(Thethaovanhoa.vn) - Mấy tháng trước đây, một câu hỏi của Tạ Bích Loan trên truyền hình làm dậy sóng trên mạng xã hội. Câu hỏi thế này: “Bạn làm từ thiện với động cơ gì?” Các trang mạng ném đá tới tấp… hầu như không có ý kiến nào ủng hộ cô Loan, coi đó là câu hỏi có ý đồ xấu, khiêu khích…
- Nhà báo Tạ Bích Loan rơi nước mắt nhớ về thời bao cấp
- Nhà báo Tạ Bích Loan: Quan trọng là có giúp văn hóa tốt lên hay không?
Nghe hiểu đơn giản là làm từ thiện với mục đích giúp người khác vượt qua khó khăn chứ còn gì nữa! Đấy là ý nghĩ nhanh nhất đến với người nghe. Nhưng hình như cô Loan đặt câu hỏi của cô nhằm vào hướng khác.
Nhà báo Tạ Bích Loan phải hứng chịu 'trận mưa đá khủng khiếp' từ cộng đồng mạng. Ảnh: Internet
Có hai cách làm từ thiện:
Một là, rất cá lẻ, người làm từ thiện bớt miếng ăn cái mặc của chính mình để ủng hộ. Nhưng như thế thường quá nhỏ nhoi, chỉ như giọt mưa rơi thõng xuống biển cát mênh mông.
Hai là, đi quyên góp hoặc bán hàng bớt lại phần trăm ủng hộ, hoặc tổ chức đoàn thể này khác đứng ra vận động đóng góp, hoặc chính quyền miệng nói vận động nhưng cho người đi thu như thu tô trên đầu gia đình để “làm từ thiện” sẽ tập hợp được nhiều hơn… nhưng dễ bị nghi ngờ. Mà thực tế đã có những dẫn chứng xấu về việc biển lận tiền từ thiện hoặc chi không đúng đối tượng hoặc chi vào việc khác. Những điều kể trên chứng tỏ đây đó việc làm từ thiện bị lợi dụng vào mục đích kiếm chác.
Tôi nghĩ chắc cô Loan định hỏi theo ý này, nhưng diễn giải lập lờ, vả lại trong lúc lũ lụt hàng vạn người dân cần giúp đỡ thì nói câu nói thế thì dễ bị hiểu sai ý đồ ngay. Đó là tự phản đòn với chính mình, còn biết kêu ai.
Chữ và nghĩa thông thường thì đơn giản nhưng có lúc lại vô cùng phức tạp khi ý tứ nó lồng vào nhau rất lưỡng sinh, khó mà luận giải chuẩn xác.
Từ câu chuyện chữ nghĩa trên, liên hệ đến việc làm từ thiện nó cũng như vậy. Thành ngữ ta có câu: “Đã thương thì thương cho trót/ đã vót thì vót cho nên” làm từ thiện thì không nên lập lờ, đã ủng hộ gì thì trăm phần trăm đi, và trao thì trao tận tay. Tốt nhất là trực tiếp. Nếu không còn cách nào mà phải qua trung gian thì bên trung gian cũng cần công bố minh bạch bằng những con số cụ thể.
Từng đi làm từ thiện nhiều lần, từng môi giới cho các bên để tiến hành hợp tác với nhau, tôi nhận ra rằng đây chỉ là cách làm của thời kỳ quá độ khi kinh tế phát triển quá không đồng đều nên việc làm này chỉ là cuộc vận động xã hội, khích lệ tình tương thân tương ái đoàn kết giúp đỡ che chở nhau, chứ từ thiện chẳng thể nuôi sống nổi ai cả đời nếu họ không biết vận động để nuôi lấy thân mình, mà dễ sinh tiêu cực cho cả hai phía.
Ở đây chỉ là “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Nếu tất cả những nơi đến làm từ thiện người dân thấm thía điều đó thì việc làm từ thiện thành công. Còn nếu để người dân trông chờ như ngồi ước ở gốc sung thì từ thiện dù có rất nhiều tiền cũng thất bại. Việc này nó khó như việc giải mã câu nói: “Mục đích việc làm từ thiện của bạn là gì?”. Nào chúng ta cùng nghĩ xem điều đó đúng không?
Đỗ Đức (họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa
Tags