Triển lãm mới đây tại Paris, Van Gogh ở Auvers-sur-Oise: Những tháng cuối cùng, với sự hỗ trợ của trí thông minh nhân tạo (AI), tập trung vào 2 tháng cuối đời của danh họa người Hà Lan Vincent van Gogh trước khi ông tự sát ở tuổi 37 vào ngày 29/7/1890.
Quãng thời gian ngắn ngủi này vừa vô cùng đau đớn lại vừa hết sức phi thường. Nó là những ngày sống cuối cùng của Van Gogh nhưng đã để lại vô số kiệt tác cho nhân loại.
Hai tháng cuối đời
Trên một cánh đồng, Vincent van Gogh đã vẽ một cách điên cuồng, uốn cong những lớp sơn dầu dày, màu vàng rực rỡ và xanh tráng lệ theo ý muốn của mình. Thành quả là kiệt tác Wheatfield With Crows (Cánh đồng lúa mì với những con quạ), bật ra khỏi toan vẽ như rượu sâm-panh tràn trề màu sắc. Các nhà sử học tin rằng danh họa Hà Lan đã vẽ nó vào ngày 8/7/1890.
Theo những gì họ biết, Van Gogh đã ra một tuyệt phẩm khác vào ngay ngày hôm sau, 9/7, với cảnh những cánh đồng lúa mì dưới đám mây sấm sét. Trong màu lục rực rỡ của bức tranh, con mắt của tâm trí có thể giúp ta tưởng tượng người họa sĩ đang làm việc điên cuồng giữa những thân cây uốn lượn.
Vào khoảng 10/7, một kiệt tác nữa của Van Gogh ra đời - bức tranh vẽ một khu vườn gọn gàng với một con mèo đang dòm ngó. Và ngày hôm sau đó, 11/7, người nghệ sĩ - có lẽ đã dậy sớm theo thói quen - dường như trở lại với cánh đồng và vẽ chúng với những bông hoa anh túc đỏ như máu dưới bầu trời xoáy xanh.
Ở tuổi 37 như đỉnh cao sức mạnh, Van Gogh đã bộc lộ tài năng thiên tài với tốc độ vẽ mỗi ngày 1 bức tranh. Nhưng chưa đầy 3 tuần sau, ông ra đi, bằng viên đạn tự tay mình bắn ra.
Một triển lãm mới ở Bảo tàng Orsay, Paris đang tập trung vào 2 tháng cuối đời trước khi ông chết. Đó quãng thời gian gắn với nghịch lý bi thảm của cuộc đời và sáng tạo. Nó cho thấy Van Gogh đang bùng cháy sáng tạo giữa lúc cuộc đời nhích dần đến thời khắc định mệnh.
Sau 1 năm ở viện tâm thần, nơi ông tự nguyện nhập viện vài tháng sau khi cắt tai trái của mình, Van Gogh tái định cư tại ngôi làng Auvers-sur-Oise, phía Bắc Paris, Pháp. Nơi đây có phong cảnh đẹp như tranh, cũng là nguồn cảm hứng cho Paul Cézanne, Camille Pissarro và nhiều nghệ sĩ khác. Và ở đó có một bác sĩ chuyên về trầm cảm, Paul Gachet, nhận Van Gogh làm bệnh nhân.
Tuân theo lời khuyên của bác sĩ, Van Gogh lao vào sáng tạo quá mức, ném mình vào công việc để không chìm trong căn bệnh tâm thần. Ông đã tạo ra số lượng kinh ngạc là 74 bức tranh, bao gồm một số kiệt tác, và hàng tá bức vẽ trong vỏn vẹn 72 ngày.
Sau khi tới Auvers vào ngày 20/5, ổn định ở quán trọ, Van Gogh lập tức bận rộn với cọ và sơn, dường như phác họa ra ít nhất 7 bức tranh những ngôi nhà, cây hạt dẻ đang nở hoa và khu vườn của bác sĩ Gachet ngay trong tuần đầu.
"Vẽ nhanh là điều quan trọng đối với ông, để nắm bắt được cảm giác, nắm bắt được tầm nhìn" - theo Emmanuel Coquery, 1 trong những giám tuyển của triển lãm - "Ông dậy rất sớm, tầm 5h sáng, uống cà phê, ra ngoài với giá vẽ, toan và cọ, sắp đặt trước chủ đề đã xác định. Ông sẽ vẽ cả sáng rồi quay về làm việc trong xưởng vào buổi chiều. Ông dành cả ngày để vẽ, có lẽ là 12 giờ mỗi ngày".
Triển lãm Van Gogh ở Auvers-sur-Oise: Những tháng cuối cùng sẽ mở cửa cho công chúng từ 3/10/2023 tới 4/2/2024 tại Bảo tàng Orsay, Paris, Pháp.
Trải nghiệm mới lạ
Để tổ chức triển lãm Van Gogh ở Auvers-sur-Oise: Những tháng cuối cùng, bảo tàng Orsay, nơi tự hào có bộ sưu tập nghệ thuật Ấn tượng và Hậu ấn tượng phong phú nhất thế giới, đã tập hợp khoảng 40 bức tranh và 20 bức vẽ của Van Gogh trong giai đoạn ngắn ngủi, bi thảm này. Phải mất 4 năm nghiên cứu và thuyết phục họmới mượn được các tác phẩm từ những bảo tàng và bộ sưu tập khác nhau, với thỏa thuận là Orsay sau này phải cho họ mượn lại các tác phẩm của mình.
