(Thethaovanhoa.vn) - Tôi dùng cụm từ “lại tái xuất”, bởi đây là lần thứ 6 tiểu thuyết Cõi nhân gian của Nguyễn Phúc Lộc Thành được tái xuất bản.
Đó quả là một hiện tượng hiếm có trong đời sống văn học Việt Nam đương đại. Đặc biệt hơn nữa là lần tái xuất này, tác phẩm lớn gấp 8 lần hiểu theo mọi lẽ so với cuốn tiểu thuyết Cõi nhân gian xuất bản lần đầu tiên cách nay 28 năm, giờ đây trở thành tập 1 của bộ tiểu thuyết 8 tập Cõi nhân gian đồ sộ, bao gồm 159 chương chia làm 4 quyển khổ lớn với gần 2.000 trang in.
Và việc ra mắt bộ tiểu thuyết “kỷ lục” này cũng dánh dấu thêm một lần tái xuất ngoạn mục hết sức ấn tượng của nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành!
1. Nói cho chính xác thì đây là lần tái xuất thứ 7 của tác phẩm Cõi nhân gian, khởi đầu là một truyện ngắn mang tên Vào đời của Nguyễn Phúc Lộc Thành, năm 1990 đã đoạt giải Nhất cuộc thi văn chương dành cho người Việt ở 15 nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Bấy giờ, tác giả đang làm ăn ở xứ sở Bạch dương.
Năm 1991 Liên Xô sụp đổ, Nguyễn Phúc Lộc Thành về nước. Năm 1993 anh thi đỗ vào Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 5 với “vốn tự có” là cuốn tiểu thuyết Cõi nhân gian phát triển từ truyện ngắn Vào đời kể trên. Tiểu thuyết này từng lọt vào vòng Chung khảo Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994.
Thời gian này, Nguyễn Phúc Lộc Thành còn xuất bản tập truyện ngắn gây nhiều sóng gió. Rồi Nguyễn Phúc Lộc Thành lặn mất tăm. Làng văn vắng một tên tuổi, nhưng giới doanh nhân ngày mỗi sừng sững một đại gia thương hiệu Thành Hưng, chiếm lĩnh thị trường vận tải khắp trong Nam ngoài Bắc với hàng nghìn người lao động, có văn phòng đại diện tại hầu hết các thành phố lớn trong cả nước.
Thế rồi sau gần 20 năm “gác bút”, Nguyễn Phúc Lộc Thành bất ngờ xuất hiện trở lại, nhưng lần này là với thơ. Tôi may mắn là một trong những người được chứng kiến màn tái xuất ngoạn mục này của anh. Ấy là đầu năm 2017, Vườn nghệ thuật Song thuong Garden ở Bắc Giang do nhà văn Sương Nguyệt Minh làm giám đốc truyền thông có mời một số nhà văn ở Hà Nội lên thăm thú với nhã ý mỗi người viết tặng Song thuong Garden một bài thơ. Các thành viên tham gia chuyến đi như: Nguyễn Trọng Tạo, Trần Quang Quý, Nguyễn Việt Chiến, Mai Nam Thắng, Nguyễn Phúc Lộc Thành, Đỗ Tiến Thụy… sau đó đều có thơ “trả bài”. Riêng Nguyễn Phúc Lộc Thành, sau bài thơ Giấc mơ sông Thương bỗng như lên đồng, như ma ám, hùng hục viết tổng cộng 36 bài Giấc mơ sông Thương trong gần 2 tháng. Tất cả đều là thơ lục bát mà không như lục bát. Tất cả đều viết về một chủ đề mà không trùng lặp từ câu chữ đến ý tứ. Tất cả đều mới lạ đến bàng hoàng sửng sốt…
Như hỏa diệm sơn phát lộ, cái mạch lục bát Nguyễn Phúc Lộc Thành tiếp tục phun trào sôi sục. Anh viết tiếp 36 bài thơ chủ đề Chân quê rồi 36 bài thơ chủ đề Chiều, cũng lên đồng như ma ám, cũng nhất quán một phong cách lục bát Nguyễn Phúc Lộc Thành.
