 2 ngoại binh mỗi trận liên tiếp nhiều vòng đấu. Điểm chung giữa họ là vẫn sống tốt mà không cần sử dụng tối đa các ngoại binh trên sân.
Việc các CLB không cần sử dụng hết suất ngoại binh trong đội hình cũng khiến giải đấu ít nhiều mất đi sự hào hứng lẫn tính cạnh tranh. Ngoài vấn đề chi phí, các CLB không dám mạo hiểm với các quyết định mới.
Mùa giải này, nhìn chung chỉ có những cái tên như Ali Rabo (B.Bình Dương), Pedro (Sài Gòn), Walsh (HAGL) có dấu ấn với môi trường mới. Chân sút đã có 4 bàn cho Thanh Hóa là Kurtaj Gramoz cũng không phải là cái tên xa lạ khi từng chơi cho SHB Đà Nẵng ở mùa 2017.
Xu hướng thay đổi ngoại binh luẩn quẩn ở môi trường V-League để đảm bảo tính an toàn là điều được các CLB ưu tiên. Thế nên mới có chuyện Patiyo, Dyachenko hay Wander Luiz năm lần bảy lượt đến chơi cho các đội bóng trên dải đất hình chữ S thay vì thất nghiệp hoặc tìm cơ hội ở quốc gia khác.
Các ngoại binh cũng nắm được “tẩy” ở môi trường bóng đá Việt Nam nên không lo ngại việc bị ép giá hay phải thay đổi nhiều về chuyên môn. Với năng lực của họ, mức lương trên dưới 100 triệu đồng/tháng cũng chấp nhận được cho cả đôi bên.
2. Việc các CLB không sử dụng hết các suất “Tây” trong đội hình ra sân cũng khiến chuyên môn bị ảnh hưởng. Đó là lý do mà V-League hiện tại có trình độ tương đồng, không có cái tên thực sự nổi trội.
Ngay cả ĐKVĐ Hà Nội lúc này cũng khốn đốn khi họ phải chia sức cùng lúc nhiều đấu trường. Việc Hà Nội bị TP.HCM đoạt luôn chức vô địch lượt đi là lời cảnh tỉnh cho thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm. Mọi thứ càng rối ren với đội bóng này khi vừa qua, Oseni gặp chấn thương nặng phải nghỉ hết mùa, mà để chọn được người thay thế chẳng hề dễ.
Cũng có tin lúc này, TP.HCM sẵn sàng thực hiện cú đột phá trên thị trường chuyển nhượng để thay thế một trong các suất ngoại binh ở CLB. HLV Chung Hae Soung muốn đội nhà tăng tốc để thực hiện cuộc lật đổ cuối mùa và nếu có một tiền đạo chất lượng, họ sẽ có thể hoàn thành mục tiêu. Vấn đề lúc này với đội bóng của ông Chung là bao nhiêu tiền để có thể sở hữu cái tên nổi bật.
Để lấy được “hàng khủng” lúc này, ngoài vấn đề tiền nong còn là chuyện tiếng tăm. Rõ ràng sau những gì đã diễn ra, để các ngoại binh chất lượng đến Việt Nam chơi bóng không phải đơn giản. Sự hoài nghi với V-League sau thời gian dài chỉ ngần ấy ngoại binh tồn tại cũng là vấn đề. Đó cũng là lý do mà các CLB nhóm cuối như S.Khánh Hòa BVN, Quảng Nam, Viettel, Hải Phòng... nóng lòng thay đổi nhưng vẫn dậm chân tại chỗ với các “ông Tây”.
Việt Hà
Tags