(Thethaovanhoa.vn) - “Văn hóa công sở: Thực trạng và giải pháp” là chủ đề của buổi Tọa đàm giao lưu vừa được Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Thực trạng, những yếu tố tác động cũng như giải pháp thực hiện và nâng cao hiệu quả triển khai các tiêu chí văn hóa công sở của cán bộ, công chức hiện nay là những vấn đề được các đại biểu nhấn mạnh.
Tham gia giao lưu có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ VHTTDL; Tổng LĐLĐVN và Hội Nhà văn Việt Nam.
Có vai trò quan trọng nhưng nhiều người nhận thức chưa đúng
Theo Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương (Bộ VHTTDL), văn hóa công sở bao hàm các yếu tố cấu thành từ bên ngoài như bài trí, cảnh quan của cơ quan, công sở đến yếu tố bên trong như phong cách giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức. Hành vi ứng xử trong văn hóa công sở được quy định, thể hiện trong các văn bản, quy chế đều có nội hàm đặc thù, trong mỗi điều kiện, hoàn cảnh, trường hợp sẽ có những hành vi ứng xử khác nhau. Do vậy, có thể nói nội hàm của văn hóa công sở là toàn bộ hình ảnh cơ quan, công sở và hành vi của cán bộ, công chức, viên chức nhằm thể hiện trách nhiệm, năng lực, tâm huyết với công vụ, nhiệm vụ được giao; thái độ, tinh thần tận tụy, thanh lịch, cởi mở trong tiếp xúc xử lý công việc, phục vụ nhân dân, cơ quan, tổ chức; sự hài hòa trong mối quan hệ trong từng cơ quan, đơn vị; trong suy nghĩ của bản thân mỗi cán bộ, công chức, viên chức với nhau; sự trang trọng, nghiêm túc của cơ quan, công sở.
Các đại biểu cùng chung nhận định, văn hóa công sở có vai trò, vị trí vô cùng quan trọng trong cuộc sống, gắn với hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, đơn vị, góp phần hình thành và xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đảm bảo tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức… Thực hiện quyết định 129/2007/QĐ-TTg về văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước và quyết định 1847/QĐ- TTg ngày 27.12.2018 về đề án văn hóa công vụ đã cho thấy những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ công chức, viên chức về văn hóa công sở, bước đầu hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có một bộ phận cán bộ công chức có nhận thức chưa đúng về văn hóa công sở, có những biểu hiện lệch chuẩn trong ứng xử làm ảnh hưởng đến hình ảnh “công bộc” của dân.
- Hà Nội phát động phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở, nơi công cộng
- Nhà sử học, ĐBQH Dương Trung Quốc: Văn hóa công sở - nhìn từ 60 phút nghỉ trưa
- Tết Kỷ Sửu: Thực hiện nghiêm Quy chế văn hóa công sở
Các đại biểu cũng đã tập trung làm rõ những vấn đề được độc giả quan tâm như nội dung các Quyết định của Thủ tướng chính phủ về Văn hóa công sở; thực trạng của văn hóa công sở hiện nay; những biểu hiện lệch chuẩn trong văn hóa công sở; giải pháp khắc phục bất cập và nâng cao văn hóa công sở ở mỗi cơ quan, đơn vị… Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam lưu ý, văn hóa công sở không chỉ yêu cầu cán bộ, công chức, người lao động thực hiện nghiêm túc ở nơi làm việc mà phải cả nơi sinh sống, nơi công cộng. Nhất là tại nơi làm việc, phải giải quyết công việc theo quy định, quy trình, thái độ niềm nở, không sách nhiễu, gợi ý đưa tiền, không giải quyết công việc ngoài cơ quan, không gây bức xúc cho người dân.
