(Thethaovanhoa.vn) – Xung quanh chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung về việc xem xét loại bỏ loa phường nếu không còn phù hợp, PV báo Thể thao & Văn hóa đã có trao đổi với một số chuyên gia...
Nhà "Hà Nội học" Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ: “Loa phường có sau khi giải phóng thủ đô (1954). Lúc đó đài truyền thanh được thành lập và đã mắc rất nhiều loa. Thời bấy giờ loa có tác dụng rất tốt, ngoài các tin tức thời sự thì còn thông báo những thứ rất cần thiết cho người dân như tem phiếu thế nào gạo mua ra sao… Loa phường không chỉ cung cấp tin tức, còn thông báo các chế độ chính sách với người dân và giải trí”.
"Phải thừa nhận rằng, rất nhiều ca khúc mà những người như chúng tôi bây giờ thuộc đều thông qua hệ thống loa này. Ngoài ra, trong những năm chiến tranh, loa còn thêm nhiệm vụ báo động", ông Tiến nhấn mạnh.
“Tuy nhiên, hơn chục năm trở lại đây, nhiều người phàn nàn rằng loa phường không còn phù hợp nhất là những gia đình có người cao tuổi hoặc cháu bé vì công suất loa rất lớn. Về phía cá nhân tôi thì thấy loa phường không còn tác dụng nhiều bởi hiện tại các phương tiện truyền thông rất nhiều, người dân có thể cập nhật thông tin bằng nhiều hình thức khác "nhẹ nhàng" hơn thay vì phải nghe tiếng loa công suất lớn", ông Tiến chia sẻ quan điểm.
Chính vì thế, theo nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến "Nên bỏ loa phường trong nội đô, khu đông dân. Còn ở những xã ngoại thành thì loa vẫn còn tác dụng như thông báo chính sách, họp dân cư hay phục vụ nông nghiệp… thì chưa nên bỏ"
Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến "Nên bỏ loa phường trong nội đô"
"Vai trò lịch sử của loa phường đã hoàn thành nhưng cũng không nên "khai tử" hết. Tùy từng vùng, nơi mà truyền thông chưa phổ biến thì vẫn nên giữ. Còn ở đô thị, nơi trình độ dân trí, kinh tế xã hội phát triển thì cũng nên bỏ", TS Bình nói.
An Như
Tags