Và chúng ta lại đón một mùa Giáng sinh

Thứ Năm, 24/12/2020 06:16 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Một người bạn Italy từng sống ở Việt Nam khá nhiều năm có lần bảo tôi, anh cảm thấy không hề nhớ nhà khi đón Giáng sinh và năm mới ở Việt Nam.

Lời chúc Giáng sinh, lời chúc Noel hay ý nghĩa gửi tới mọi người

Lời chúc Giáng sinh, lời chúc Noel hay ý nghĩa gửi tới mọi người

Lời chúc Giáng sinh là món quà tinh thần gửi đến người thân, bạn bè không thể thiếu trong Ngày Giáng sinh.

“Khi ở Italy, tôi chỉ đón Giáng sinh cùng người nhà và đón năm mới với bạn bè” - anh nói - “Còn đến Việt Nam sống và làm việc, tôi đón Giáng sinh và năm mới cùng gia đình và những người bạn Việt Nam”.

Hoá ra, khi sang Việt Nam, thế giới của anh rộng mở hơn, những người bạn cũng nhiều hơn và những bữa ăn trong dịp đón Giáng sinh của họ không chỉ có gia đình.

Đấy là một sự thay đổi lớn trong cách nghĩ, cách sống của một người Ý, một dân tộc rất trọng yếu tố gia đình và tính truyền thống.

Giáng sinh, Và chúng ta lại đón một mùa Giáng sinh, Lễ Giáng sinh, Lễ Noel, lời chúc giáng sinh, lời chúc noel, chúc mừng giáng sinh, chúc mừng noel

Điều gì đã khiến anh có cảm giác ấy? Anh trả lời, bởi người Việt rất cởi mở, và họ đã coi Giáng sinh như một ngày lễ lớn quan trọng của đời sống cá nhân và cộng đồng, kể cả đa số những người không theo đạo. Chính sự cởi mở với những luồng văn hóa không thuộc bản địa ấy đã khiến cho nhiều người nước ngoài như anh cảm thấy rất thoải mái và vui vẻ trong cuộc sống trên mảnh đất chữ S này.

Anh nói đúng, Giáng sinh đã trở thành một phần quan trọng của cuộc sống người Việt trong khoảng 2 thập kỉ trở lại đây, với những cây thông Noel lớn được dựng lên trước các trung tâm thương mại, những cây thông Noel nhỏ được trang trí trong các căn hộ. Và càng đến gần Giáng sinh, những thanh niên mặc quần áo đỏ và đeo râu trắng của Santa Claus (họ trẻ trung và gày gò hơn nhiều những ông già ấy) được các bậc cha mẹ thuê vác quà đến tận nhà trao cho con cái mình.

Những đêm Giáng sinh, các nhà thờ lớn luôn chật kín người. Đa phần là những người trẻ và không phải ai trong số đó cũng hiểu rõ tại sao lại gọi là Giáng sinh và máng cỏ, rồi cây thông Noel là biểu tượng cho cái gì... Họ thích đi chơi, họ thích vui vẻ, họ thích hòa mình vào với nhịp sống của một thế giới mới mẻ nay đã mở cửa cho Việt Nam bước vào cả về kinh tế, văn hóa và lối sống - khi chính Việt Nam cũng mở cửa cho thế giới.

Chính tôi, rất nhiều năm về trước, trong một sự tò mò khó tả, đã theo một vài người bạn đến Nhà thờ lớn Hà Nội trong đêm Giáng sinh. Trời lạnh căm căm, nhưng đứng phía ngoài nhà thờ, phía sau rất nhiều bạn trẻ khác, tôi nghển cổ vào trong xem lễ, cảm thấy rất thú vị và ấm áp. Lễ tan, chúng tôi không về nhà ngay mà đi lang thang một vòng quanh Bờ Hồ, tin rằng năm mới sắp tới sẽ thật tuyệt vời.

Năm năm tháng tháng qua đi, rồi những lễ chào năm mới dương lịch trở thành một hoạt động quen trong thuộc ngày cuối cùng của năm. Dần dần, người ta bắt đầu quen rằng, ngoài cái Tết Nguyên đán, còn một cái Tết khác để hòa mình cùng dòng chảy của thế giới: Tết Dương lịch.

Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang sống cùng một thế giới không chỉ có Giáng sinh, đón năm mới Dương lịch hay lễ Tình nhân Valentine mà còn có Black Friday, có những lễ hội mua sắm nhân ngày độc thân, và không thiếu những đợt khuyến mại mà một người bạn thích shopping của tôi khẳng định là “như Tây”. Cái không khí náo nức và háo hức ấy đã đồng hành cùng với không ít người, nhất là người trẻ, trong những năm qua.

Và nói theo ngôn ngữ của những người hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ, là chúng ta trở thành những đối tượng của các chính sách kích cầu. Không phủ nhận điều ấy, nhưng rõ ràng, cuộc sống của chúng ta đã trở nên sôi động hơn, nhiều sự kiện hơn, nhiều cuộc vui hơn và chúng ta cảm thấy mình không lạc lõng trong một thế giới mở.

Và bây giờ, một mùa Giáng sinh đã về…

Anh Ngọc

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›