Ngoài 3 tập thơ in khổ nhỏ trên đây, Nguyễn Phúc Lộc Thành còn gộp chung thành một tập bìa cứng khổ lớn mang tên Giấc mơ sông Thương và trở thành một ứng cử viên nặng ký của Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2018. Mặc dù cuối cùng, giải thưởng đã không đến với Giấc mơ sông Thương, nhưng cuộc ra mắt tập thơ này năm đó tại Nhà khách Chính phủ vô cùng sang trọng đã là một sự kiện văn học nổi bật trong năm, với sự tham gia và đăng đàn của nhiều tên tuổi khả kính trong Hội Nhà văn Việt Nam. Tựu trung đều thừa nhận đó là kiểu thơ lục bát có nhịp điệu hiện đại và thiên về nhục tính, có sức khơi gợi và liên tưởng mạnh mẽ.
2. Như đã nói ở trên, bộ tiểu thuyết 8 tập Cõi nhân gian của Nguyễn Phúc Lộc Thành xuất bản lần này là tiếp tục câu chuyện của tiểu thuyết Cõi nhân gian xuất bản năm 1993, nay được mặc định là tập 1. Trọn bộ 8 tập là một giai đoạn xã hội Việt Nam trong khoảng 20 năm, gồm thập niên cuối của thế kỷ 20 và thập niên đầu của thế kỷ 21. Tất cả được tái dựng trên một cái nền hình sự đẫm chất thế sự. Trong đó, hình sự chỉ là thủ pháp dẫn dắt độc giả dõi theo câu chuyện, còn thế sự là phương tiện để tác giả diễn giải những triết lý nhân sinh và gửi gắm những thông điệp nhân văn.
Có thể nói 8 tập tiểu thuyết Cõi nhân gian như một bộ “tấn trò đời” bóc trần hiện thực xã hội Việt Nam trong một giai đoạn “bản lề” chuyển mình để hội nhập và phát triển. Tác phẩm có một hệ thống nhân vật đủ mọi nghề nghiệp, giai tầng, đẳng cấp, địa vị… với những tính cách khá tiêu biểu cho mỗi “hạng” người. Truyện đề cập đến nhiều vấn đề vĩ mô có tính “nguy cơ, vấn nạn” trong đời sống của đất nước, thông qua những nhân vật cụ thể trong vòng xoáy tham - sân-si.
Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, đến thời điểm này chưa có tác phẩm nào đạt được số tập như Cõi nhân gian của Nguyễn Phúc Lộc Thành. Bởi vậy, nói rằng đây là bộ trường thiên tiểu thuyết giữ kỷ lục nhiều tập thì không cần bàn cãi. Nhưng kỷ lục ấy chỉ có giá trị và ý nghĩa khi số tập và số chữ tỉ lệ thuận với chất lượng nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Nói cách khác là giá trị phi vật thể của tác phẩm cũng tương xứng với sự “đồ sộ” của bộ sách tính theo cơ học.
Rất may là trường thiên tiểu thuyết Cõi nhân gian đã phần nào đạt được sự tương xứng ấy.
