Trận đấu thứ 8 ở V-League, chân sút số 1 của đội tuyển quốc gia Nguyễn Tiến Linh phải ngồi ghế dự bị và đấy đã là trận thứ 8 anh không thể tìm được bàn thắng. Trong danh sách vua phá lưới tính đến thời điểm này, có 16 cầu thủ đã ghi được trên 3 bàn và hết 14 người là cầu thủ ngoại.
Ngôi sao tấn công nội địa duy nhất xuất hiện trong bản danh sách ấy chính là Nguyễn Văn Quyết, cầu thủ ghi bàn nhiều nhất của nhà vô địch Hà Nội FC. Nội binh còn lại, vốn dĩ là tiền vệ Châu Ngọc Quang. Như vậy, chỉ tính riêng 14 ngoại binh này đã ghi đến 54 bàn thắng trong tổng số 142 bàn của V-League tính đến thời điểm này (chưa tính trận Hà Nội FC - SHB Đà Nẵng).
Văn Quyết sẽ bị treo giò 8 trận, đồng nghĩa là anh không có nhiều cơ hội để nâng cao số bàn thắng của mình, cũng có nghĩa là các cầu thủ ngoại càng xâm chiếm danh sách ghi bàn mùa này. Nhưng đó chưa phải là điều đáng nói.
Cái chính là trong nhóm cầu thủ ghi 2 bàn trở lên sau 8 vòng đấu, chỉ có duy nhất Văn Quyết là tiền đạo nội binh. Trong khi đó, một tiền đạo khác của đội tuyển quốc gia là Phạm Tuấn Hải hiện mới chỉ có 1 bàn, hiệu suất chẳng khác gì Tiến Linh cả nếu chúng ta tính đến việc Hải đang chơi trong đội bóng tấn công nhiều nhất (Hà Nội FC).
Thêm một dữ liệu khác: Đội đầu bảng Thanh Hóa hiện có hiệu suất ghi bàn tốt với 15 bàn, chỉ sau Công an Hà Nội (19 bàn) nhưng có đến 9 bàn của đội bóng xứ Thanh thuộc vệ các chân sút ngoại. Đây là con số phản ánh đúng bản chất của V-League, khi các đội bóng muốn có thành tích nổi bật thì buộc ngoại binh của họ phải biết ghi bàn.
Thép Xanh Nam Định là ví dụ ngược lại, họ có lực lượng và tham vọng tốt nhưng hiện đang chỉ đứng hạng 5 với 7 bàn thắng. Lý do đơn giản là 3 ngoại binh của họ hiện chỉ có 4 bàn thắng. Yếu tố này mà kém, thì thành tích khó mà tốt.
Chuyện ngoại binh nổi trội ở một giải bóng đá chuyên nghiệp vốn là điều bình thường, ở đâu cũng vậy cả. Vấn đề là không nên lấy đó làm lý do để nói về sự khô hạn bàn thắng của các chân sút nội, bởi thực tế đã chứng minh Nguyễn Văn Quyết hiện đang là cầu thủ đứng thứ 2 trong danh sách vua phá lưới dù anh đã 32 tuổi.
Nếu các CLB có những tiền đạo giàu kinh nghiệm, thi đấu tận tình như Văn Quyết thì liệu họ có bỏ phí trên băng ghế huấn luyện hay không? Chắn chắn là không, bởi vấn đề nằm ở chỗchất lượng tiền đạo của chúng ta không tốt. Cứ lấy trường hợp của Hà Đức Chinh thì biết.
Nguyên nhân thì nhiều và cũng đã bàn tới, bàn lui suốt bao năm qua. Giải pháp gần như duy nhất mà các nhà quản lý nghĩ đến là giảm số lượng ngoại binh khi xem đây là nguyên nhân chính. Nhưng ai cũng biết, đó không phải là giải pháp. Ít ai bàn đến chuyện nâng cao yếu tố tấn công của V-League, cải thiện khâu đào tạo đối với các vị trí ghi bàn.
Thực tế cho thấy, các cầu thủ đá tiền đạo ở Việt Nam rất ít và thiếu tố chất. Nhân tài đã hiếm, nhưng ngay cả khi họ xuất hiện thì môi trường thi đấu ở V-League lại không có chỗ cho họ phát huy khi chiến thuật phổ biến tại giải đấu số 1 Việt Nam lại nặng về phòng ngự.
Có một công thức chung để thành công tại V-League, đó là phải làm sao thua thật ít bàn. Nếu bỏ qua vòng đấu thứ 8 có số bàn thắng đột biến, thì ở 7 vòng đấu trước đó, chỉ có trung bình 2,43 bàn/trận và con số này luôn có xu hướng giảm đi khi về cuối giải, tính chất căng thẳng càng tăng.
Lấy ví dụ ở mùa 2020, khi Viettel vô địch, họ chỉ ghi có 8 bàn thắng và thủng lưới có 4 bàn ở 7 trận đấu tại giai đoạn 2 trong khi đã ghi đến 21 bàn và thủng lưới đến 12 bàn ở 13 vòng đấu giai đoạn 1. Rồi Hải Phòng mùa trước, kém Hà Nội FC trong cuộc đua vô địch không phải vì ghi bàn kém mà vì để thủng lưới quá nhiều với 26 bàn thua sau 24 vòng đấu, trong khi con số này của đối thủ chỉ là 21.
Thật khó tưởng tượng từ nay đến cuối mùa, danh sách 20 cầu thủ có bàn thắng nhiều nhất V-League chỉ toàn là ngoại binh. Khi đó, thật không biết là HLV PhilippeTroussier phải vắt óc ra sao để nghĩ đến chuyện đánh bại các đối thủ…
Tags