Vừa trở lại Night Wolf V-League 2023 đã nhanh chóng "chiếm sóng" với hàng loạt vấn đề, trong đó có đề tài "không bao giờ hết hot" là trọng tài. Chỉ có điều, lần này nó được đẩy lên một cao trào mới.
Những vấn đề về trọng tài của V-League thì không mới. Quyết định của trọng tài Trương Hồng Vũ đương nhiên là gây nhiều tranh cãi, nhưng xét ở trong hoàn cảnh không có VAR, phải quyết định bằng nhận định, và đó lại là một tình huống có lợi cho đội chủ nhà, thì chuyện đúng – sai của ông Vũ cũng phải xét trên nhiều góc độ. Cái sự lạ ở đây chính là những gì xảy ra sau đó.
Đầu tiên là HLV Võ Đình Tân bức xúc và cho rằng ông Vũ "thôi sai luật". Kế đến, Ban Trọng tài xác nhận bằng văn bản gởi cho BTC là "Trọng tài Trương Hồng Vũ không sai". Thế rồi ông Võ Đình Tân và sau đó là ông Vũ Tiến Thành, HLV của đội TP.HCM vốn không liên quan đến trận đấu ở sân Thiên Trường, tiếp tục "tố" rằng Ban Trọng tài … đã sai!?
Hiểu một cách đơn giản: Chẳng ai còn tin ai cả. Đội bị gặp bất lợi không tin trọng tài là một chuyện, đằng này kể cả khi Ban Trọng tài đã xem lại băng ghi hình để kết luận thì vẫn không tin, bao gồm cả một HLV ở một đội khác.
Điều tệ hơn là trong những nhận định, phản ứng của mình, cả HLV Võ Đình Tân lẫn Vũ Tiến Thành đều ngầm nói rằng trọng tài đang thiên vị chứ không chỉ đơn giản là lỗi nhận định. Tệ hơn cả, ông Vũ Tiến Thành còn cáo buộc có "thế lực" điều khiển trọng tài thổi có lợi hay bất lợi. Một cáo buộc có lẽ quá dễ trong bóng đá, chứ nếu ở lĩnh vực khác của xã hội, rất dễ dẫn nhau ra tòa án.
Không biết là việc dừng V-League đã gây ức chế đến mức độ nào, nhưng cái sự "náo loạn" của V-League thì quá rõ ràng. Trọng tài Trương Hồng Vũ cách đây 3 năm còn bị đề nghị treo còi vĩnh viễn sau một sai sót rất nghiêm trọng nhưng giờ đây, mọi người lại thấy ông Vũ vẫn cầm còi và vẫn... sai!?
Rồi chuyện ông Vũ Tiến Thành của CLB TP.HCM cho rằng các trọng tài thiên vị cho Hà Nội FC vì cựu Chủ tịch của họ là ông Nguyễn Quốc Hội đang có mặt trong Công ty VPF.
Về nguyên tắc, "cáo buộc" của ông Thành không đúng, vì ông Quốc Hội hiện không có quyền hành gì ở Hà Nội FC thì chuyện ông tham gia VPF trên tư cách là một trong những người có đóng góp nhiều cho bóng đá Việt Nam có gì sai? Những người như ông Hội không vào VPF hay VFF thì ai vào, trong khi đây đều là những tổ chức, pháp nhân xã hội nghề nghiệp.
Một lần nữa, không biết có phải vì V-League dừng lâu quá hay không mà chỉ trong vòng một tuần lễ ông Vũ Tiến Thành đã 2-3 lần chỉ trích hệ thống tổ chức, Công ty VPF từ Cúp quốc gia cho đến V-League, bất chấp các nhà tổ chức đã ra văn bản nhắc nhở về những phát ngôn của ông.
Không những hạn chế, ông Thành còn phê phán trực diện hơn, thể hiện sự bất tín nhiệm lớn hơn. Đội ông càng thua, ông càng nói. Thực sự là náo loạn. Có cảm giác ông Thành đang 'bất chấp" chính những quy định mà đội bóng của ông cùng BTC giải đã xây dựng nên. Nói đúng hơn, trước các bức xúc và những phát ngôn như vậy, rất cần có những ý kiến công khai từ VFF và VPF để tránh tình trạng mất kiểm soát.
Nếu chúng ta quan sát các kết quả thi đấu của V-League ở đợt trận trở lại vừa qua, thì có thể hình dung được mức độ phức tạp sắp đến của giải đấu này. Không nằm ngoài dự báo, các "ngựa ô" Bình Định, Nam Định và tân binh "siêu hot" CAHN đều mất điểm trên sân nhà trong bối cảnh mà nhà vô địch Hà Nội FC một lần nữa chứng minh cái gọi là "Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến".
Chắc chắn là đợt nghỉ vừa qua tác động rất mạnh đến V-League. Nhìn cách các đội chơi bóng, giống như họ vừa xóa đi – làm lại vậy. Ví dụ như trường hợp của HAGL, chỉ với sự xuất sắc của Nguyễn Quốc Việt, tiền đạo đầy triển vọng, một phiên bản của Trần Minh Chiến trong cách xử lý vùng cấm , thì HAGL đã tạo ra được một trong những cú sốc của vòng đấu.
Hồi năm 2021, cũng từ chiến thắng 3-0 trên sân Hàng Đẫy trước Viettel ở vòng 5 mà đoàn quân Kiatisuk đi một mạch đến ngôi đầu trước khi "định mệnh" buộc họ phải dừng lại vì mùa bóng phải hủy bỏ. Không biết có sự trùng hợp nào không, nhưng thực tế thì một đội bóng có nhiều xáo trộn về nhân sự như HAGL thì luôn thích các quãng nghỉ đột ngột như vừa qua.