Triển lãm bao gồm 11 bức tranh mà Van Gogh vẽ trên những toan dài khác thường, thử nghiệm để tạo ra hiệu ứng ấn tượng. Kích thước của chúng - dài 1 mét, cao 50 cm - mang lại cái nhìn toàn cảnh rộng khắp. Được mượn từ 8 bảo tàng và bộ sưu tập, đây là lần đầu tiên 11 bức tranh này được trưng bày cùng nhau. Một phiên bản khác của triển lãm, với 10 bức tranh dài, lần đầu được trưng bày tại Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam đầu năm nay.
Chúng bao gồm kiệt tác Wheatfield With Crows, mượn từ Amsterdam, với những con quạ như thể nghe thấy tiếng kêu báo điềm gở khi chúng cất cánh. Không kém phần thống thiết, và cũng đáng sợ, là Tree Roots (Rễ cây), một phần vì nó là tác phẩm cuối cùng của Van Gogh.
Người ta cho rằng ông đã vẽ bức họa vào ngày 27/7/1890, trước khi tự bắn vào ngực mình chiều hôm đó. Van Gogh xoay xở trở về phòng mình nhưng qua đời 2 ngày sau. Hai tác giả người Mỹ từng bày tỏ nghi ngờ về điều này vào năm 2011, nghi rằng danh họa bị 2 cậu bé bắn. Nhưng nhiều người tin hơn vào giả thuyết tự sát ban đầu.
Trong bức tranh, những rễ cây màu lam quắn quéo đang tranh giành sự chú ý với bụi cây lục rậm rạp và đám đất nâu, khiến người xem cảm thấy sự bối rối, lo lắng và đau đớn. Vào năm 2020, một nhà nghiên cứu người Hà Lan đã xác định được chính xác vị trí mà Van Gogh vẽ bức tranh, một khám phá làm sáng tỏ những giờ phút cuối cùng đầy đau khổ của người nghệ sĩ.
Giống như âm nhạc của vị thần nhạc rock Jimi Hendrix, thơ của Sylvia Plath hay những bức vẽ graffiti hoang dã của nghệ sĩ người New York JeanMichel Basquiat, triển lãm Van Gogh đặt ra câu hỏi: Sẽ có những kiệt tác nào nữa nếu Van Gogh sống lâu hơn?
Tuy nhiên, việc có thể trải nghiệm thế giới qua con mắt của Van Gogh, với màu sắc và khung cảnh sống động đến mức chúng dường như đang thở, đã là món quà bất tận. Với người xem, triển lãm là sự pha trộn giữa tiếc nuối và kinh ngạc. "Chất lượng thật tuyệt vời" - giám tuyển Conquery cảm thán - "Thật sự là màn trình diễn bùng nổ".
Ngoài các kiệt tác, triển lãm còn có trải nghiệm thực tế ảo độc đáo mang tên "Bảng màu của Van Gogh", cho phép người xem đắm chìm vào những bức tranh của Van Gogh. Chưa hết, một bản sao kỹ thuật số của Van Gogh cũng được dựng nhờ AI, trả lời những câu hỏi của người xem.
Khi được hỏi tại sao lại cắt tai trái của mình, bản sao của ông đáp rằng đó là một quan niệm sai lầm và trên thực tế, ông chỉ cắt "một phần dái tai" mình. Vậy tại sao lại tự sát? "Đây vẫn là chủ đề suy đoán của các nhà sử học và chuyên gia. Sự thật về động cơ của tôi vẫn còn là bí ẩn ngay cả với tôi. Cảm ơn các bạn đã hiểu cho những khó khăn về sức khỏe tâm thần của tôi" -bản sao nói.
Chủ tịch Orsay, Christophe Leribault, cho biết triển lãm kết hợp với AI và trải nghiệm thực tế ảo mở ra cái nhìn mới về một nghệ sĩ mà "mọi người đã biết". "Đây là một triển lãm rất khác thường và mạnh mẽ, cho thấy bất chấp những vật lộn trong 2 tháng cuối đời, ông vẫn tiếp tục thử nghiệm. Chúng ta thấy rất nhiều chủ đề cũng như sáng tạo của ông với sơn, toan và khung" - theo ông Leribault - "Thật hiếm có một nghệ sĩ để lại nhiều bản thảo như vậy, và từ đó có thể phát triển các phần mềm để Van Gogh trả lời các câu hỏi của chúng ta, dù tất nhiên đó vẫn là giả thuyết. Tất cả mang tới cho chúng ta những cách tiếp cận khác nhau về Van Gogh với tư cách một danh họa".
Thiên tài của trường phái Hậu ấn tượng
Vincent Willem Van Gogh (30/3/1853 - 29/7/1890) là họa sĩ trường phái Hậu ấn tượng người Hà Lan, là một trong những nhân vật nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất trong lịch sử nghệ thuật phương Tây.
Trong 1 thập kỷ, ông đã tạo ra khoảng 2.100 tác phẩm, bao gồm 860 bức sơn dầu, hầu hết được vẽ trong 2 năm cuối đời ông. Chúng bao gồm tranh phong cảnh, tĩnh vật, chân dung, tự họa và được đặc trưng bởi màu sắc đậm cùng nét vẽ ấn tượng, bốc đồng, đầy biểu cảm đã góp phần tạo dựng nền tảng của nghệ thuật hiện đại. Trong những năm cuối đời, ông đã phải vật lộn với chứng trầm cảm, dẫn tới vụ tự sát vào năm 37 tuổi.
Tags