V-League và chuyện từ tốt đến tốt hơn

Thứ Sáu, 16/02/2024 05:26 GMT+7

Google News

Không cần đến những trăn trở, đòi hỏi, và cả hối thúc của HLV Philippe Troussier thì phần lớn chúng ta đều biết để có một đội tuyển quốc gia mạnh thì cái "xương sống" của nền bóng đá, tức giải VĐQG, phải có chất lượng. Nhưng từ lý thuyết đó cho đến thực tế, lại là câu chuyện tương đối phức tạp.

1. Với bất kỳ ai từng theo dõi V-League trong khoảng 20 năm gần nhất hẳn sẽ đồng ý là giải đấu này đã phát triển đến một trạng thái có thể xem là tốt nhất có thể của chính giải đấu này. Đơn cử như việc từ 10 CLB ở những mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên, nay ổn định ở con số 14. Hơn 20 năm mà chỉ tăng thêm 4 CLB cho một giải vô địch quốc gia đương nhiên là không nhiều, nhưng thực tế thì đó đã là con số tối đa có thể có khi mà giải đấu cấp thấp – giải hạng Nhất – suốt chừng đó thời gian cũng chẳng bao giờ vượt qua 14 đội. Dưới mà không tăng, trên cũng không thể gượng ép mà tăng lên

Đó là một khía cạnh hoàn toàn "kỹ thuật", và nói ra như vậy cũng để thấy rằng việc đưa ra các đòi hỏi cho V-League thì ai cũng có thể, rất đơn giản,  nhưng liệu điều đó có "quá sức" đối với giải đấu này hay không? Hay nói đúng hơn, đặt trong trường hợp sự phát triển của V-League đã đạt đến giới hạn của chính nó, thì phải làm thế nào?

Không phải tự nhiên mà V-League đang xuất hiện một số xu hướng của gần 2 thập niên trước. Chức vô địch của CAHN trong năm 2023 gần như là phiên bản của HAGL hồi 2003. Hoặc cách chia sẻ quyền sở hữu của HAGL cho đối tác LPBank cùng cái tên quen thuộc "bầu" Thụy, ít nhiều cũng khiến chúng ta nhớ đến những trường hợp "mua suất – đổi phiên hiệu" trước đây của Navibank Sài Gòn hoặc Sài Gòn Xuân Thành.

Khi người ta trở lại với cách làm cũ, đôi khi vì chẳng có hoặc chưa tìm thấy cách làm nào mới đem lại hiệu quả cao hơn. Đó cũng là dấu hiệu cho thấy V-League đạt đến giới hạn, đặc biệt là cấu trúc hệ thống của nó.

Và đó chính là vấn đề. Như trong trường hợp chúng ta mong muốn V-League sử dụng nhiều cầu thủ trẻ hơn, nhưng vì số lượng CLB vẫn chỉ có 14, giải hạng Nhất còn ít hơn, thì làm sao có chỗ cho cầu thủ trẻ? Đây là việc thuần túy cung – cầu. Không thể đào tạo hoặc sử dụng cầu thủ trẻ ồ ạt khi "cầu" không có. Chúng ta lấy ví dụ như trường hợp của CAHN, họ vừa thăng hạng đã thay gần hết đội hình bằng những cầu thủ đã thành danh, bảo đảm chất lượng.

Điều này có nghĩa họ đang "rút ruột" nhiều CLB khác, nhưng thực tế thì những đội bị mất người cũng chẳng ảnh hưởng gì nhiều. Tiêu biểu như Hà Nội FC dù có kha khá cầu thủ phải chuyển sang đối thủ cùng thành phố, nhưng vẫn đua tranh chức vô địch một cách mãnh liệt đấy thôi. Có nghĩa là chúng ta đang dư cầu thủ cho số lượng CLB chuyên nghiệp hiện tại, vậy thì làm gì có chỗ cho cầu thủ trẻ?!

2. Thất bại của đội tuyển Việt Nam tại Asian Cup 2023 càng để lộ ra độ vênh giữa V-League và đội tuyển. Có vẻ như HLV Troussier đang muốn tạo ra đội bóng của riêng ông, từ con người cho đến lối chơi. Mặc dù nhà cầm quân người Pháp vẫn còn 2 trận đấu ở vòng loại World Cup 2026 vào tháng 3 tới để chứng minh sự đúng đắn của mình, thì thực tế vẫn là không ổn.

V-League và chuyện từ tốt đến tốt hơn - Ảnh 1.

Sự khác biệt khá lớn giữa lối chơi chung của các CLB V-League với triết lý kiểm soát bóng của HLV Troussier ở ĐTQG là một trong những nguyên nhân dẫn tới thất bại ở Asian Cup 2023. Ảnh: Hoàng Linh

V-League được xem là đang giàu tính cạnh tranh hơn, có nhiều đội bóng tham gia vào cuộc đua vô địch hơn, điều đó về lý thuyết sẽ đem lại cho giải đấu chất lượng cao, sản sinh nhiều cầu thủ giỏi.

Thế nhưng, thực tế lại không quá rõ ràng. Chỉ số sức mạnh theo đánh giá cập nhật hàng tuần từ hãng thống kê Opta cho thấy V-League còn kém các giải VĐQG của Thái Lan, Indonesia hay thậm chí cả Malaysia.

