(Thethaovanhoa.vn) - Một lối đi riêng đang được “vẽ” ra - khác biệt và độc lập - so với thế hệ các ban nhạc trước đó. Không còn hoàn toàn phụ thuộc vào công ty quản lý, không chạy theo trào lưu và từ chối “dấn thân” vào sự ồn ào của thị trường âm nhạc - đó là xu hướng đang đi lên của các ban nhạc hiện nay.
Họ không bó buộc mình trong bất kỳ một giới hạn hay chuẩn mực cụ thể. Họ yêu say âm nhạc một cách rất “đời”, và vì thế sự lý tưởng hóa trong “vùng đất thanh âm của những kẻ mộng mơ” ấy - là không cần thiết.
Họ - những ban nhạc indie với sự thành công bởi dấu ấn cá nhân không chỉ thể hiện một tín hiệu đáng mừng cho sự nỗ lực và đi lên từ chính tài năng và niềm đam mê của mình mà còn cho thấy một hướng đi mới đã và đang được mở ra cho văn hóa ban nhạc đương đại.
Phong cách âm nhạc - được định hình chung hay yêu cầu sự độc đáo?
Sự tồn tại và vai trò của các ban nhạc là điều không thể phủ nhận trong đời sống âm nhạc nói chung và đời sống tinh thần nói riêng. Ngay từ những năm 1970-1980, văn hóa ban nhạc đã manh nha và có vị trí nhất định trên thị trường âm nhạc Việt Nam, dù những bước phát triển đầu tiên mới chỉ dừng lại ở việc “cover” những bài hát quốc tế.
Không lâu sau đó, khi nhạc nhẹ trở nên thịnh hành, sự xuất hiện của nhiều ca sĩ cũng đã kéo theo sự có mặt của nhiều ban nhạc được công chúng yêu thích. Đặc biệt, những năm tiếp theo được nhìn nhận như thời kì phát triển rực rỡ nhất của các ban nhạc.
Văn hóa ban nhạc vào thời kì “hoàng kim” đồng nghĩa với việc mỗi người nghệ sĩ đều phải chọn cho mình một phong cách âm nhạc độc đáo để theo đuổi, tránh bão hòa trong thị trường chung. Vì thế, không dễ để định hình một hướng đi chung cho nền âm nhạc lúc đó, bởi thị hiếu người nghe luôn chờ đợi những điều mới mẻ.
Chẳng hạn như “Tam ca áo trắng” đã chọn cho mình những bài hát tươi sáng rộn rã bằng lối hòa ca giản đơn, không cầu kì, hoa mỹ để trở thành phong cách riêng của nhóm. Trong khi đó, “3 con mèo” lại quyết tâm theo đuổi dòng nhạc Rock mạnh mẽ, phóng khoáng. Sự độc đáo và linh hoạt - đó chính là yếu tố không thể thiếu để hoạt động nghệ thuật của bất kì ban nhạc nào tiếp tục phát triển.
Dù hướng đi đã cách tân khá nhiều so với những tiền bối thời kì đầu, các ban nhạc hiện nay vẫn luôn kiên định với hai yếu tố cốt lõi đó để tiến bước trên con đường âm nhạc của mình. Họ cố gắng để ghi lại những cảm xúc thăng hoa trong người nghe bằng thứ âm nhạc đậm chất “đời” rất riêng - độc đáo và không khuất lẫn.
Phần lớn những sản phẩm âm nhạc được tạo thành đều đi theo trường phái cá nhân hóa - nơi cái “tôi”được tự do “vùng vẫy”, được thể hiện cá tính âm nhạc riêng và làm những điều mình thích, không bị giới hạn hay đóng khung trong một khuôn mẫu nào cả.
Có thể kể đến “Ngọt” - một trong những ban nhạc được đón nhận nhiều nhất ở thời điểm hiện tại. Ngọt chỉ thu âm và phát hành các tác phẩm nếu bản thân ban nhạc cảm thấy hài lòng. Không đi theo thị hiếu đám đông nhưng cũng không đi ngược lại, ban nhạc chỉ viết nhạc mình thấy hay, và ít nhiều phải phản ánh cái cộng đồng thấy hay.
Một cái nhìn chân thực vào sự phát triển của các nhóm nhạc đương đại
Với độ phủ sóng mạnh mẽ của những năm 90, đến nay, nhiều bài hát như Chuyện chàng cô đơn, Đêm nay có mưa rơi (AC&M), Mây và núi (The Bell), Sắc màu tình yêu (HAT), Mộng liêu trai (1088), Đêm trăng tình yêu (GMC), Phố xa (Tam ca áo trắng)... do các nhóm nhạc thể hiện vẫn được khán giả thế hệ 8x, 9x yêu mến và thuộc nằm lòng.
Tuy nhiên, sau thời kì phát triển rực rỡ - sau một “ngày xưa” hoàng kim đã xa, sự xuất hiện hay biến mất của một ban nhạc nào đó không gây được sự quan tâm của khán giả như 10 - 20 năm trước.
Khác với sự hình thành của các ban nhạc thời kì trước, phần lớn các nhóm nhạc hiện nay đều tự hiện thực con đường âm nhạc của mình - họ bước ra từ các bản thu âm tải lên mạng. Sự phát triển của mạng xã hội là lợi thế cho những nhóm hoạt động độc lập.
Với hướng đi đó, họ có thể thỏa sức vẽ bức tranh cuộc sống bằng thứ tài năng âm nhạc nung nấu trong trái tim mình. Họ không cần phải bó buộc mình trong bất kỳ giới hạn nào mà tự tại sáng tạo, và cống hiến những sản phẩm âm nhạc mang cá tính riêng.