Cần đưa bộ quy tắc văn hóa ứng xử vào trường học
Theo Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, để văn hóa công sở được áp dụng hiệu quả, giải pháp cần tập trung gồm: Quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm những quy định, quy tắc ứng xử về văn hóa công sở; tuyên truyền, phổ biến, giúp bản thân mỗi cán bộ, công chức hiểu rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện văn hóa công sở nhằm giữ gìn hình ảnh cơ quan, đơn vị, bộ máy nhà nước đối với nhân dân. Kịp thời khen thưởng, biểu dương, nhân rộng những hành vi ứng xử đẹp, chuẩn mực của cá nhân công chức, viên chức và cơ quan nhà nước nhằm nhân rộng các điển hình trong xã hội.
“Việc đưa tiêu chí thực hiện văn hóa công sở trong đánh giá cán bộ công chức cuối năm là phù hợp, tuy nhiên cần chú ý để áp dụng không cứng nhắc, khiên cưỡng sẽ dẫn đến phản tác dụng, thậm chí gây bức xúc. Vì vậy, để áp dụng hiệu quả trong việc đưa tiêu chí thực hiện văn hóa công sở vào bình xét cuối năm, cần biểu dương, khuyến khích những hành vi ứng xử đẹp, có văn hóa; áp dụng các hình thức khen thưởng nhằm làm gương cho các cán bộ, công chức khác. Mặt khác, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu bộ phận, cơ quan. Người lãnh đạo có vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh tập thể trong nhận thức của dư luận và việc làm gương cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý.
Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương cũng lưu ý thêm về việc đưa bộ quy tắc văn hóa ứng xử vào trường học. Theo đó, việc đưa thêm nội dung về ứng xử vào chương trình đào tạo là cần thiết, song nên đưa những hành vi ứng xử sinh động, dễ hiểu, giúp học sinh dễ tiếp thu. Việc có các hình thức khen thưởng, phê bình cụ thể sẽ có tác dụng hiệu quả đến việc hình thành nhân cách các con. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho học sinh tiếp xúc với những môi trường, nhân vật có hành vi ứng xử tốt đẹp bằng cách tiếp xúc trực tiếp, sưu tầm, kể chuyện nhằm xây dựng các hình ảnh tốt đẹp trong tâm trí trẻ như một vị lãnh đạo tốt, một bác sĩ tâm huyết, một thầy giáo có tâm, một người nông dân có trách nhiệm… Qua đó nhằm khuyến khích trẻ mong muốn trở thành một người tốt trong tương lai.
“Thế hệ trẻ dễ tiếp thu cả cái tốt và cái xấu, do vậy, để giữ gìn nhân cách từ nhỏ đến lúc trưởng thành là cả một quá trình, trong đó, điều quan trọng là việc làm gương từ những người lớn trong cả gia đình, nhà trường, xã hội; giúp trẻ hình thành hệ giá trị đạo đức chuẩn, vững chắc, tạo hệ miễn dịch tinh thần, biết phân biệt đúng sai trước rất nhiều yếu tố tác động, nhất là sự ảnh hưởng của mạng xã hội hiện nay”, bà Ninh Thị Thu Hương nói.
Cuộc giao lưu trực tuyến đã góp phần giúp độc giả thấy được thực trạng văn hóa công sở trong các cơ quan, đơn vị hiện nay cũng như việc cần thiết phải nâng cao văn hóa công sở cho mỗi cán bộ, công chức trong việc thực thi nhiệm vụ và chức trách của mình trong tình hình mới.
Đây cũng là hoạt động nhằm góp phần tuyên truyền hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Khóa VIII (16.7.1998) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9.6.2014 Hội nghị lần thứ Chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Quyết định 1847/QĐ-TTg về Đề án Văn hóa công vụ được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt ngày 27.12.2018 và Quyết định số 733/QĐ-TTg ngày 14.6.2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025.
Văn hóa công sở không chỉ yêu cầu cán bộ, công chức, người lao động thực hiện nghiêm túc ở nơi làm việc mà phải cả nơi sinh sống, nơi công cộng. Nhất là tại nơi làm việc, phải giải quyết công việc theo quy định, quy trình, thái độ niềm nở, không sách nhiễu, gợi ý đưa tiền, không giải quyết công việc ngoài cơ quan, không gây bức xúc cho người dân… (Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN |
Theo Huy Anh - Báo Văn hóa
Tags