(Thethaovanhoa.vn) - Pep Guardiola đang sao chép phiên bản Barcelona ở thành phố Manchester của xứ sở sương mù đầy ấn tượng. Nhưng những người hoài niệm thời hoàng kim của ông ở Camp Nou lại tận hưởng một Barca khác với Ernesto Valverde theo một cách khác tích cực không kém.
- 'Kinh điển' lượt về Barcelona - Real Madrid có nguy cơ trở thành trận đấu vô thưởng vô phạt
- Vấn đề của Barca: Những kẻ bị bỏ lại ở Camp Nou
- Barca vô địch với kỷ lục bất bại, tại sao không!
Lúc đầu, HLV người Extremadura rõ ràng là theo trường phái Johan Cruyff, là một Pep Guardiola khác của đội bóng xứ Catalunya, vì ông đã được tưới tắm và nuôi dưỡng dưới bầu không khí bóng đá, những ý tưởng chiến thuật của cố huyền thoại người Hà Lan từ nhiều năm trước. Và ông là lựa chọn lý tưởng hơn bất cứ ứng viên nào khác, nhưng những kết quả hiện tại nói điều ngược lại, ông là một trong những phản thể rõ ràng với triết lý Johan Cruyff.
Valverde là bản sao của chính mình
"Ernesto Valverde cũng giống Pep Guardiola trong cách tiếp cận mùa bóng đầu tiên ở La Liga", kí giả Enrique Bernalao bình luận trên Marca cách đây không lâu. Những so sánh của nhà báo này chủ yếu xoay quanh những con số mà Barca Pep và Barca Valverde đạt được sau hơn nửa mùa bóng. Ở đó, là số điểm giành được sau 25 vòng đấu, số bàn thắng ghi được, để thủng lưới bao nhiêu lần, và bao nhiêu cầu thủ ghi bàn, cũng như số lượng cầu thủ mà cả hai HLV sử dụng trong thời gian này.
Thành tích bất bại của Barcelona Valverde ở La Liga còn tốt hơn so với Pep Guardiola. Nhưng đằng sau sự đo đếm cơ học, là một khoảng cách lớn lao về ý tưởng chiến thuật, cũng như cách vận hành lối chơi của hai phiên bản Barca này.
Mùa Hè 2008, Pep Guardiola tiếp nhận hai tiền vệ hay nhất của bóng đá thế giới là Xavi và Iniesta, ông tìm kiếm thêm một gương mặt mới cho đội hình của mình từ La Masia, đó là Sergio Busquets. Sau đó, cải tổ mạnh mẽ chiến thuật chơi bóng ở Camp Nou, thay cho lối chơi dựa vào cảm hứng của Ronaldinho, Deco hay sự bùng nổ của Samuel Eto'o dưới thời Frank Rijkaard là khả năng kiểm soát bóng nhờ trí thông minh của Xavi, kĩ thuật và sự khéo léo của Iniesta, và người còn lại Sergio Busquets, làm tất cả những công việc vô hình trên sân. Dĩ nhiên, là cả vai trò lớn lao của Leo Messi với chiếc áo số 10 trên lưng.
Tiki-taka, đó là thứ mà người ta tụng xưng về Barcelona thời Pep Guardiola, đội bóng của HLV người Santpedor tạo ra tiêu chuẩn kép cho bóng đá thế giới vài năm trước, vừa đẹp mắt về yếu tố kĩ chiến thuật, vừa đạt được thành công tương xứng với lối chơi đó. Barcelona của Pep Guardiola, ở một khía cạnh nào đó, có thể coi là nô lệ của những đường chuyền, họ sẵn sàng sống chết để tạo ra hàng nghìn đường chuyền mỗi trận đấu. Hoặc thành công hoặc thất bại với nó.
Ernesto Valverde, nhận lại gia tài hỗn độn từ Luis Enrique, với sự đổ vỡ về triết lý chơi bóng, sự xuống cấp của La Masia, sự lung lạc về tinh thần sau cuộc đào tẩu bạc triệu của Neymar Jr. Những ngôi sao mà Pep Guardiola mài giũa gần 10 năm trước, hầu hết đã vượt ngưỡng về đẳng cấp và bắt đầu tìm đến sự nghỉ ngơi như Andres Iniesta, Gerard Pique, Sergio Busquets, chỉ có Leo Messi là một ngoại lệ đặc biệt, mà vẫn có thể tạo ra một phiên bản Barcelona khác lạ so với tất cả những người tiền nhiệm.
Phản triết lý Johan Cruyff
Cố huyền thoại người Hà Lan đã vạch sẵn một lộ trình chơi bóng ở Camp Nou gần 3 thập kỉ qua, với sơ đồ chiến thuật 4-3-3 và những biến thể xung quanh nó, cũng như đề cao khả năng kiểm soát bóng của hàng tiền vệ.
Nhưng với Ernesto Valverde, 4-4-2 là chìa khóa cho những kết quả đạt được trên sân cỏ thời điểm hiện tại. Ông "cấy" vào đội bóng này cái tên lạ lẫm Paulinho, ở vị trí con thoi trong hàng tiền vệ 4 người. Buộc Luis Suarez phải thích ứng với việc chơi rộng ra hai biên, khám phá Ivan Rakitic ở vị trí mỏ neo khi cần thiết. Và thật ngạc nhiên, sự thay đổi này có hiệu quả khủng khiếp.
"Đội bóng của Valverde mạnh hơn so với trước đây, ông ấy tập trung vào việc giữ cân bằng trong lối chơi, ít đẹp mắt hơn nhưng chất lượng hơn nhiều", kí giả Marcos Santos bình luận trên El Periodico.
Chất lượng chơi bóng của Barca Valverde không nằm ở những đường chuyền liên tục như thời Pep Guardiola hay dựa vào sức mạnh của bộ ba MSN thời Luis Enrique, mà nằm ở sự kiên trì và khả năng tập trung cho đến giây cuối cùng.
"Thể lực của Barca đã tốt hơn rất nhiều về cuối trận, vì đơn giản là họ chạy ít hơn một chút, đó là sự đảm bảo cho khả năng kết liễu đối thủ ở những khoảnh khắc không ngờ", nhà báo Juanmati phân tích trên Marca.
Barcelona của Valverde chơi bóng bình thường hơn tất thảy những gì đẹp đẽ trong quá khứ, nhưng kết quả trên sân cỏ, lại tốt đẹp hơn cả chờ đợi.
Nhật Minh
Tags