Tuy nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc ban nhạc phải tự lo tất cả, từ việc làm nhạc hay, tới việc mọi người ủng hộ và đồng cảm với các sản phẩm, hay tài chính cho các buổi biểu diễn.
“Miền đất hứa”
Sự bùng nổ của các cuộc thi âm nhạc dành cho cá nhân thời gian vừa qua đã góp phần khiến đời sống âm nhạc trở nên sôi động nhưng đồng thời tạo nên tình trạng mất cân bằng giữa ca sĩ và ban nhạc. Ít có ban nhạc nào tạo được tiếng vang cũng như tạo dựng được thương hiệu bền vững trong lòng khán giả. Họ hoạt động manh mún và nhanh bị tan rã do không có sân khấu biểu diễn thực sự và thị trường dành cho mình.
Các nhà sản xuất cũng chủ yếu chú trọng tới yếu tố cá nhân cũng như việc tìm kiếm những gương mặt ca sĩ mới hơn là tạo sân chơi cho các nhóm nhạc. Chính vì thế, sự xuất hiện của các nhóm nhạc trong các chương trình biểu diễn thường với vai trò đan xen, tránh nhàm chán giữa các tiết mục hơn là tôn vinh ban nhạc đúng nghĩa.
Viết Thanh, thủ lĩnh ban nhạc rock Unlimited, từng chia sẻ: “Đa phần các ban nhạc thường chơi nhạc trong các bar, sân khấu ở quán cà phê nhạc sống... Có ban chơi rất hay nhưng vẫn đánh ở nhà hàng, tiệc cưới. Chúng ta đang thiếu sân chơi, cũng như sân khấu chuyên nghiệp dành cho ban nhạc để được giới thiệu bản thân mình cũng như có động lực để học hỏi thêm”.
Nhạc sĩ Dương Cầm cho rằng để tạo thị trường cho ban nhạc, cùng với việc thay đổi thói quen nghe nhạc của khán giả, cũng cần thay đổi thói quen của nhà tổ chức chương trình trong việc mời ban nhạc biểu diễn. Chính vì lý do đó, anh đã quyết tâm tạo ra một sân chơi cho các ban nhạc - một nơi hiện thực hóa ước mơ, một nơi để các ban nhạc có thể cháy hết mình vì đam mê và nhận được sự công nhận xứng đáng. Và từ ấy, Bandland Channel - “miền đất hứa” đầy rộng mở - đã được sáng lập bởi nhạc sĩ Dương Cầm, với mong muốn các ban nhạc có thể theo đuổi đam mê của mình từ sân chơi ra sân khấu.
Một trong những điểm sáng của dự án Bandland Channel, chính là sự kiện Bandland Fest - Ngày hội các ban nhạc. Đây được coi là hoạt động lớn nhất trong năm của Bandland, và dự tính sẽ được tổ chức hàng năm, thuộc chuỗi Live on Stage của dự án.
Chương trình bao gồm hai phần chính: Sự kiện âm nhạc, kéo dài từ 18h30 cho tới 22h, quy tụ 17 ban nhạc quen thuộc trong cộng đồng yêu nhạc trẻ, được dẫn dắt bởi hai MC nổi tiếng: Hoàng Yến Chibi và Hà Lê.
Sự kiện còn bao gồm các lớp giao lưu chia sẻ về hai bộ môn Trống - Guitar, lần lượt diễn ra từ 13h đến 17h. Với Bandland Fest, nhạc sĩ Dương Cầm cho biết, anh tin tưởng vào sự thành công mà dự án mang lại, và mong muốn Bandland Channel nói chung và Bandland Fest nói riêng sẽ mang văn hóa ban nhạc tới gần hơn với khán giả đại chúng.
Vài nét về Bandland Fest Bandland Fest là một sự kiện âm nhạc, là hoạt động thường niên của dự án Bandland Channel, được sáng lập và điều hành bởi nhạc sĩ Dương Cầm và đội ngũ Dương Cầm Entertainment. Là sự kiện lớn nhất; đầu tiên và duy nhất tại Hà Nội dành riêng cho các ban nhạc chuyên và không chuyên; Bandland Fest quy tụ những ban nhạc hàng đầu: Ngọt, Jazz Glory, HUB... cùng nhiều khách mời thú vị; được dẫn dắt bởi hai nghệ sĩ Hoàng Yến Chibi và Hà Lê. Đây hứa hẹn sẽ là một trong những sự kiện âm nhạc hoành tráng nhất năm 2020; mang khán giả tới gần hơn với văn hóa ban nhạc; lan tỏa tình yêu âm nhạc với cộng đồng. Bandland Fest sẽ được tổ chức vào ngày 13/12, tại Vạn Hoa Premium, số 2 Chương Dương Độ. Đồng hành cùng chương trình là Công ty TNHH Tổ chức Sự kiện Vạn Hoa, nhà tài trợ Vàng, chịu trách nhiệm tài trợ địa điểm cho sự kiện. Đến với Bandland; bạn sẽ không chỉ đến với sức nóng của sân khấu quy tụ hơn 17 ban nhạc, mà còn là những trải nghiệm thú vị với dịch vụ của Vạn Hoa. Hiện chương trình đang mở bán vé tham dự tại: t.ly/4jym Để tìm hiểu thêm về Bandland Fest, hãy ghé qua fanpage của chương trình tại: https://www.facebook.com/bandlandchannel |
Nghĩa Nguyễn
Tags