(Thethaovanhoa.vn) - Chính phủ Hà Lan ngày 9/2 cho biết đang thuyết phục 250 công ty nước ngoài chuyển hoạt động từ Anh sang Hà Lan trong bối cảnh Vương quốc Anh sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, vào ngày 29/3 tới.
Trong một báo cáo, Bộ Các vấn đề kinh tế cho biết trong năm 2018, Hà Lan đã thu hút 42 công ty hoặc văn phòng chi nhánh, và 1.923 việc làm chuyển từ Anh sang Hà Lan.
Trong số này có ngân hàng đầu tư Norinchukin của Nhật Bản, công ty truyền thông TVT Media, các nhà cung cấp các dịch vụ tài chính MarketAxess và Azimo, cũng như tập đoàn bảo hiểm đường biển UK P&I Club... Trong năm 2019, một số công ty như Discovery và Bloomberg cũng đã thông báo ý định đầu tư vào Hà Lan vì Brexit.
Báo cáo trên nêu rõ: "Cơ quan Đầu tư nước ngoài của Hà Lan cũng đang thảo luận với hơn 250 công ty nước ngoài đang cân nhắc mở hoạt động tại Hà Lan sau Brexit". Hầu hết các công ty này là của Anh, một số của Mỹ hoặc các nước châu Á, trong lĩnh vực tài chính, truyền thông và quảng cáo, khoa học đời sống và y tế, và hậu cần.
Các công ty đã chuyển một phần hoạt động đến Hà Lan, hoặc có ý định làm như vậy có thể kể đến như Cboe Global Markets, Tập đoàn Chứng khoán London (London Stock Exchange Group), Tradeweb, Panasonic và Mitsubishi UFJ Financial Group. Trong khi đó, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) vốn đang hoạt động tạm thời tại Amsterdam cũng dự định chuyển 900 nhân viên từ London sang Hà Lan trong năm nay.
- Liên minh châu Âu công bố báo cáo về sở hữu trí tuệ
- Liên minh châu Âu bác giải pháp quân sự tại Syria
Thời điểm Anh rời EU đang đến rất gần, tuy nhiên, hiện thỏa thuận "ly hôn" vẫn chưa được ký, đặt giới kinh doanh vào tình trạng bất trắc, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đầu tư kinh doanh. Ngay cả khi Anh "ra đi" có thỏa thuận, thì việc các công ty có trụ sở tại London cũng không còn được tự do hoạt động tại châu Âu như trước.
Bích Liên/TTXVN
Tags