Các đội bóng Việt Nam khi dự các Cúp châu Á cũng chưa tạo được dấu ấn ngoài màn trình diễn có những thời khắc thăng hoa của Hà Nội FC tại AFC Champions League vừa qua. Còn ở Asian Cup 2023, một trong những nguyên nhân thất  bại đến từ kỹ năng chơi bóng thiếu đẳng cấp của cầu thủ, những người đa phần thời gian tôi luyện trong môi trường V-League.

Trong cuốn sách "Từ tốt đến vĩ đại", tác giả Jim Collins có mở đầu: "Tốt là kẻ thù của vĩ đại", đại ý, người ta có thể không thể vĩ đại  bởi vì… đang quá tốt. Trạng thái của V-League hiện thời, thì không hẳn là đã tốt, nhưng vì dường như giải đấu này đã đạt đến cái ngưỡng cao nhất, giờ muốn tốt hơn cũng khó. Thế là người ta có xu hướng chấp nhận mọi thứ cứ bình bình như vậy. Muốn tốt hơn, lại phải cần một cú twist nào đó như trong điện ảnh.

3. Cuối tuần này V-League mùa 2023/2024 trở lại sau kỳ nghỉ dài vì Asian Cup và Tết Nguyên đán, với 2 cuộc đua vô địch lẫn trụ hạng đều rộng mở, hứa hẹn sự hấp dẫn, kịch tính trong giai đoạn kế tiếp.  Thế nhưng, từ những gì đang diễn ra trên đội tuyển, chúng ta sẽ chờ đợi gì từ giải đấu này?

Vấn đề cầu thủ trẻ, gần như là không thể. Như đã phân tích phía trên, các CLB có muốn dùng trẻ cũng rất khó, miễn cưỡng dùng thì không hiệu quả. Thế nên hy vọng nhiều nhất vẫn là khả năng thay đổi mục tiêu thi đấu cũng như cách chơi bóng. Nghĩa là V-League cần có sự cởi mở hơn trong cách tiếp cận trận đấu, ưu tiên lối chơi kiểm soát bóng, nặng tính cống hiến để giúp các cầu thủ phát huy năng lực tấn công và tạo ra những trận đấu có thể thu hút nhiều khán giả đến sân hơn so với mức trung bình chỉ 6.000 người/trận hiện nay.

Sau 8 vòng đấu, chỉ có 7 đội xếp đầu bảng là có hiệu số dương, tức là ghi nhiều bàn hơn là thua bàn. Nhưng hiệu số tương đối thấp, ngoài đội đầu bảng Nam Định +10, thì phần lớn chỉ từ +2 đến +6. Con số này phản ánh lượng bàn thắng của V-League không nhiều, kể cả các đội đang đua vô địch. Ngoài Nam Định đang có trung bình gần 3 bàn thắng/trận, thì những đội nằm trong nhóm đầu đều dưới mức 2 bàn/trận.

Trong số 14 CLB, có đến 9 đội bóng ghi từ 10 bàn trở xuống sau 8 vòng đấu. Đây là con số  đáng gọi là "thảm họa" cho một giải bóng đá có tính cống hiến, đồng thời cũng báo động cho nhu cầu về tuyển thủ quốc gia trên mặt trận tấn công.

Nói cách khác, V-League vẫn không có nhiều thay đổi về tư tưởng chơi bóng, vẫn đặt nặng yếu tố thực dụng. Có thể lấy con số tối đa 14 bàn thủng lưới của 4 đội bóng đang xếp từ dưới lên để chứng minh điều này. Đá 8 trận mà mới để thua 14 bàn, về khía cạnh phòng ngự là quá xuất sắc, nhưng việc họ đứng cuối bảng cho thấy họ đều ở trong cuộc khủng hoảng về tấn công và ghi bàn.

Giờ hãy đặt ngược vấn đề: Với một hiện trạng như vậy tại V-League, thì công cuộc xây dựng lối chơi kiểm soát bóng và tấn công đa vị trí của HLV Troussier trên đội tuyển sẽ đi về đâu? Phải chăng, đã đến lúc suy nghĩ nghiêm túc về cái gọi là bản sắc chiến thuật của bóng đá Việt Nam để tìm được sự tương đồng giữa V-League và đội tuyển?

Theo thông tin từ báo giới, HLV Philippe Troussier dự kiến sẽ trở về Việt Nam vào ngày 23/2. Như vậy, ông sẽ không kịp để dự khán các trận đấu thuộc vòng 9 V.League 2023-2024 dự kiến diễn ra vào các ngày 17 và 18/2. Thay vào đó, chiến lược gia người Pháp có thể sẽ đến sân Hàng Đẫy để theo dõi trận đấu giữa Hà Nội FC và CLB TP.HCM thuộc vòng 10 V.League diễn ra vào ngày 24/2.

Sau đó hơn nửa tháng, HLV Philippe Troussier cũng sẽ công bố danh sách sơ bộ cho đội tuyển Việt Nam nhằm chuẩn bị cho các trận đấu ở vòng loại thứ hai World Cup 2026 khu vực châu Á. Cụ thể, đội tuyển Việt Nam sẽ có 2 cuộc tái đấu với địch thủ cạnh tranh trong khu vực là Indonesia để cạnh tranh 1 tấm vé đi tiếp. Đây sẽ là cơ hội để đội tuyển Việt Nam trả món nợ cho thất bại vừa qua ở Asian Cup 2024 trước thầy trò HLV Shin Tae-yong.


Long Khang

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›