Trước hết, phải nói rằng viết một bộ tiểu thuyết 8 tập với gần 2.000 trang in khổ lớn mà tập trước “hẹn” tập sau, tập sau “gọi” tập trước, câu chuyện không bị “đuối” dần, giọng văn không bị “hụt hơi”, độc giả không buông sách bỏ dở… đã là một thành công đáng kể của tác phẩm này. Cõi nhân gian là bộ tiểu thuyết được viết với phong cách “cuộn sóng” và kết cấu “móc xích”, kết thúc chương trước là một tình huống “để ngỏ” dành cho chương sau khiến người đọc háo hức tò mò. Đó là kiểu kết cấu của tiểu thuyết chương hồi cổ điển, nhưng giọng văn lại hết sức hiện đại, tiết tấu nhanh, nhịp điệu dồn dập. Đọc đến chương cuối vẫn thấy tác giả còn rất “trường sức”, chi tiết vẫn ăm ắp, hiện thực vẫn ngồn ngộn…
Được như vậy, ngoài tài năng văn chương, một phần còn bởi vốn sống và sự trải nghiệm của chính tác giả. Từng lăn lộn làm ăn ở xứ người gần chục năm trong giai đoạn “đêm trước” của công cuộc “cải tổ” (Perextroika), trở về nước lăn lộn trên thương trường trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển… nên Nguyễn Phúc Lộc Thành đã nếm trải đủ mọi điều tốt-xấu của xã hội, đã tiếp xúc với nhiều nhân vật trên chính trường và thương trường... Đó là vốn sống, là hiện thực, là “tài nguyên” bảo đảm cho thành công của bộ tiểu thuyết này.
- Triển lãm và ra mắt sách 'Nguyệt sáng gương trong'
- Ra mắt sách 'Người Nga viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh'
Các nhà văn thành danh thường tự “ăn thịt” chính mình và Nguyễn Phúc Lộc Thành với Cõi nhân gian chắc chắn cũng không ngoại lệ. Nhưng cũng chắc chắn rằng đây không phải là tự truyện. Khi tác giả chọn kiểu văn trần thuật cho tiểu thuyết, dùng ngôi thứ nhất để dẫn chuyện thì đó là một thủ pháp nghệ thuật để tăng độ tin cậy cho độc giả. Đây là câu chuyện của chính “tôi”, những nhân vật và sự kiện mà “tôi” kể là có thật.
Tuy nhiên, để tránh những suy diễn, gán ghép, qui chụp… tác giả đã khéo léo sử dụng thủ pháp hiện thực huyền ảo vào những lúc cần thiết với mức độ hợp lý, để không bị bắt bẻ và tăng sức hấp dẫn cho câu chuyện. Đồng thời để tránh sa vào giọng “kể lể” chủ quan thường là nhược điểm của lối văn trần thuật, tác giả đã ý thức thay đổi “điểm nhìn” sang các nhân vật khác thông qua đối thoại, độc thoại, hành động… của họ. Theo đó mà tiểu thuyết có nhiều giọng điệu hơn, màu sắc các câu chuyện sinh động và biến ảo hơn; những góc khuất trong từng số phận, từng nhân vật cũng được soi chiếu, thấu tỏ.
Chất điện ảnh của "Cõi nhân gian" Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, tác giả biên kịch của khá nhiều bộ phim chính luận nhiều tập khá nổi tiếng, kể: Hơn một phần tư thế kỷ trước, khi tiểu thuyết Cõi nhân gian của Nguyễn Phúc Lộc Thành ra đời (nay là tập 1), ông đã nhận thấy đây là một tác phẩm văn học rất giàu chất điện ảnh (cinema) và ông đã chuyển thể nó thành kịch bản phim truyện nhiều tập. Tiếc thay vì những lý do “dè dặt” hồi đó mà dự án phim truyền hình ấy đã không được thực hiện. Bộ tiểu thuyết 8 tập Cõi nhân gian hiện nay vẫn tiếp tục phát huy “chất điện ảnh” ấy trong mạch chuyện từ đầu đến cuối, với kết cấu mỗi chương như một tập phim hoàn chỉnh. Trọn bộ 8 tập là 159 chương. Nếu tiểu thuyết này được lên phim, chắc chắn nó sẽ lại ghi thêm một kỷ lục nữa. Ờ nhỉ, “không khí” đổi mới hiện nay đã khác xa một phần tư thế kỷ trước. Hãy hi vọng và chờ đợi… |
Mai Nam Thắng
Tags